Cổ phiếu TAG của Thế giới di động tăng trần 12 phiên liên tiếp từ 16.200 đồng lên 80.700 đồng/cổ phiếu. Đây là hiện tượng chưa từng có với một cổ phiếu gần như không có giao dịch trong cả năm trời.
Sau khoảng 3 năm dài gần như không có giao dịch, cổ phiếu TAG của Công ty CP Thế giới số Trần Anh bất ngờ tăng trần liên tục với một phiên có vài trăm cho tới vài nghìn cổ phần được chuyển nhượng. TAG trở thành cổ phiếu quán quân về tăng điểm trong cả hai tuần.
Cổ phiếu TAG tăng từ mức 16.200 đồng hôm 12.11 lên mức 80.700 đồng hôm 30.11.
Cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp này khá cô đặc. Hiện Thế giới di động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài đang nắm giữ tới hơn 99% vốn điều lệ của TAG.
Công ty CP Thế giới số Trần Anh được thành lập từ năm 2002 với chuỗi cửa hàng bán máy tính và linh kiện lớn tại Hà Nội. Công ty này tăng trưởng mạnh trong giai đoạn đầu những năm 2000. Tuy nhiên, do chiến lược mở rộng quy mô không hợp lý, doanh nghiệp này thua lỗ và bị Thế giới di động của ông Nguyễn Đức Tài thâu tóm năm 2018 sau khi chi khoảng 850 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, Trần Anh ghi nhận doanh thu gần 70 tỷ đồng với nguồn thu chủ yếu từ việc cho Thế giới di động thuê mặt bằng, văn phòng, tài sản và thương hiệu. Trong quý III, TAG lãi gộp 230 triệu đồng. Lũy kế 9 tháng, TAG lãi hơn 10 tỷ đồng.
Cổ phiếu Trần Anh bất ngờ tăng mạnh
Cú thâu tóm Trần Anh là một trong những thương vụ M&A đình đám trên thị trường điện máy Việt Nam cũng như thương vụ hệ thống Nguyễn Kim hay Phú Thái... bị các đại gia nước ngoài thâu tóm.
Ở vào thời điểm bị thâu tóm, Trần Anh là một thương hiệu lớn với hệ thống 34 siêu thị điện máy. Sự kiện Trần Anh về tay Điện máy Xanh phần nào cho thấy sự khốc liệt trên thị trường bán lẻ Việt Nam.
Về phía mình khi đó cựu chủ tịch Trần Anh, ông Trần Xuân Kiên, cho rằng thị trường bán lẻ điện máy offline “không còn nhiều tương lai”. Theo đó, mức tiêu thụ đồ điện máy ở một số nước bắt đầu bão hòa và có thể Việt Nam cũng sẽ theo hướng đó.
Trên thị trường bán lẻ Việt Nam, trong nhiều năm gần đây, nhiều đại gia vẫn đẩy mạnh đầu tư nhưng nhiều tên tuổi dần biến mất.
Fivimart là cái tên khá nổi tiếng bị xóa sổ khỏi thị trường bán lẻ sau khi Vingroup thâu tóm và đổi tên thành Vinmart. Vinmart sau đó được bán cho Masan. Trước đó, một loạt cái tên bán lẻ cũng đã biến mất trên bản đồ bán lẻ Việt Nam như Ocean Mart, Maximark, Metro...
Cuộc đua trên thị trường bán lẻ ngày càng khốc liệt trong bối cảnh các đại gia nội và ngoại đang bung vài tỷ USD và chục ngàn tỷ để chiếm thị phần.
Theo ông Trần Xuân Kiên, xu thế thương mại điện tử đang phát triển rất mạnh.
Gần đây, VNG tiếp tục rót tiền vào Tiki bất chấp việc phải gánh thua lỗ lớn của doanh nghiệp thương mại điện tử này.
Theo Vietnamnet