Hơn 30 năm gắn bó với nông nghiệp, TS Đào Xuân Thảng có nhiều công trình nghiên cứu khoa học tiêu biểu, góp phần tạo ra những sản phẩm hàng hóa giá trị...
Giống bí xanh số 1 do TS. Đào Xuân Thảng nghiên cứu, chọn tạo đã được trồng rộng rãi ở đồng bằng sông Hồng
Ảnh: Phạm Ninh Hải
“Làm nông nghiệp phải biết nghĩ đến nông dân, thương nông dân. Nhà khoa học vừa là đầy tớ nhưng đồng thời cũng là thầy của nông dân để hướng dẫn nông dân ứng dụng khoa học mang lại thu nhập cao hơn”, đó là những lời tâm huyết của TS. Đào Xuân Thảng về nông dân, nông nghiệp, nông thôn. Sau nhiều lần hẹn mà không gặp vì lý do sức khỏe, cuối cùng tôi cũng gặp được ông. Ấn tượng đầu tiên của tôi về ông là sự giản dị, nghiêm cẩn của một nhà khoa học. Vừa dậy được sau trận ốm, bất chấp tuổi cao, trời lại rét căm căm, TS. Thảng vẫn tới Viện Cây lương thực và cây thực phẩm (nơi trước khi nghỉ hưu ông là Phó Viện trưởng) trên chiếc xe Dream cũ của mình. Trò chuyện với ông, tôi mới biết, ông là học trò của cố Giáo sư Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp của Việt Nam. Tiếp bước những nhà khoa học đi trước công tác tại Viện Cây lương thực và cây thực phẩm như cố Bác sĩ nông học Lương Định Của, cố Giáo sư Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng… TS. Thảng đã dành cả đời cho nền nông nghiệp và để lại nhiều dấu ấn trong lĩnh vực này.
TS. Đào Xuân Thảng sinh năm 1951 tại Thái Bình. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự năm 1974, ông thi đỗ chương trình nghiên cứu sinh tại Bulgaria và học chuyên ngành rau quả, sau đó năm 1980 trở về nước công tác tại Viện Cây lương thực và cây thực phẩm. Hơn 30 năm làm khoa học, ông đã có hơn chục công trình nghiên cứu là tác giả, đồng tác giả tại viện. Tiêu biểu như chọn tạo các giống dưa Thanh lê, ổi trắng số 1, Đại táo 15, dưa chuột lai Sao xanh, cà chua lai VT3, bí xanh số 1, bí xanh số 2… Đề tài “Nghiên cứu, chọn tạo và phát triển giống bí xanh số 1” đã đoạt giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ và giải thưởng của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) năm 2010 và đoạt giải A Giải thưởng Khoa học và Công nghệ Côn Sơn lần thứ III, năm 2011. Các giống cây do ông nghiên cứu hiện được trồng rộng rãi trên địa bàn tỉnh và đem lại thu nhập cao cho người nông dân. Riêng giống bí xanh số 1 đã được trồng hàng nghìn ha tại khu vực đồng bằng sông Hồng. Để có được những kết quả đáng tự hào ấy là cả quá trình hoạt động khoa học cần mẫn với sự say mê, sáng tạo không ngừng nghỉ. Nghỉ hưu năm 2011 nhưng ông không nghỉ ngơi. Hiện ông vẫn tiếp tục tham gia chỉ đạo kỹ thuật và nghiên cứu của Tổ Nông nghiệp công nghệ cao tại viện. Tổ có nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ trong ngành nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu sản xuất, nâng cao đời sống của người nông dân cũng như tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa nông sản.
Biến tấc đất thành tấc vàng
Điều dễ nhận thấy ở TS. Đào Xuân Thảng là sự đam mê nghiên cứu, lao động đáng khâm phục. Nhiệt huyết ấy ghi đậm dấu ấn trong lòng những kỹ sư trẻ làm việc tại Tổ Nông nghiệp công nghệ cao, những người hằng ngày được tiếp xúc với ông. Kỹ sư Trần Thanh Mai làm việc tại đây cho biết: “Mấy hôm trước bác Thảng ốm nên không xuống viện. Bình thường ngày nghỉ, ngày lễ bác đều xuống. Có hôm trời mưa rất to, nhưng đúng 8 giờ là bác đã đến làm việc”. Nhiều kỹ sư, người làm công tại đây đều gọi TS. Thảng là “bác Thảng” - một cách gọi giản dị nhưng thật gần gũi, kính trọng.
Đến Tổ Nông nghiệp công nghệ cao, không dễ để gặp TS. Thảng vì ông thường xuyên ở ngoài ruộng. Dù những ngày này nhiệt độ ngoài trời xuống thấp, tuổi đã cao nhưng ông vẫn duy trì say sưa với công việc. Ông đã đấu thầu lại khu đất rộng 5 ha của viện để chủ động sản xuất cây ăn quả, rau màu các loại. Ở đây, ông đầu tư xây dựng khu nhà lưới, nhà màng một cách khoa học, bên này là ổi, bên kia là cam, táo, đu đủ... Mọi diện tích đất đều được tận dụng để trồng cây, chỉ với 0,5 m2 đất dọc bờ ao đã bố trí đủ loại cây như ớt, chanh, táo, phía trên là giàn bí xanh mướt sai lúc lỉu… Bằng sự cần mẫn lao động và nghiên cứu, ông đã biến tấc đất thành tấc vàng, tạo việc làm thường xuyên cho trên 30 lao động với thu nhập từ 3-4 triệu đồng/người/tháng.
Trong công việc, ông luôn chuyên tâm nghiên cứu và đòi hỏi trách nhiệm cao ở những kỹ sư, công nhân thực hiện. Ông Nguyễn Văn Sự ở thôn Vô Lượng, xã Thống Nhất (Gia Lộc), người làm công nhật cho viện hơn 40 năm nay cho biết: “Với người làm công, ông ấy nghiêm lắm, duy trì kỷ luật lao động. Rau quả thương phẩm phun thuốc sâu xong phải cách 20-25 ngày mới được xuất bán, làm sai là cắt hợp đồng lao động. Ông ấy bảo “làm thế là hại dân, mất uy tín của người làm khoa học”. Ở thôn tôi và nhiều xã xung quanh, nhiều người được ông ấy hướng dẫn kỹ thuật ghép cây, chăm sóc cây trồng khi áp dụng đều đem lại hiệu quả kinh tế cao. Người dân biết ơn ông ấy lắm”.
Không chỉ nghiên cứu những loại cây trồng thương phẩm cho hiệu quả kinh tế cao, nhiều năm gần đây ông kết hợp trồng và nghiên cứu, thử nghiệm các loại cây cảnh phục vụ Tết như ớt ngọt, đu đủ cảnh và đang tiếp tục thực hiện một số nghiên cứu khác. TS. Thảng cho biết: “Những nghiên cứu tôi thường xuất phát từ yêu cầu của sản xuất và nhu cầu thực tế. Quan trọng nhất là người làm khoa học phải có cái tâm nhìn cuộc sống trong sáng, tươi đẹp. Làm nông nghiệp phải biết nghĩ đến nông dân, thương nông dân, hướng dẫn nông dân làm thế nào để ứng dụng khoa học mang lại thu nhập cao hơn, chấp hành cơ chế chính sách tốt hơn, bảo đảm phát triển bền vững, an toàn vệ sinh thực phẩm…” Những lời bộc bạch đó cũng như cuộc đời nghiên cứu khoa học nhiều thành tựu của TS. Đào Xuân Thảng đã minh chứng cho tấm lòng của ông với nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
VIỆT QUỲNH