Bước phát triển về chất

19/11/2015 05:30

Trải qua gần nửa thế kỷ, Trường Trung cấp Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Hải Dương được biết đến như là vườn ươm cho những tài năng nghệ thuật của toàn tỉnh.



Ngoài nhiệm vụ dạy và học trong trường, Trường Trung cấp Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Hải Dương còn
tổ chức nhiều chương trình biểu diễn gắn học với hành


Trường Trung cấp Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Hải Dương tiền thân là Trường Sơ cấp Văn hóa nghệ thuật thuộc Ty Văn hóa (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ra đời năm 1967. Trải qua gần nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, trường được biết đến như là cái nôi, là vườn ươm cho những tài năng nghệ thuật của toàn tỉnh.

Năm 2000, trường được nâng cấp từ đào tạo trình độ sơ cấp lên đào tạo hệ trung cấp chuyên nghiệp. Đây là cột mốc đáng nhớ trong quá trình phát triển của trường, thể hiện chất lượng đào tạo được nâng lên. Chặng đường 15 năm trở thành trường trung cấp chuyên nghiệp tuy chưa dài nhưng cũng đủ để trường đạt được nhiều thành tích trong vị thế mới.

Trong 15 năm qua, nhà trường đã làm tốt công tác tuyển sinh và duy trì nền nếp học tập của tất cả các lớp thuộc các hệ đào tạo. Số lượng học sinh, số lớp, số ngành đào tạo ngày một tăng. Từ chỗ chỉ có hơn 200 học sinh, đến nay số học sinh trong nhà trường được duy trì ở mức hơn 1.000; số lớp tăng từ 7 lên 66 lớp. Với mục tiêu tăng quy mô đào tạo trên cơ sở giữ vững uy tín, chất lượng đào tạo, nhà trường đã từng bước tăng số chuyên ngành đào tạo hệ trung cấp từ 4 lên 14, bao gồm: thanh nhạc, nhạc cụ, mỹ thuật, sân khấu chèo, sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật, thiết kế đồ họa, thư viện, quản lý văn hóa, hành chính văn thư, văn hóa du lịch, báo chí, tin học, múa. Từ năm học 2014 - 2015, nhà trường tiếp tục tuyển sinh các lớp hệ giáo dục thường xuyên cho các em có năng khiếu chuyên ngành nghệ thuật, các lớp bồi dưỡng tại cơ sở và tại trường, các lớp sơ cấp (múa, thanh nhạc, nhạc cụ, mỹ thuật) nhằm đa dạng hóa các loại hình đào tạo cũng như tìm kiếm tài năng trẻ để phục vụ cho sự phát triển văn hóa, nghệ thuật của tỉnh.

Bên cạnh các chuyên ngành nghệ thuật, trường còn đào tạo văn hóa phổ thông theo chương trình giáo dục thường xuyên bậc THCS, THPT theo Quyết định số 2360/QĐ-UBND ngày 19-3-2010 của UBND tỉnh với vận động viên thuộc các trung tâm thể thao và học sinh các môn nghệ thuật. Bên cạnh đó, trường còn mở nhiều lớp bồi dưỡng tại cơ sở cho những hạt nhân văn hóa, văn nghệ quần chúng của địa phương nhằm phát huy phong trào văn hóa, văn nghệ, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng nông thôn mới.

Chất lượng đào tạo của nhà trường được thể hiện ở kết quả học tập của học sinh, sinh viên. Trong nhiều năm học qua, trường không có học sinh yếu kém hoặc vi phạm các tệ nạn xã hội. Ở hệ trung cấp chuyên nghiệp, trong những năm đầu tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đạt loại giỏi hơn 40%, loại khá hơn 40%, còn lại là trung bình khá. Đến năm học 2014-2015, không còn học sinh tốt nghiệp loại trung bình khá; 2,3% tốt nghiệp loại xuất sắc; 62,3% tốt nghiệp loại giỏi; 33,1% tốt nghiệp loại khá... Học viên các lớp bồi dưỡng tại cơ sở như lớp bồi dưỡng sân khấu học đường (Cẩm Giàng), 19 lớp bồi dưỡng hát chèo, hát dân ca (Kim Thành, Kinh Môn), lớp bồi dưỡng kiến thức âm nhạc - múa tại Ninh Giang, lớp quản lý di tích ở TP Hải Dương, lớp toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở Gia Lộc đều được đánh giá cao về chất lượng và chuyên môn đào tạo. Theo điều tra của trường, học sinh tốt nghiệp ra trường được các cơ quan, đơn vị, trường học tiếp nhận, đánh giá cao về chuyên môn. Các em đang phát huy tốt những kiến thức được học vào thực tế. Nhiều em đã và đang là những cán bộ, giáo viên, diễn viên, ca sĩ, nhạc công... cống hiến cho sự phát triển của tỉnh nhà.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển, việc đầu tư phát triển đội ngũ cán bộ, giáo viên luôn được nhà trường quan tâm. Nhà trường thường xuyên cử cán bộ, giáo viên đi học tập, bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn, trong đó, một số cán bộ nguồn đi học các lớp chính trị, quản lý, một số giáo viên đi học các lớp thạc sĩ. Kết quả, trường đã có 10 trong tổng số 39 cán bộ, giáo viên có trình độ thạc sĩ, 4 giáo viên đang học cao học. Hằng năm, nhà trường tổ chức cho cán bộ, giáo viên đi học tập kinh nghiệm tại các trường đào tạo về văn hóa, nghệ thuật và du lịch ở các tỉnh phía Nam, miền Trung và miền núi phía Bắc.
Nhà trường đã phát động nhiều phong trào thi đua như: Thi đua dạy tốt, học tốt, “Hội học, hội giảng”, phong trào "nữ hai giỏi" được giáo viên nhiệt tình hưởng ứng. Năm học 2014 - 2015, trường tiếp tục duy trì tổ chức thi giáo viên dạy giỏi từ cấp khoa đến cấp trường nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy và củng cố hoàn thiện chất lượng đội ngũ giáo viên cơ hữu.

Nhằm đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng và chất lượng càng cao của xã hội, nhà trường đang tích cực áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực, chú trọng phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh trong học tập; biên soạn lại giáo trình và các khung bộ môn cho phù hợp với nhu cầu của người học theo các chuyên ngành. Tập trung định hướng nghề nghiệp cho các em học sinh ở bậc THCS và THPT, kết hợp vừa học văn hóa vừa học nghề; kết hợp quản lý, giáo dục học sinh giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Phương pháp kiểm tra, đánh giá được đổi mới theo hướng: chuyển từ đánh giá kiến thức mà người học nắm được sang việc đánh giá năng lực, phẩm chất người học; kết hợp đánh giá của giáo viên, học sinh với đánh giá của nhà trường và xã hội. Những đổi mới này nhằm đào tạo những học sinh, sinh viên không chỉ đạt kết quả học tập tốt mà còn thực sự phù hợp với thực tiễn, phát huy được năng lực bản thân vào công việc thực tế sau khi ra trường.

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, song tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường Trung cấp Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Hải Dương luôn nỗ lực vượt qua bằng tất cả tâm huyết và tình yêu với nghề; để từ đây, nhiều mầm non có năng khiếu nghệ thuật đã vươn lên, đóng góp vào sự phát triển văn hóa, văn nghệ tại các địa phương.

LAM ANH

(0) Bình luận
Bước phát triển về chất