Có nhiều loại bụi gây bệnh nguy hiểm cho phổi.
Tác hại do bụi gây ra phụ thuộc vào hàm lượng silic tự do trong bụi; nồng độ, kích thước, thời gian tiếp xúc. Nồng độ bụi càng cao càng dễ bị mắc bệnh, bụi càng nhỏ thì càng dễ đi sâu theo các phế quản nhỏ nhất đến tận các phế nang.
Bệnh khá nguy hiểm là bệnh bụi phổi. Bệnh thường xuất hiện sau thời gian dài tiếp xúc với môi trường có bụi silic (thường từ 2-15 năm), tiến triển của bệnh từ từ và chậm. Bụi vào sâu trong phổi tụ thành cục, lúc đầu nhỏ, sau đó to dần, lúc đầu rải rác, sau đó kết hợp lại với nhau gây nên những đám tổn thương lớn. Người bị bệnh bụi phổi silic ở giai đoạn đầu chủ yếu khó thở khi gắng sức hoặc mệt mỏi, sau đó người bệnh bị khó thở thường xuyên, ho, tức ngực, ăn ngủ kém và thể trạng suy sụp. Khi bệnh tiến triển nặng biểu hiện khó thở tăng lên, chức năng hô hấp giảm. Bệnh bụi phổi gây nhiều biến chứng nguy hiểm như: suy hô hấp, viêm phế quản mạn, nhiễm khuẩn cấp tính phế quản phổi, những biến chứng này tăng lên khi thời gian tiếp xúc dài, nồng độ bụi càng cao, tỷ lệ dioxid silic tự do trong không khí càng nhiều thì bệnh càng nặng. Bụi khói cũng rất nguy hiểm đối với con người. Công nhân lao động hít bụi khói lâu dần vào phổi sẽ sinh bệnh. Mức độ bệnh tật tùy thuộc vào tính chất và kích thước của bụi. Chúng ta nên biết, dưới dạng khói là vô số những hạt bụi. Một số loại hạt có đường kính lớn khi hít vào sẽ lắng đọng sâu trong phổi, lâu dần ảnh hưởng đến phế quản và tiểu phế quản. Những hạt bụi mà đường kính lớn sẽ gây viêm đường hô hấp trên, đặc biệt ở mũi họng, đây cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng tỷ lệ viêm mũi dị ứng.
Để phòng và hạn chế bệnh bụi phổi do silic, công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp cần phải có ý thức giữ gìn vệ sinh trong lao động, có đầy đủ các trang bị phòng hộ cá nhân (quần áo, mũ, khẩu trang, kính bảo hộ, găng tay, ủng…). Tại các nhà máy và các cơ sở sản xuất có nhiều bụi phải có biện pháp hút bụi và thu hồi bụi, phòng làm việc cần rộng rãi, thông thoáng, có ống hút bụi chung và ống hút bụi tại chỗ ở từng máy móc tỏa ra nhiều bụi. Định kỳ khám sức khỏe để phát hiện sớm những người mắc bệnh về phổi. Những người mắc bệnh bụi phổi cần được điều trị kịp thời, cho nghỉ ngơi an dưỡng và chuyển sang làm công tác khác không tiếp xúc với bụi.
TH (tổng hợp)