Ngày 1-7, gần 20.000 thí sinh trong tỉnh và 880.000 thí sinh trong cả nước sẽ bước vào kỳ thi THPT quốc gia.
Đối với mỗi thí sinh, kỳ thi này là một ngưỡng cửa quan trọng của cuộc đời.
Nét mới là lượng thí sinh chỉ chọn thi tốt nghiệp THPT, không thi đại học đã tăng lên. Toàn tỉnh có 8.958 thí sinh chỉ thi tốt nghiệp, chiếm 44,83% tổng số thí sinh, tăng 5,38% so với năm trước. Trong cả nước, con số này là gần 1/3 tổng số thí sinh. Xu hướng này rất đáng mừng vì nhiều thí sinh đã biết lượng sức mình để quyết định có thi đại học hay không. Nhiều thí sinh chọn đi học nghề, làm công nhân, làm thợ... thay vì cứ nhất quyết phải thi vào đại học.
Trước đây, các bậc phụ huynh thường áp đặt cho con mình suy nghĩ phải nhất thiết vào đại học, không còn con đường nào khác. Họ khó chấp nhận con bị thi trượt, phải đi làm những nghề khác. Dù cho các con bày tỏ nguyện vọng, nói rõ không đủ sức thi vào đại học, chỉ phù hợp làm thợ nhưng nhiều bậc phụ huynh vẫn không chấp nhận. Tình trạng này bắt nguồn từ quan niệm phải đỗ đại học để sau được "làm quan", "ngồi bàn giấy", thoát khỏi cảnh nghèo khó, nhọc nhằn của nghề nông. Mặt khác, nhiều năm trước đây thị trường việc làm còn chưa sôi động trong khi làm ở cơ quan, đơn vị của Nhà nước công việc, thu nhập ổn định, là niềm mơ ước của bao người. Nhiều gia đình sẵn sàng đầu tư công sức, tiền của để con thi đại học liên tục nhiều năm, đến bao giờ thi đỗ thì mới thỏa mãn. Còn có cả những lời chế từ một bài hát về chuyện này như sau: "Bao nhiêu năm rồi còn mãi đi thi/Đi thi bao năm cho đời mỏi mệt". Quả thật, lúc ấy có nhiều trường hợp phải đi thi 3-5 năm mà vẫn không đỗ. Trước mỗi kỳ thi, phụ huynh phải tất tả lo tiền, chỗ ăn, nghỉ, xe cộ đi lại. Cảnh những gia đình sĩ tử mệt nhọc từ quê lên thành phố, vật vờ chờ đợi cho hết những ngày thi nóng bức khiến ai cũng cảm thấy ái ngại.
Sau kỳ thi, cả gia đình, thậm chí cả hàng xóm, họ hàng cùng háo hức chờ đợi ngày công bố điểm thi xem có đỗ không. Người thi đỗ thì vỡ òa hạnh phúc. Những người thi trượt, không khí gia đình ủ rũ như có đám tang. Một số người con vì không chịu được áp lực quá lớn, vì bố mẹ bày tỏ sự thất vọng mà chán nản, bi quan, thậm chí tìm đến cái chết. Nhưng rồi nhiều gia đình lại tiếp tục nuôi hy vọng vào những mùa thi sau. Cái vòng luẩn quẩn "còn mãi đi thi" tưởng như không bao giờ dứt. Cái vòng ấy đã "đánh cắp" không ít những năm tuổi xuân của cuộc đời con người. Khi những hy vọng cuối cùng đã chấm dứt, nhiều gia đình mới tỉnh táo nhận ra sai lầm thì cơ hội lập nghiệp của con mình đã trôi qua. Chính tư duy phải thi đỗ vào đại học cũng đã để lại hậu quả xấu cho hôm nay, đó là tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ". Số lượng các kỹ sư, cử nhân tốt nghiệp đại học ra trường nhưng không tìm được việc làm quá nhiều. Theo thống kê của Viện Khoa học lao động và xã hội, trong quý 1 năm nay, cả nước có gần 191.000 người có trình độ đại học bị thất nghiệp, cao hơn hẳn so với số người có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp (gần 119.000 người), trung cấp chuyên nghiệp (hơn 60.000 người) và người có chứng chỉ nghề dưới 3 tháng (hơn 11.000 người). Một thực trạng rất xót xa. Đó cũng là bài học đắt giá để các bậc phụ huynh, thí sinh có sự lựa chọn tỉnh táo, đúng đắn cho mình.
Hiện nay, thị trường việc làm khá phong phú với nhiều ngành nghề khác nhau, phù hợp với nhiều đối tượng. Vì thế những bạn trẻ cũng có sự lựa chọn dễ dàng hơn. Nhiều bạn xác định không thể tiến thêm trên con đường học vấn thì chọn làm thợ, thậm chí nhiều em xác định sẽ làm giàu trên cương vị là người thợ giỏi nghề chứ không phải là một kỹ sư, cử nhân. Việc nhiều thí sinh có sự lựa chọn khôn ngoan hơn cũng thể hiện những hiệu quả trong công tác hướng nghiệp, phân luồng thí sinh của ngành giáo dục, gia đình và xã hội.
Nhiều khả năng những năm tới, xu hướng thí sinh chỉ thi tốt nghiệp THPT, không thi đại học sẽ tiếp tục tăng. Đây là một sự đổi mới tuy không ồn ào của ngành giáo dục nhưng đem lại những tác dụng thiết thực, góp phần điều chỉnh cơ cấu lao động theo nhu cầu thị trường, giảm bớt những lãng phí, áp lực không đáng có. Như thế, những trường hợp "còn mãi đi thi" sẽ ngày càng ít đi.
NINH TUÂN