Thật không ngờ lại có ngày tái ngộ ấy. Lại tái ngộ ở ngay giữa Sài thành hoa lệ.
Lúc đó, tôi đang ngóng chiếc xe buýt từ từ giảm tốc độ. Tôi áp bên chân thương tật vào sát cột điện, chỉ sợ có người chen dẫm vào. Chợt cảm giác như có ai đó mé sau đang nghển lên, nhìn vào mặt tôi. Rồi gọi đúng tên tôi. Tôi ngoảnh lại, ngờ ngợ. Anh ta bỗ bã:
- Đúng anh Ba "thư sinh" rồi! Trông dáng đi thập thễnh, còn ai vào đây nữa. Em, Sơn "trâu" đây...
À lên một tiếng, tôi nhào vào ôm lấy Sơn:
- Trời, quả đất tròn thật! Thật không ngờ!... Thôi, về nhà tao, chuyện trò sau...
Xe buýt vừa đỗ, Sơn xóc nách tôi lên, ấn vào một ghế ngồi tử tế, còn cậu ta đứng bên cạnh. Xe chạy về nhà tôi, gần cầu Kiệu, Phú Nhuận.
*
Ngày ấy, đơn vị chúng tôi bám trụ ở một ấp ven Sài Gòn. Đêm đêm, nhìn vào quầng sáng nội thành, mình thì đang kham khổ thiếu thốn, đứa nào cũng mơ ước có ngày được đánh chén một bữa thỏa thích giữa Sài thành hoa lệ. Trong đơn vị, Sơn to khỏe được anh em gọi là Sơn "trâu", còn tôi mảnh khảnh là Ba "thư sinh". Hai chúng tôi thân nhau như anh em ruột.
Trong một lần chặn đánh bọn ác ôn do thằng Tít dẫn đầu, bọn chúng bị thương vong nặng, nhưng tôi bị dính mấy viên đạn. Nặng nhất là vết thương ở chân. Không thể rút theo đơn vị, tôi được Sơn cõng vào gửi ở một cơ sở cuối ấp, mặc dù nơi đây địch vẫn thường lục soát truy tìm Việt cộng. Đó là nhà má Hai với cô con gái Út Giác. Sơn và Út khéo léo đưa tôi qua một cửa hầm hẹp bí ẩn dưới gốc trâm bầu, nằm lọt vào trong một khoang tối, chỉ le lói một lỗ nhỏ có ánh sáng trời chiếu vào.
Út Giác gọi đùa đây là địa đạo, vừa đủ cho hai người. Ngoài tôi ra, hằng ngày chỉ có Út. Mới ngoài đôi mươi, nhưng Út tỏ ra là một người tháo vát, ăn nói có duyên. Thấy tôi rên, em dỗ dành:
- Anh phải cố nén đau. Lính vẫn thường đi ngoài đường, phải cố không gây ra tiếng động. Em thay băng là đau đấy...
Đang đau, vết thương sưng tấy, tôi hờ hững nghe. Nhưng em thì cứ rì rầm bên tai tôi, cốt để tôi quên đi cái đau thể xác. Em kể chuyện nhà. Má và em đều có nhiệm vụ nắm tin tức của đồn địch báo cáo lên trên. Với cái giỏ đeo bên mình, con dao cầm tay, má ra kênh hái rau, bắt cá, chẳng đứa nào nghi ngờ. Út quanh quẩn làm vườn tược, nhưng đảo mắt khắp ấp. Anh biết không, thằng Tít ác ôn còn phải kiềng mặt em. Trước khi đi lính, nó đã từng mê em. Giờ đeo súng lục trễ hông, nó lại muốn khoe mẽ. Hôm nó đi tuần, thấy nhà vắng, nó bỏ toán lính, một mình lẻn vào tán chuyện với em. Em đang thái rau, mà nó cứ sán ở bên cạnh, hết vuốt tóc lại xoa lưng, giở trò cợt nhả. Nổi cáu, em quát to: "Ông có tránh ra không?". Nó định lấn tới, vòng tay ngang người em. Em liền giơ dao chém đại một nhát, rồi muốn ra sao thì ra. Ai ngờ thằng khốn nhanh tay hơn, làm em chém phải tay mình, máu chảy lênh láng. Tên ác ôn máu dê phải chuồn thẳng.
Nghe thế, tôi nắm bàn tay của Út, nhận ra ngay vết sẹo nhỏ hằn lên rất rõ. Trong lòng tôi rất cảm kích. Một bàn tay con gái mềm mại, nuột nà mà lại cứng rắn kiên trung khiến kẻ thù phải sợ hãi. Với những chiến sĩ bị thương như tôi, bàn tay em là bàn tay tiên, ngày đêm nâng giấc, xoa bóp, chạy chữa cho tôi... Bàn tay ấy không ngại ngần bẩn thỉu, hôi tanh... Nghĩ thế mà tôi ứa nước mắt.
Sao má em đặt tên là Giác? Em bảo, giác là thứ cây dân dã mọc đầy kênh, chỉ cần bám lấy đất và nước để sinh sôi nảy nở. Trái giác lại là món ăn đặc biệt của quê nhà. Má đã bảo em rồi, "hôm nào làm bữa canh chua trái giác cho anh Ba nếm. Ngoài Bắc làm gì có món này".
Má Hai linh khẩu thế không biết. Sau nửa tháng nằm điều trị ở nhà má, đơn vị sắp cho người về đón tôi. Thế là hai má con xúm vào làm bữa cơm, "sao cho anh Ba ăn nhức răng luôn". Hôm ấy tình hình có vẻ yên ắng. Út dìu tôi từ trong hầm để vào ẩn trong góc buồng cho đỡ tù túng. Tôi chống nạng, khẽ nhích từng bước. Tôi ra ngồi ở cửa buồng, ngó hai má con làm bữa. Má hết lộn bông súng lại xắt rau nêm. Út bắc xoong lên bếp đang đỏ lửa. Nước vừa sôi, em thả các trái giác vào nồi. Chỉ một lát sau, một mùi thơm hoang dã miệt vườn lan tỏa ra chung quanh. Bây giờ trái giác đã mềm. Út lấy đũa dầm nát từng trái, vớt hột và vỏ ra ngoài. Đúng lúc đó, má mang cá lóc đã làm kỹ, xắt mỏng, thả vào nồi. Lại thêm đường, bột ngọt, thả thêm bông súng, rau nêm... Má nói: "Nấu canh chua trái giác là phải nêm nước mắm cho đúng điệu", rồi má cho nước mắm theo cỡ tay của mình.
Nồi canh chua tuyệt vời được bắc xuống. Có thể nói, từ bé đến giờ, tôi chưa từng được thưởng thức một loại canh nào ngon như thế.
Sau bữa liên hoan nhỏ nhẹ ấy, má Hai có công chuyện, phải đội nón đeo giỏ đi luôn. Má khép cửa, rồi khóa cổng cẩn thận, ở ngoài nhìn vào rõ là ngôi nhà vắng chủ. Có ai biết đâu, ở trong buồng chỉ còn lại một thương binh đang nằm đó và em là người chăm sóc. Em nói nhẹ nhàng:
- Anh nằm yên để em xem lại các vết thương, đêm nay còn "hành quân"...
Tôi ngoan ngoãn nghe lời em, miệng cứ khen hoài bát canh chua trái giác. Út khẽ nâng đầu tôi, rồi ngồi lấy đùi mình làm gối cho tôi. Chẳng khác gì cảnh người mẹ đang cúi xuống nựng con. Em đọc: "Vẳng nghe trong tiếng à ơi/Sa mưa trái giác ngọt nồi canh chua". Em xoa đến đâu, da thịt tôi êm mát đến đấy. "Ca dao miệt vườn em đấy, anh thấy hay không?". Tôi thích thú: "Ca dao rất hay, giọng em rất ngọt, nhưng nghe "à ơi" như là ru con nít...". "Thì em đang ru đây... Em ru người yêu quý của em". Vừa nói, em vừa lấy tay nâng đầu tôi cao lên khỏi đùi... Và em từ từ cùi gập người xuống. Ôi chao, môi tôi, mũi tôi ngớp lấy đôi bầu vú nóng hổi của em, lúc ấy đã phơi ra ngoài hai hàng cúc áo. Tôi như mê lịm đi, ngây ngất toàn thân. Và đôi bàn tay dại dột của tôi cứ luồn vào trong làn áo mỏng, tìm các đường cong của cơ thể ngọc ngà... Tôi gần như nghẹt thở, mà em thì thào như dẫn tôi vào cõi mơ: "Rồi đây anh sẽ đi xa, nhưng anh đừng quên em nhé! Em sẽ chờ cho đến ngày anh về... Em là của anh đây... Em yêu anh vô cùng... Anh có biết không?".
Có lẽ do cả hai tấm thân đều cử động quá mạnh nên vết thương của tôi đau nhói. Tôi phải kêu lên: "Đừng, em! Anh đau...". Rồi tôi nói luôn một câu đã nghĩ đến từ lúc chỉ có hai người trong buồng:
- Em ngồi dậy đi! Tuổi xuân của em còn dài... Anh còn đi chiến đấu không biết thế nào... Anh vô cùng cám ơn em, nhưng anh không thể...
Bừng tỉnh, Út Giác ngẩng đầu. Hai bàn tay vuốt tóc rồi cài lại khuy áo. Rồi em nhẹ nhàng đặt đầu tôi xuống giường. Chợt đúng lúc ấy, mặt em tái mét, tay run, đầu cúi rũ xuống. Tôi nhỏm dậy đỡ em. Tôi thấy rõ chứng cảm lạnh đột ngột, nếu không cứu chữa kịp thời có thể em sẽ ngất. Tôi lấy ngay hộp cao sao vàng lúc nào cũng để ở túi ngực ra xoa thái dương và bảo em tự xoa vùng rốn, xoa các chỗ để mau làm cho nóng người lên. Tôi cố ngồi thẳng người, làm chỗ cho em tựa...
Mấy phút im lặng trôi qua, Út Giác chừng đã bình tâm. Em nói giọng rất chân thành:
- Em cảm ơn anh vô cùng... Bây giờ thì em hết choáng váng rồi...
Tôi ấn hộp dầu bé nhỏ vào tay em.
Đêm hôm ấy, Sơn "trâu" lại vào đón tôi về cứ. Hai chúng tôi rời nhà má Hai, đúng lúc có những tiếng súng nổ ở đâu đây. Nhưng những tấm lòng các má, các chị luôn luôn là những tấm bình phong, chẳng kẻ thù nào phá nổi.
*
Chỉ ít ngày sau, vợ chồng Sơn đến thăm tôi, biết tôi sống một mình, Sơn điện lên: "Không phải chợ búa gì cả. Đã có thức ăn và người phục vụ đi theo".
Người phục vụ ấy, không phải ai khác, chính là Út Giác. Thì ra con trâu mang tên Sơn đã khôn ngoan tìm về miền kênh rạch đầy trái giác để làm nơi đẵm mình. Sau ngày giải phóng, Út Giác và Sơn lập gia đình, ở ngay nhà má Hai. Má đã qua đời. Hai con của Sơn - Giác đều trưởng thành. Vợ chồng tung tẩy muốn đi đâu thì đi. Bữa nay, Út Giác mang theo mấy con cá lóc lớn và mớ trái giác cùng đủ thứ rau quả miệt vườn lên đãi tôi, thực hiện một bữa "thỏa thích giữa Sài thành hoa lệ".
Tôi và Sơn nói đủ chuyện trên trời dưới biển. Duy có Út thì trầm lặng. Có lẽ trong em đang xao động về những kỷ niệm xa xưa. Mà tôi cũng thế thôi. "Vẳng nghe trong tiếng à ơi" mãi mãi thổn thức tim tôi... Và cái đứa trẻ là tôi đã một lần no nê vục mặt vào bầu vú tròn căng trinh trắng của nàng...
Vợ chồng Sơn giục tôi phải kiếm một bà nào đó cho có đôi. Út Giác bảo: "Em sẽ tìm cho anh một bà vợ". "Có như em không?". "Dứt khoát như em trở lên"... Đến lúc này mới thấy Út cười. Lúc chia tay ra về, Út nán lại bên tôi:
- Em rất cám ơn anh... Những lời khuyên bảo của anh và em đã qua cơn choáng váng... Nhờ anh mà bây giờ vợ chồng em rất hạnh phúc...
Em đặt vào tay tôi hộp cao sao vàng, em gìn giữ đã hơn ba chục năm nay. Tôi nắm chặt bàn tay có vết sẹo của em: "Chính anh phải cám ơn em".
Truyện ngắn của VƯƠNG BẠCH