BOT giúp sớm hoàn thiện hạ tầng giao thông

03/05/2018 11:23

Hàng loạt dự án BOT, BT hoặc BOT kết hợp BT đang triển khai nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội...


Một cây cầu vượt sông Thái Bình nối huyện Tứ Kỳ và Thanh Hà là niềm mong ước của người dân

Trong khi ngân sách còn hạn hẹp thì đầu tư các dự án (DA) giao thông theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) là giải pháp phù hợp nhằm khắc phục khó khăn về vốn, hoàn thiện hạ tầng giao thông và bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KTXH).

Ước mơ không còn xa

Anh Tăng Bá Thành (30 tuổi, ở thôn Lang Can 1, xã Thanh Lang, Thanh Hà) đã có hơn 10 năm đưa vải thiều vượt sông Rạng bằng phà Giải để đến An Dương (Hải Phòng) tiêu thụ. Anh Thành kể: "Đi đường vòng sang An Dương xa hơn vài chục km. Trừ tiền xăng xe, ăn uống thì hết cả tạ vải. Đi qua phà, đường ngắn hơn nhưng khó khăn hơn”. Vì vậy, anh Thành háo hức khi nghe tin phà Giải sắp được nâng cấp.

DA nâng cấp bến phà Giải được lãnh đạo xã Thanh Lang đặc biệt quan tâm. Ông Tăng Bá Hoành, Chủ tịch UBND xã cho rằng trong khi chưa thể huy động được nguồn vốn xây dựng cầu thì nâng cấp bến phà Giải là giải pháp phù hợp. "Xã đã đạt chuẩn nông thôn mới. Nếu phà Giải sớm được nâng cấp sẽ là đòn bẩy để thúc đẩy KTXH địa phương phát triển nên chính quyền và nhân dân rất ủng hộ", ông Hoành cho biết.

Người dân hai đầu bến đò Bầu nối xã Thanh Hồng (Thanh Hà) và Tứ Xuyên (Tứ Kỳ) rất mong có DA xây dựng cầu vượt sông Thái Bình từ huyện Tứ Kỳ sang Thanh Hà. Xã Tứ Xuyên hiện có 3 thôn: Làng Vực, Trại Vực và Quảng Xuyên, với trên 4.000 nhân khẩu. Xã gần thị trấn Tứ Kỳ, không xa đường tỉnh 391 nhưng nằm ở địa thế tương đối khuất. Việc nâng cấp đường qua xã và xây dựng một cây cầu vững chãi nối đôi bờ sông Thái Bình sẽ đáp ứng lòng mong mỏi của người dân từ bao đời nay. Theo ông Nguyễn Thế Đậu, Chủ tịch UBND xã Tứ Xuyên, cây cầu này sẽ đưa Tứ Kỳ gần hơn với Thanh Hà, đưa 6 xã khu vực Hà Đông của Thanh Hà thoát khỏi thế "gần nhà, xa ngõ".

Mong chờ của lãnh đạo các xã Thanh Lang, Tứ Xuyên và người dân không còn xa vời bởi các DA giao thông tại những địa phương này đang được cơ quan chức năng xúc tiến. Theo Ban Quản lý các DA giao thông thuộc Sở Giao thông vận tải (GTVT), DA cải tạo, nâng cấp bến phà Giải và đường dẫn 2 đầu bến - đường huyện 390 đã hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt đề xuất DA, báo cáo nghiên cứu khả thi và đang triển khai các thủ tục để lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức BOT. Tại đây sẽ xây dựng bến phà bán vĩnh cửu có chiều rộng mặt bến 10,5 m, gồm 2 phà tự hành 1 và 2 lưỡi, 1 phà tự hành mini. Ngoài ra còn có nhà quản lý, nhà vệ sinh, nhà bán vé, nhà chờ, nhà để xe... Tổng vốn đầu tư DA trên 28,5 tỷ đồng.

DA đường tỉnh 392 kéo dài từ thị trấn Tứ Kỳ giao với đường tỉnh 391, vượt sông Thái Bình đến phà Quang Thanh (Thanh Hà) đã được tính toán sơ bộ tổng vốn đầu tư 538 tỷ đồng. Cầu vượt sông Thái Bình là cầu vĩnh cửu bê tông cốt thép dự ứng lực gồm 3 nhịp, khổ cầu rộng 9 m, chiều dài khoảng 540 m. DA đang được lập đề xuất, báo cáo nghiên cứu khả thi, xây dựng theo hình thức BOT kết hợp BT (xây dựng - chuyển giao).

Hàng loạt dự án

Toàn tỉnh đã và đang triển khai 12 DA BOT, BT hoặc BOT kết hợp BT. Sở GTVT đang hoàn thiện các thủ tục lập đề xuất, báo cáo nghiên cứu khả thi đối với 5 DA khác. DA BOT cầu Kênh Vàng nối huyện Nam Sách với huyện Lương Tài (Bắc Ninh) đã được UBND tỉnh phê duyệt với tổng vốn đầu tư dự kiến trên 953 tỷ đồng. DA có điểm đầu giao với quốc lộ 37 tại xã Thanh Quang (Nam Sách) sẽ phục vụ đắc lực nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa của các địa phương phía đông nam tỉnh với tỉnh Bắc Ninh. DA còn nhằm giảm tải lưu lượng, kiềm chế tai nạn giao thông trên quốc lộ 18 và 37. Cầu Kênh Vàng có khổ thông thuyền 40 x 7 m, bề rộng 12 m. Đường hai đầu cầu và cầu dài khoảng 11,8 km, có 2 làn xe, tốc độ 80 km/giờ. Được biết, Liên danh nhà đầu tư Cienco 8 - Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc đã đề xuất xin đầu tư DA này.

Ngoài ra, DA đầu tư xây dựng cầu Mây - đường tỉnh 389 tại xã Thăng Long (Kinh Môn) và Cộng Hòa (Kim Thành) có cầu rộng 12 m, dài khoảng 694 m; đường dẫn đầu cầu dài khoảng 1,26 km, mặt đường rộng 11m, tốc độ 80 km/giờ, tổng vốn đầu tư 383,96 tỷ đồng cũng đang được triển khai. DA đầu tư xây dựng đường 389B nối đường tỉnh 389 với quốc lộ 37 sẽ kết nối huyện Kinh Môn với thị xã Chí Linh, tổng chiều dài toàn tuyến 6,2km, trong đó có cầu Vạn dài 838,8 m, dự kiến tổng vốn 700 tỷ đồng đang hoàn thiện các thủ tục lập đề xuất, báo cáo nghiên cứu khả thi. Đặc biệt, DA đường vành đai I TP Hải Dương đoạn phía nam nối từ đường 62 m đến đường tỉnh 390 nằm trên các huyện Gia Lộc, Tứ Kỳ, Thanh Hà và TPHải Dương có tổng vốn đầu tư khoảng 920 tỷ đồng sẽ là công trình quan trọng kết nối hạ tầng giao thông. Chiều dài toàn tuyến khoảng 11,780 km, trong đó có cầu vượt sông Thái Bình.

Theo ông Vũ Văn Tùng, Phó Giám đốc Sở GTVT, trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các DA trên phải tổ chức đấu thầu công khai, hạn chế tối đa chỉ định thầu; công khai thông tin các DA để thuận tiện cho người dân giám sát. "Người dân ủng hộ, cơ quan chức năng, nhà đầu tư tiến hành đúng trình tự, thủ tục chặt chẽ, bài bản sẽ là điều kiện quan trọng để các DA sớm triển khai và triển khai thuận lợi nhằm thúc đẩy KTXH địa phương phát triển, phục vụ đắc lực nhu cầu đi lại của người dân", ông Tùng cho biết.

TIẾN HUY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    BOT giúp sớm hoàn thiện hạ tầng giao thông