Brexit - nhiệm vụ không dễ dàng với ông Boris Johnson

24/07/2019 19:50

Ông Boris Johnson đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bỏ phiếu nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền lựa chọn lãnh đạo mới, đồng thời là Thủ tướng mới của Anh.


Tân Thủ tướng Anh Boris Johnson

Việc một chính trị gia luôn ủng hộ tiến trình rời khỏi Liên minh châu Âu (EU)-Brexit, từ đầu tới cuối lên lãnh đạo nước Anh được cho sẽ mang lại một sức mạnh mới cho phe ủng hộ Brexit và cũng không ít kỳ vọng rằng, lập trường cứng rắn của ông Boris Johnson sẽ khai thông thế bế tắc hiện tại.

Luôn ủng hộ tiến trình Brexit

Ông Johnson, 55 tuổi, từng là Thị trưởng London (2008-2016) và Ngoại trưởng Anh (2016-2018). Ngay từ khi nước Anh nóng dần lên với những phong trào vận động ủng hộ hay phản đối Brexit trong cuộc trưng cầu ý dân năm 2016, ông đã luôn kiên trì lập trường rời khỏi EU với cam kết mở ra một kỷ nguyên mới độc lập và tự chủ cả về kinh tế và chính trị cho Vương quốc Anh đầy kiêu hãnh. Trong cuộc vận động bỏ phiếu lựa chọn lãnh đạo mới của nước Anh hơn một tháng vừa qua, ông Johnson vẫn đề cao tinh thần Brexit với chủ trương "Brexit hay là chết".

Một năm trước, khi chính phủ Anh trải qua thời kỳ biến động mạnh, cựu Ngoại trưởng Boris Johnson đã từ chức cùng hàng loạt các quan chức hàng đầu trong nội các của Thủ tướng Theresa May để phản đối kế hoạch duy trì quan hệ thương mại thân thiết với EU hậu Brexit. Trong lá thư từ chức gửi bà May, ông Johnson từng nhắc tới "giấc mơ Brexit" mà ở đó người dân Anh có một tương lai tự quyết chính sách nhập cư, tiết kiệm những khoản tiền khổng lồ phải đóng góp cho chi phí chung của toàn EU khi còn là thành viên, và trên hết là quyền tự quyết về luật pháp dựa trên lợi ích của người dân quốc gia này. Khi từ chức để phản đối kế hoạch duy trì quan hệ thương mại gần gũi với EU, mà ông cho là biến một quốc gia độc lập thành một quốc gia "thuộc địa" của EU, cựu Ngoại trưởng Anh đã nói "giấc mơ đang chết dần". Sự ra đi của ông Johnson khi đó từng được Chủ tịch EU Donald Tusk ví như Brexit - chỉ tiến trình Anh rời EU- bị "ngắt nguồn điện".

Thế nhưng với tất cả những diễn biến rối loạn và khó dự đoán của tiến trình chuyển mình quan trọng nhất trong lịch sử Anh sau Chiến tranh thế giới thứ hai, có lẽ ít ai ngờ rằng chỉ hơn một năm sau, ông Johnson đã quay trở lại với một vị thế khác hẳn, quyền lực hơn khi đảm nhận vai trò lãnh đạo đảng Bảo thủ cầm quyền và cũng là thủ tướng tiếp theo thay thế bà Theresa May. Theo kết quả do Đảng Bảo thủ cầm quyền công bố ngày 23-7, với 92.153/46.656 số phiếu ủng hộ của đảng viên đảng Bảo thủ so với đối thủ, ông Boris Johnson đã trở thành nhà lãnh đạo mới của đảng này và sẽ là Thủ tướng tiếp theo của Anh. Với kết quả này, giờ đây, ông đang được trao cơ hội hồi sinh tiến trình Brexit, cho dù bức tranh Brexit vẫn ảm đạm, đầy rẫy những chia rẽ và xung đột ở cả trong và ngoài nước Anh.

Trở thành nhà lãnh đạo mới của Anh, ông Boris Johnson đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Thủ tướng Anh sắp ra đi Theresa May. Trên tài khoản Twitter, bà May bày tỏ nhiệt liệt chúc mừng ông Johnson được bầu làm lãnh đạo đảng Bảo thủ. Theo bà, đây là thời điểm cần phối hợp để đưa nước Anh rời khỏi EU theo cách có lợi cho  nước Anh. Bà May bày tỏ sẽ ủng hộ ông Johnson. Thủ hiến vùng Scotland thuộc Vương quốc Anh, bà Nicola Sturgeon cũng đã chúc mừng ông Boris Johnson, tuy nhiên bà bày tỏ "những quan ngại sâu sắc". Bà khẳng định quyết tâm sẽ làm tất cả những gì có thể để đảm bảo ông Johnson tôn trọng các quan điểm và quyền lợi của Scotland. Lãnh đạo đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) của Anh thì cho biết đảng này đang mong chờ để thảo luận về những mục tiêu chung để củng cố liên minh với đảng Bảo thủ, thực hiện Brexit và khôi phục lại chính phủ địa phương tại vùng Bắc Ireland.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại lãnh đạo Công đảng đối lập Anh, ông Jeremy Corbyn, cho rằng ông Johnson không nhận được sự "ủng hộ của đất nước". Ông Corbyn cho rằng Brexit không thỏa thuận của ông Johnson có nghĩa là số lượng việc làm bị cắt giảm, giá cả sẽ tăng và tạo ra nguy cơ hệ thống y tế công NHS của Anh rơi vào tay các tập đoàn Mỹ. Theo ông Corbyn, người dân Anh cần "quyết định ai sẽ trở thành Thủ tướng Anh tại một cuộc tổng tuyển cử".

Cũng ngay trước thời điểm kết quả bầu cử được công bố, Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond đã tuyên bố sẽ từ chức trước khi bà May từ chức. Trong thông báo mới nhất ngày 23.7, Bộ trưởng Tư pháp nước này cũng tuyên bố sẽ từ chức ngày 24.7. Trước đó, một số Quốc vụ khanh các bộ của Anh cũng đã từ chức thể hiện bất đồng với ông Johnson.

Mặc dù vậy, ngay sau khi có thông tin giành chiến thắng, điều đầu tiên vị chính trị gia đã này khẳng định là Brexit sẽ diễn ra vào “đêm Halloween” 31.10 tới dù có hay không có thỏa thuận và ưu tiên chính sách tái đàm phán thỏa thuận Brexit với EU. Theo kế hoạch, ông Johnson sẽ trở thành chủ nhân mới của Nhà số 10 phố Downing vào ngày 24.7 sau khi bà May đệ đơn từ chức lên Nữ hoàng Anh vào cùng ngày.

Nhiệm vụ không dễ dàng

Theo các nhà phân tích, lên nhậm chức trong bối cảnh nước Anh vẫn chia rẽ về việc rời khỏi EU còn gọi là Brexit khi thời hạn chỉ còn 3 tháng, việc tháo gỡ thế bế tắc của tiến trình vốn đã trì trệ suốt 3 năm qua được dự báo sẽ là những nhiệm vụ khó khăn đối với ông Boris Johnson. Việc đầu tiên của trên cương vị Thủ tướng Anh có lẽ sẽ là tìm cách đàm phán lại thỏa thuận Brexit.

Khả năng được cho “lý tưởng hơn cả” là ông Johnson sẽ đưa ra một thỏa thuận mới thay thế thỏa thuận 3 lần bị Quốc hội bác bỏ của bà May. Tuy nhiên, ông thừa nhận việc đưa ra một thỏa thuận mới sẽ tốn nhiều thời gian khi thỏa thuận hiện tại đã mất 17 tháng để thương lượng. Kỳ nghỉ mùa Hè và sự chuyển giao lãnh đạo ở London và Brussels khiến các cuộc đối thoại chính thức phải kéo dài nhiều tuần trong tháng 9 và 10. Trong khi đó, từ nhiều tháng qua, 27 lãnh đạo EU đã không ngừng nói rằng họ giờ sẽ chỉ xem xét khi nhận được tài liệu riêng rẽ và có sức thuyết phục lớn, trong đó định hình mối quan hệ tương lai giữa Anh và EU. Cho tới nay EU chưa từng nhượng bộ trước mọi đề xuất của Anh liên quan tới đàm phán lại thỏa thuận Brexit, với khẳng định thỏa thuận được ký kết hồi cuối năm 2018 là "lựa chọn tốt nhất có thể". Hai lần trì hoãn Brexit và một tuyên bố từ chức sau mọi nỗ lực của Thủ tướng May đã chứng minh rằng lập trường này của EU là không thể lung lay. Ngay cả khi mọi thứ trở nên hỗn loạn, các nguy cơ Brexit không diễn ra hoặc Brexit không thỏa thuận ngày càng tăng cao, EU vẫn khăng khăng "không đàm phán lại", mặc dù phần lớn lãnh đạo EU không muốn bị chỉ trích vì để Anh "rơi xuống vách đá", hay tạo ra thất bại ngoại giao ghê gớm làm EU xa lánh nước Anh và khiến mối quan hệ tương lai của hai bên càng thêm tồi tệ.

Nếu không đạt được những nhượng bộ như mong muốn từ phía EU, thủ tướng mới của Anh sẽ buộc phải sử dụng đến biện pháp đe dọa thực hiện Brexit không thỏa thuận sau ngày 31-10 tới. Ông Johnson đã dùng khẩu hiệu "Brexit hoặc chết" như một đòn chiến lược để gia tăng sức ép với EU, song chiến lược này lại vấp phải một trở ngại to lớn từ nội bộ nước Anh. Kịch bản không thỏa thuận là bước đi mà vô số nhà đầu tư và kinh tế đã cảnh báo sẽ tạo ra những biến động mạnh trên thị trường thế giới, đẩy nền kinh tế thứ năm thế giới vào tình trạng suy thoái, thậm chí hỗn loạn. Đây cũng là kịch bản sẽ làm suy yếu vị thế của London như trung tâm tài chính hàng đầu thế giới. Brexit không thỏa thuận là điều lâu nay Quốc hội Anh luôn phản đối, bởi vậy đã có không ít nỗ lực để xây dựng điều luật ngăn cản thủ tướng tiếp theo của Anh thúc đẩy kế hoạch này. Nguy cơ với ông Johnson càng lớn hơn khi tại Quốc hội Anh, đảng Bảo thủ hiện nay không đạt đa số mà phải dựa vào đảng Hợp nhất Dân chủ ở vùng Bắc Ireland để thúc đẩy các đề xuất.

Một giải pháp từng được nhắc tới là ông Johnson có thể sẽ hóa giải những thách thức hiện tại, bắt đầu bằng việc đưa "những nội dung tốt nhất" của thỏa thuận hiện tại ra để quốc hội thông qua. Những nội dung này bao gồm các vấn đề không gây tranh cãi như quyền lợi của công dân EU và mở rộng các hiệp ước hợp tác an ninh và ngoại giao. Đương nhiên, ông Johnson sẽ không đưa điều khoản "rào chắn", vốn là điều khoản gây tranh cãi lớn nhất, ra bỏ phiếu. Có thể ông sẽ thực hiện chính sách "nhập nhằng có lợi", tức là "hóa đơn ly hôn" khoảng 39 tỷ bảng Anh (49 tỷ USD) sẽ chỉ được thanh toán chừng nào hai bên đạt được một thỏa thuận mới, qua đó buộc Brussels phải chấp nhận một thỏa thuận tạm thời. Thỏa thuận này là sự pha trộn giữa "các giải pháp dựa trên công nghệ" và các thỏa thuận miễn trừ để việc lưu thông tự do qua lại biên giới Ireland trong khoảng thời gian tạm thời nêu trên tiếp diễn. Ông Johnson từng ngụ ý rằng mọi thứ sẽ được giải quyết "một cách đúng đắn” trước khi diễn ra cuộc bầu cử của Anh vào tháng 5/2022.

Trong trường hợp những tính toán của ông không được như ý, đối đầu và bế tắc chính trị giữa chính phủ và hạ viện Anh xung quanh Brexit tiếp diễn, mà cũng không có sự nhượng bộ nào từ phía EU, thủ tướng mới sẽ buộc phải tổ chức bầu cử sớm với kết quả rất khó dự báo. Sau cuộc bầu cử, nếu chính phủ mới của Anh do Công đảng lãnh đạo, đảng này sẽ tổ chức trưng cầu dân ý lần hai về Brexit trong năm 2020, với khoảng thời gian chuẩn bị có thể kéo dài khoảng 6 tháng. Nhưng, ngay cả kịch bản Công đảng giành thắng lợi cũng gây ra những biến động lớn về chính sách đối ngoại và đối nội của Anh, với những xáo trộn nghiêm trọng về kinh tế, xã hội, vì cuộc trưng cầu dân ý lần hai với khả năng đảo ngược kết quả trưng cầu dân ý lần một về Brexit chắc chắn sẽ gây biến động chính trị nghiêm trọng cho nước Anh. Còn trong trường hợp các đảng theo đường lối Brexit giành thắng lợi, với kết quả là một chính phủ liên minh giữa đảng Bảo thủ và đảng Brexit, kịch bản cao nhất vẫn là Brexit không thỏa thuận. Kịch bản này nhiều khả năng sẽ đẩy kinh tế Anh vào suy thoái và đe dọa dẫn đến sự đổ vỡ toàn vẹn lãnh thổ của Vương quốc Anh. Nước Anh khi đó sẽ rơi vào giai đoạn suy thoái toàn diện kéo dài.

Không chỉ đối mặt với với việc thúc đẩy tiến trình Brexit, thủ tướng mới của nước Anh Johnson còn phải đối mặt với hàng loạt thách thức về đối ngoại, như căng thẳng ngoại giao giữa Anh và Mỹ sau vụ rò rỉ các thư tín ngoại giao trong đó có đề cập tới những đánh giá tiêu cực của Đại sứ Anh tại Mỹ Kim Darroch đối với năng lực của Tổng thống Donald Trump và chính quyền Washington. Trong khi đó, căng thẳng giữa Anh và Iran cũng đang gia tăng sau vụ hai nước bắt giữ tàu chở dầu của nhau tại vùng Vịnh... đây cũng sẽ là những vấn đề mà ông Boris Johnson không dễ dàng để giải quyết

Khó khăn là vậy, song việc là một chính trị gia kỳ cựu, luôn tin vào Brexit và tin vào nước Anh chính là lý do nhiều người tin rằng ông Johnson có thể sẽ thành công. Nếu được kết hợp với các chính sách cần thiết để thực hiện Brexit thành công và mang lại sự thịnh vượng cho đất nước, ông có thể vực dậy hình ảnh của đảng Bảo thủ, đưa Anh thoát khỏi những nguy cơ hiện tại và tiến lên phía trước.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Brexit - nhiệm vụ không dễ dàng với ông Boris Johnson