Kỳ tích Đại thắng mùa xuân 1975 của dân tộc ta đến nay đã trải qua 43 năm.
Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC dự Hội nghị Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng
Đó là bước chuyển mình vĩ đại của dân tộc bước qua khói lửa chiến tranh, giành những thành tựu lớn lao trong sự nghiệp xây dựng đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.
Kỷ niệm 43 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước là dịp mỗi chúng ta ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, nhìn lại chặng đường xây dựng và phát triển đất nước.
Chúng ta cũng nhận thức sâu sắc hơn giá trị những bài học kinh nghiệm được tổng kết từ thực tiễn đấu tranh của dân tộc để tiếp thêm sức mạnh, ý chí, quyết tâm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
Độc lập thật sự
Đại thắng mùa xuân 1975 đã làm tiêu tan bao mưu đồ đen tối của các thế lực thù địch hòng thôn tính, đô hộ, nô dịch, ngăn cản sự phát triển mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam. Cuộc chiến tranh cách mạng đã kết thúc cách đây vừa tròn 43 năm, và tính từ khi khởi sự Cách mạng Tháng Tám 1945 đã cách đây 73 năm, nhưng tính thời sự vẫn còn với câu hỏi lớn: Vì sao dân tộc ta phải cầm súng và cầm súng dài ngày đến như vậy? Vì sao một nước nhỏ và nghèo vừa thoát khỏi chế độ thực dân nửa phong kiến lại đánh thắng hai đế quốc - thực dân hùng mạnh, mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ và chủ nghĩa thực dân mới trên phạm vi thế giới? Luận giải một cách tường minh những vấn đề đó đòi hỏi những công trình nghiên cứu lớn.
Các chính khách và học giả phương Tây khi phân tích cuộc chiến đã đổ lỗi cho những cơ hội hòa bình bị bỏ lỡ, đổ lỗi cho những quyết định sai lầm nhất thời của các chính trị gia và các nhà cầm quân dẫn đến thảm họa. Còn lý do cơ bản nhất là khi tiến hành chiến tranh xâm lược phi nghĩa ở Việt Nam, chủ nghĩa đế quốc phải đương đầu với một dân tộc rất kiên cường và bất khuất, có truyền thống hàng nghìn năm văn hiến; rất khát vọng hòa bình nhưng phải là hòa bình trong độc lập, tự do, "Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ"; một dân tộc rất thông minh và anh dũng, được tổ chức tốt và vũ trang toàn dân, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hàng chục năm đã trôi qua nhưng rất nhiều bài học được rút ra từ cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, trong đó có bài học về tạo thời cơ và chớp thời cơ. Bài học ấy đã, đang và sẽ tiếp tục là sức mạnh, là khởi nguồn cho những thành tựu to lớn hơn của cả dân tộc trong quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hôm nay và mai sau. Khi đánh giá về nghệ thuật quân sự trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Trận quyết chiến chiến lược mùa xuân 1975 đánh dấu bước phát triển mới hết sức rực rỡ của nghệ thuật chiến tranh nhân dân trong điều kiện hiện đại, đặc biệt là nghệ thuật điều hành chiến tranh ở giai đoạn kết thúc, nghệ thuật tổ chức và chỉ đạo thực hành những trận then chốt quyết định, đưa kháng chiến đến toàn thắng”.
Chiến thắng năm 1975, nếu như Hen-ri Kít-xinh-giơ, nguyên Cố vấn Nhà Trắng bàng hoàng không hiểu “cái gì đó đã nhen lên trong dân tộc đó những ngọn lửa anh hùng và nghị lực như vậy”, thì tướng Mắc-xoen Tay-lơ, cựu Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn phải chua chát thừa nhận: “Tất cả chúng ta đều có phần của mình trong thất bại của Mỹ ở Việt Nam, và chẳng có gì là tốt đẹp cả. Chúng ta không hề có một anh hùng nào trong cuộc chiến tranh này, mà chỉ toàn là một lũ ngu xuẩn. Chính tôi cũng nằm trong số đó”.
Giá trị thời đại sâu sắc
Kỳ tích Đại thắng mùa xuân 1975 của dân tộc ta đến nay đã trải qua 43 năm. Các thế hệ người Việt Nam ngày càng cảm nhận đầy đủ và sâu sắc giá trị của chiến công chói lọi mang tầm vóc thời đại này, đó là bước chuyển mình vĩ đại của dân tộc bước qua khói lửa chiến tranh, giành được nhiều thành tựu lớn lao trong sự nghiệp xây dựng đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.
Ngày nay, dưới góc nhìn của quốc tế, Việt Nam được coi là một câu chuyện thành công về quá trình phát triển, với những thành tựu vượt bậc đã đạt được trong thời gian qua trên các mặt: Hoàn thiện Nhà nước pháp quyền thực sự của dân, do dân, vì dân; kinh tế đạt được nhiều thành tựu quan trọng; văn hóa - xã hội có bước tiến bộ rõ nét; quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Sau hơn 30 năm đổi mới, kinh tế nước ta liên tục tăng trưởng, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện.
Liên hợp quốc ghi nhận, những chiến lược và nỗ lực của Việt Nam đã đưa đất nước từ chỗ là một trong những quốc gia nghèo khó trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình và tăng trưởng nhanh chóng. Với Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là một câu chuyện thành công về quá trình phát triển. Còn theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Việt Nam đã là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới kể từ năm 1990.
Tiếp nối dòng chảy lịch sử, sức mạnh tổng hợp của Việt Nam đã tăng lên nhiều, tạo ra thế và lực mới cho đất nước tiếp tục đi lên với triển vọng tốt đẹp. Chúng ta đã mở rộng quan hệ đối ngoại theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa, giữ vững độc lập chủ quyền quốc gia, xác lập được quan hệ ổn định với các nước lớn; là thành viên của nhiều tổ chức, diễn đàn quốc tế ASEAN, ASEM, APEC, WTO, TPP… tích cực tham gia giải quyết những vấn đề biên giới, lãnh thổ, biển đảo với các nước liên quan, góp phần giữ vững môi trường hòa bình khu vực và thế giới.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã nâng vị thế chính trị của Việt Nam trên thế giới lên một tầm cao mới. Đối với dân tộc ta, đây là bản anh hùng ca bất hủ của chiến tranh nhân dân trong thời đại Hồ Chí Minh. Năm tháng trôi qua, càng khẳng định, làm nổi bật tầm vóc lịch sử và ý nghĩa thời đại của thắng lợi này.
TRẦN TIẾN DUẨN
Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus