Có một câu hỏi đã trở thành truyền kỳ trong làng bóng đá thế giới, đó là “Pele và Maradona, ai hay hơn?” Khi Brazil gây điên đảo thế giới thập niên 50-60 thế kỷ trước, thì Argentina mất tích.
Khi Argentina dựng nên thế lực thập niên 70-80, thì nền bóng đá Brazil chỉ toàn niềm đau. Có một giai thoại được kể lại rằng, dẫu có là hai tiền đạo sát thủ được yêu quý rộng khắp và gây “khủng bố” cả một Serie A ngày nào, thì giữa Batistuta và Ronaldo béo chưa bao giờ tồn tại cái gọi là tình bạn. Khi Neymar đến Barcelona, thì điều người Brazil lo ngại nhất chính là Neymar bị Messi “dìm” (nhưng Neymar đã rất “khéo”, nhưng rồi anh cũng phải bỏ đi vì mãi không thay thế được Messi).
Chuyện của hai nền bóng đá này là một mối ganh đua cả thế kỷ từ danh hiệu tập thể đến cá nhân, và vô tình đã tạo nên 2 gã khổng lồ như 2 đại ma đầu ở “ma giáo Tây Vực”, để làm đối trọng trước cả một châu Âu với các cao thủ trập trùng hệt như “Trung Nguyên” trong truyện Kim Dung. Argentina và Brazil sẽ tranh đấu nhau không chỉ vì chiếc vé đi đến trận đấu cuối cùng, mà đó còn là vì sự tôn nghiêm, vì tinh thần màu cờ sắc áo, vì mối thâm thù suốt cả thế kỷ 20 vắt qua thế kỷ 21.
Ai là cầu thủ được kỳ vọng nhất của Argentina? Đương nhiên có nhắm mắt ta cũng trả lời ra cái tên Lionel Messi, dẫu cho anh có điêu tàn trong màu áo Albiceleste đến độ nào, và dẫu cho anh “tàng hình” suốt cả 2 trận đấu đã đưa Argentina tới trận bán kết này, thì nhắc đến Argentina vẫn phải, vẫn cứ và vẫn bắt buộc gọi tên Messi.
Thế ai là cầu thủ được kỳ vọng nhất của Brazil? Nhà vô địch Champions League Roberto Firmino chăng? Hay là ngôi sao mới nổi Everton? Không phải họ. Kể từ sau chấn thương của Neymar, siêu sao được kỳ vọng nhất của Selecao trong giải đấu này chính là Philippe Coutinho. Ngày mai, hai con người ấy sẽ là niềm hy vọng của hai đại kình địch Nam Mỹ trong cuộc chiến lớn này. Và bản thân Coutinho càng khát khao chiến thắng bởi lẽ anh còn là đồng đội với Messi ở Barcelona.
Và tại nơi đó, khoảng cách giữa hai con người này là cả một bầu trời rộng lớn, trong khi Messi là vua, là thánh thần ở Barca, thì Coutinho là “đứa con ghẻ” đang bị rao bán, mà theo thông tin mới nhất do các mặt báo châu Âu đăng tải thì chính là quay trở lại Liverpool. Nhưng dẫu có phải rời khỏi Barcelona đi chăng nữa, thì trong lòng Coutinho cũng rất muốn khẳng định bản thân mình không hề tệ (ít ra là so với Messi).
Và chẳng có gì tuyệt vời hơn bằng cách đánh bại siêu sao người Argentina trong trận bán kết được cả thế giới dõi theo này. Coutinho phải chiến thắng, không chỉ vì cuộc chiến nhỏ trong anh, mà còn bởi cả lịch sử của trận kinh điển khu vực Nam Mỹ này.
Coutinho là hiện thân của một Brazil buồn trong những năm tháng đi xuống này. Họ không có một “quái vật” trong đội hình để “dẹp loạn” những kẻ thách thức. Họ chỉ có một số cầu thủ ngôi sao nhưng chưa đạt tầm siêu sao chẳng hạn Firmino hay Willan, và vài ba cơn gió mát kiểu Everton. Còn Messi là hiện thân của một Argentina hoang mang trong thời đại mà Messi thống trị ở cấp CLB, nhưng chỉ là cái bóng của chính mình khi trở về đội tuyển quốc gia. Coutinho có một tập thể tốt, và anh cũng tốt khi ở trong tập thể ấy, nhưng anh không phải kiểu Ronaldo béo hay Ronaldinho xưa kia có thể “một tay gây dựng cơ đồ”. Messi có một tập thể vừa không bằng Brazil, lại vừa trung thành đến mù quáng với anh. Một sự mù quáng đã đẩy cả anh và họ đi trong cơn bít bùng.
Cuộc gặp thượng đỉnh lần này thuộc về một chương buồn trong lịch sử của hai gã khổng lồ Nam Mỹ này.
Theo Bongdaplus