Bữa cơm trong gia đình Việt

13/05/2010 06:19

Trong xây dựng cuộc sống mới, xây dựng gia đình văn hoá thì bữa cơm giađình vẫn là cái thước đo nhạy cảm và chính xác nhất về đạo đức gia phongvà những truyền thống tốt đẹp trong đời thường.

Người Việt Nam ta xưa nay vẫn coi trọng bữa cơm trong gia đình, coi đây là niềm vui, niềm hạnh phúc của mọi lứa tuổi, của mỗi cuộc đời. Những ai thực sự có một gia đình, gắn bó với gia đình đều cùng cảm nhận được như thế.

Bữa cơm là thời điểm họp mặt đầy đủ mọi thành viên trong gia đình. Có nhà gồm “Tam, tứ đại đồng đường” quây quần bên mâm cơm. Mâm cơm ngày thường tuy còn đạm bạc: rau, dưa, tương cà vẫn là chủ lực, nhưng được các bà mẹ hiền, các  nàng dâu thảo, các chị gái đảm đang chăm chút, cơm dẻo - canh ngọt, bát đũa tinh tươm sắp xếp gọn gàng và ý tứ: Đây là phần rau luộc mềm hơn dành cho người già, đây là nước mắm không cay cho em nhỏ. Hôm nào ăn tươi ít thịt, cá hay giò chả ... thì góc mâm sắp những đĩa thức ăn ấy được xoay về phía ông bà, cha mẹ. Tất nhiên cả nhà cùng ăn, nhưng đấy là ý thức và tấm lòng của những người nội trợ. Đã có nếp từ bao giờ, ai nấy nhẹ nhàng ngồi vào đúng chỗ. Mẹ và chị xới cơm, múc canh; anh và em so đũa, chia bát bao giờ cũng theo thứ bậc và trao bằng hai tay. Trong nhà với nhau cả, nhưng ai cũng bắt đầu bằng một câu mời. Câu mời trong bữa cơm được rèn tập từ tuổi học nói rồi trở thành thói quen mà mãi đến tuổi già cũng không quên, không bỏ.

Không khí chan hoà, vui vẻ, cảm giác thoải mái, ngon lành lan toả bao trùm bữa cơm. Không nói cười rôm rả; miếng ngon gắp mời ông, mời bà; một thìa canh bà chan hộ cháu, một cuộng rau anh gỡ cho em... vừa ngon miệng, vừa ấm lòng...

Việc nhà, việc họ, việc làng, việc nước, chuyện học hành, lao động.... cũng được tranh thủ trao đổi, báo tin, góp ý, nhắc nhở, động viên nhưng chỉ ở mức ngắn gọn và nhẹ nhàng. Giận hoặc có lúc đang va chạm, cãi cọ nhau hoặc đã xảy ra những thiếu sót, lầm lỗi của thành viên nào đó gia đình cần phải uốn nắn, nhưng hễ đến bữa  cơm là tất cả phải “tạm gác lại”, ngồi vào cùng ăn như không có chuyện gì xảy ra. “Trời đánh còn tránh bữa ăn”; hờn dỗi, bỏ cơm làm cả nhà ăn mất ngon là một thói hư, một tội lớn, đấy là quy ước, là kỷ luật tự giác “bất thành văn” lưu truyền trong những gia đình có khuôn phép. Và chính từ đây, bữa cơm lại là nơi, là lúc, là biện pháp hoà giải, cảm hoá rất mầu nhiệm để rồi “máu chảy, ruột mềm”, phải trái phân minh, cảnh nhà lại càng trong ấm, ngoài êm.

Bữa cơm gia đình của người Việt Nam chúng ta không đơn thuần là miếng ăn mà còn là điều ở. Phải chăng, cái từ gép thuần Việt “ăn ở” hiểu theo nghĩa rộng giàu tính nhân văn là bắt nguồn từ những bữa cơm.

Trong xây dựng cuộc sống mới, xây dựng gia đình văn hoá thì bữa cơm gia đình vẫn là cái thước đo nhạy cảm và chính xác nhất trình độ, chất lượng cuộc sống, bản sắc dân tộc, hạnh phúc gia đình, đạo đức gia phong và những truyền thống tốt đẹp trong đời thường.

TRẦN THÔNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bữa cơm trong gia đình Việt