Bước tiến mới trong quản lý hành chính

07/09/2018 09:19

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đưa vào vận hành, khai thác, sử dụng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xóa bỏ tình trạng công dân phải sử dụng nhiều loại giấy tờ.


Khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đưa vào khai thác, sử dụng, công dân không phải sử dụng nhiều loại giấy tờ khi thực hiện các thủ tục hành chính

Lợi đủ đường

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tập hợp thông tin cơ bản của tất cả các công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin. Cơ sở dữ liệu này dùng để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Theo Trung tá Phạm Chiến, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh), xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là một phần trong Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 của Chính phủ. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xóa bỏ tình trạng công dân phải sử dụng nhiều loại giấy tờ, tiến tới xây dựng chính phủ điện tử.

Hiện nay, mỗi người dân sở hữu rất nhiều loại giấy tờ khác nhau như giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn, sổ hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân, hộ chiếu, thẻ bảo hiểm y tế, bằng lái xe… Nhiều thông tin trong các giấy tờ bị trùng lặp như họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, quê quán, dân tộc, quốc tịch, tôn giáo… Nhưng khi thực hiện một số thủ tục hành chính hoặc giao dịch dân sự, họ lại phải sử dụng cùng lúc nhiều loại giấy tờ để chứng minh nhân thân của mình. Việc chứng minh thông qua xuất trình bản gốc hoặc bản sao có chứng thực làm phát sinh chi phí hành chính lớn cũng như mất nhiều thời gian.  

Việc tra cứu thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ thay cho xuất trình bản chính hoặc nộp bản sao có chứng thực, giúp rút ngắn thời gian xử lý các công việc hành chính, giảm chi phí và thời gian của người dân. Người dân chỉ cần mang theo thẻ căn cước công dân để thực hiện các giao dịch.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư còn có ý nghĩa quan trọng trong công tác quản lý nhà nước. Các cơ quan nhà nước sẽ dễ dàng xác minh, kiểm chứng các thông tin về công dân khi họ đến làm việc. Việc quản lý, thống kê, lưu trữ hồ sơ, số liệu về dân cư cũng dễ dàng, thuận tiện và nhanh chóng hơn.

Triển khai đồng bộ

Ngày 27.7.2017, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 trên địa bàn tỉnh Hải Dương (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 896 tỉnh) được thành lập.

Ban Chỉ đạo 896 của tỉnh đã tổ chức tập huấn về công tác xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đến các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; thành lập các Ban Chỉ đạo 896 tại các địa phương để triển khai thực hiện đề án. Từ ngày 15.8, các địa phương trong tỉnh bắt đầu tiến hành thu thập thông tin dân cư và dự kiến đến hết quý IV năm nay sẽ cơ bản hoàn thành công tác này.

Theo Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh), đến tháng 7.2018, toàn tỉnh có 560.008 hộ với 1.934.215 nhân khẩu. Trong đó, có 3.563 hộ với 34.747 nhân khẩu đăng ký tạm trú. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chỉ thực hiện với nhân khẩu thường trú. Vì vậy, số nhân khẩu tạm trú phải về nơi thường trú để khai báo. Với vai trò là cơ quan tham mưu thường trực, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã hướng dẫn, tập huấn cho công an địa phương về công tác thu thập thông tin; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện của các đơn vị.

Việc thu thập, kiểm tra, đối sánh thông tin cơ bản của công dân do Công an cấp huyện chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành đoàn thể, UBND cấp xã tổ chức thực hiện. Người dân phải cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin cơ bản theo quy định của Luật Căn cước công dân. Phiếu thu thập thông tin dân cư sau khi có đầy đủ thông tin cá nhân liên quan sẽ được Trưởng công an xã, phường, thị trấn ký xác nhận. Sau đó, phiếu thông tin được chuyển đến Công an cấp huyện scan, truyền dữ liệu vào hệ thống do Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư quản lý.

Trong quá trình thực hiện, các địa phương tổng hợp tình hình, kết quả triển khai, phản ánh khó khăn, vướng mắc, kiến nghị giải pháp với Công an tỉnh, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, giải quyết.

NINH THÀNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bước tiến mới trong quản lý hành chính