Bông hoa phấn trắng

18/11/2018 07:36

Câu chuyện tôi sắp kể xảy ra cách nay gần 50 năm. Đó là đầu thu năm 1972, bản Pù Nai còn thuộc cực bắc tỉnh Lai Châu, đón về một cô giáo rất trẻ tên gọi Vân Minh.



Câu chuyện tôi sắp kể xảy ra cách nay gần 50 năm. Đó là đầu thu năm 1972, bản Pù Nai còn thuộc cực bắc tỉnh Lai Châu, đón về một cô giáo rất trẻ tên gọi Vân Minh. Những con ve rừng to bằng ngón tay cái người lớn, ra rả ca bài ca muôn thuở đón chào cô giáo. Ông chủ nhiệm HTX Sai Khả người thấp lùn, lưng gù như một con gấu, cái đầu cứ lúc lắc mỗi khi nói chuyện. Ông bước tới nắm tay tôi bảo: “Tối nay dân bản đón cô giáo mới. Mời cái bộ đội biên phòng tới dự". Tôi vui vẻ nhận lời ông. Khi chưa gặp mặt Vân Minh, tôi cứ băn khoăn mãi. Liệu cô giáo trẻ kia có ở đây được lâu không? Hay chỉ được dăm bữa nửa tháng lại bỏ đi như vài ba người trước. Đàn ông khỏe mạnh, xốc vác còn chẳng ăn ai huống chi là cô gái trẻ. Ở đây khí hậu vô cùng khắc nghiệt, ngày nắng cháy da cháy thịt, đêm về gió rét thấu xương. Cuộc sống đầy gian khổ và bất trắc. Các cô sợ nhiều thứ. Nào sợ bóng đêm. Nào sợ rắn rết thú dữ. Nào sợ ma, sợ quỷ. Thế là các cô tìm đủ mọi lý do để cáo bệnh, xin về xuôi. Có cô còn bỏ luôn cả nghề lẫn nghiệp. Nhưng khi gặp rồi, tôi yên tâm ngay. Từ nay cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng không còn phải làm thầy giáo bất đắc dĩ nữa. Mỗi lần Vân Minh cười lại tăng thêm lòng tin tưởng của tôi. Chao ôi! Nụ cười của cô giáo mới tươi tắn làm sao. Hoa trứng gà nở vào buổi sớm tinh mơ, hoa mần tang xòe cánh suốt ngày cũng không đẹp bằng cái miệng cô giáo cười. Con trai, con gái, người già bản Pù Nai ngắm cái miệng cô giáo cười không biết chán. Trong buổi đón, ông chủ nhiệm nói với cô giáo cũng như tâm sự với dân bản: “Bà con chúng tôi đêm ngày chờ mong cô giáo về. Cái chữ ở đây quý hơn muối, hơn gạo đấy”. Lớp tuổi ông nghèo khổ quá nhiều, một con chữ cắn làm đôi không biết. Thôi coi như đành một nhẽ. Bây giờ bà con vào HTX, nhờ Đảng chỉ lối, nhờ Chính phủ soi đường nên dân bản mới được no ấm. Vậy phải mở cái trường cho bọn trẻ nít đi học. Cần có nhiều cái chữ, nhiều hạt gạo, hạt muối mới đưa dân Pù Nai tiến kịp bằng anh em người Kinh.

Sau hôm cô giáo Vân Minh về bản, rất nhiều chàng trai, cô gái của bản cùng cán bộ biên phòng đến tận những ngôi nhà xa nhất, cao nhất, vận động bà con cho trẻ ra lớp. Lớp học được mở tạm ngay nhà họp của HTX. Bàn ghế được Đoàn Thanh niên vào các gia đình mượn tạm mang về. Thôi thì cái cao cái thấp, lổn nhổn đầy ba gian nhà. “Đành vậy, bước đầu tạm như thế đã”, ông chủ nhiệm an ủi cô giáo. Buổi khai giảng, người lớn, trẻ con đến đông như đi hội. Nhưng cũng chỉ được dăm bảy buổi, lớp học cứ vơi dần như mất trộm. Từ bốn chục nay chỉ còn hơn chục đứa. Nét mặt Vân Minh trở nên đăm chiêu. Cô giáo gặp ông chủ nhiệm và tôi, đại diện cho đồn biên phòng, để báo cáo tình trạng bỏ học của các em. Cô giáo nói: “Ta lại phải một lần nữa thuyết phục bà con hiểu được giá trị của cái chữ”. Ông chủ nhiệm tính nóng như lửa, lập tức ngay tối hôm đó triệu tập dân bản. Ông nói như quát: “Cô giáo đi mỏi cái chân, qua bao nhiêu con dốc, lội bao nhiêu con suối mới mang được cái chữ lên đây. Thế mà người lớn lại không cho bọn trẻ đi học. Là sao vậy? Cái chữ là rất quý, mọi người đánh rơi không thấy tiếc à?”. Một người trong bản đứng dậy: “Tiếc chứ! Nhưng lấy ai chăn con trâu?”. Người khác lại bảo: “Con tao nó bảo học cái chữ khó lắm! Ở nhà bế em thích hơn”. Im lặng. Cuộc họp tan. Không tìm được tiếng nói chung. Ông chủ nhiệm nổi khùng văng một tràng tiếng dân tộc. Chắc ông trách mắng ai đó chậm hiểu, chậm tiến bộ. Hôm sau, Vân Minh tranh thủ ngày nghỉ đến chơi từng nhà. Không hiểu cô giáo nói khéo thế nào mà vài ngày sau đã thấy đủ cả bốn chục khuôn mặt đến lớp. Một buổi sáng, ông chủ nhiệm bảo: “Con chim nó có tổ như người ta có nhà. Người dạy học cũng phải có cái lớp, cái trường của mình chứ!”. Sau khi được sự thống nhất của mọi người, đồn biên phòng chúng tôi kết hợp với Đoàn Thanh niên trong bản vào rừng chọn cây, hạ xuống mang về. Buổi tối đốt đuốc kỳ cạch đục đẽo suốt đêm. Đám đàn bà con gái nhận phần vào rừng tranh cắt lá, đan thành từng tấm để lợp mái. Ông trăng chưa kịp tròn mặt, lớp học năm gian cao ráo đã dựng xong. Đơn vị tôi ủng hộ thêm hai chục bộ bàn ghế.

Vân Minh vẫn ở nhà ông chủ nhiệm. Bà vợ ông chủ nhiệm rất quý cô giáo. Đi đâu bà cũng khoe: “Cô giáo gọi tao bằng mế đấy! Nó ngoan lắm! Chịu khó lắm!”. Buổi tối nhà ông chủ nhiệm đông vui như có đám bắt chồng. Tiếng chân thậm thịch, tiếng cười giòn tan của trai làng gái bản, cứ vang đến tận khuya. Họ nhờ cô giáo dạy cho tiếng Kinh, dạy những bài hát hay. Còn Vân Minh học lại tiếng địa phương. Nhìn đám thanh niên vui hát, bà chủ nhiệm than thở: “Bọn trẻ bây giờ sướng thật. Chẳng bù cho chúng tao ngày xưa, đã đói cơm lại đói luôn cả cái chữ, đã rách áo lại rách cả tiếng cười. Cái bộ đội biên phòng phải giúp cô giáo yên tâm ở đây dạy con cháu tao học thật nhiều cái chữ đấy”. Mỗi sáng, lúc con gà trống rừng đập cánh gáy vang là lúc cô giáo đã đặt chân đến bụi tre đầu bản để đến lớp. Có hôm thời gian còn sớm, cô giáo lại rẽ vào thăm bà con. Cô tập nói bằng tiếng Mông, tiếng Thái, tiếng đúng tiếng sai đến là buồn cười. Bà chủ nhà ngừng tay băm rau lợn, uốn nắn cho cô từng tiếng. Giọng cô giáo trong vắt như nước suối, luyến láy như con chim họa mi đang hót. Trong bản, mấy bà mế có con trai lớn lớn một chút, chưa vợ, là tranh nhau gọi Vân Minh bằng con dâu. Ngon lành như thật.

Thời gian cứ thế trôi thấm thoát đã được ngót ba tháng. Những ngày cuối năm 1972, cả nước phải gồng mình lên chống trả lũ giặc trời Mỹ. Toàn B52 với bọn cánh cụp cánh xòe, thần sấm, con ma. Bầu trời đầy bom đầy đạn. Ở đây tuy xa tiếng bom rơi đạn nổ, nhưng chả yên tâm chút nào. Biết đâu đấy, chó cùng cắn dậu. Vân Minh bàn với ông chủ nhiệm nhờ Đoàn Thanh niên và bộ đội biên phòng làm cho mấy cái hầm kèo chắc chắn cạnh lớp học, có đường hào chạy ra. Ông chủ nhiệm bảo: “Từ ngày có chiến tranh phá hoại bằng không quân của giặc Mỹ đến giờ, bản Pù Nai chưa hề biết bom đạn là gì. Bây giờ bà con đang bận thu hoạch vụ ngô. Để ăn Tết xong có được không?”. Vân Minh nói: “Thằng giặc không chờ ta đâu. Nó như con hổ dữ trong rừng. Ta nên lo trước, đừng để lũ về sẽ không kịp đối phó”. Ông chủ nhiệm ngẫm ngợi. Bận quá, công việc lút đầu lút cổ, cái gì cũng muốn làm trước. Nhưng ông cũng phải công nhận ý kiến của cô giáo là đúng. Ông nói với tôi: “Không hiểu sao con Vân Minh còn ít tuổi thế mà việc gì nó cũng biết, cũng giỏi. Chịu khó hơn cả người dân chính gốc. Nhiều đêm tối như bưng lấy mắt, đường đi  lầy lội, lũ suối hung dữ, thế mà không ngăn cản được bước chân nó đến lớp. Trẻ con đứa nào chưa đi học, nó đón ra lớp. Đứa nào học còn kém, nó kèm cặp viết từng nét, đọc từng chữ”. Dân bản thì khen: “Cô giáo đi mỏi cái chân, dạy học mỏi cái miệng. Thương nó vất vả quá”. Vân Minh lại không thấy vất vả chút nào. Cô vui lắm. Lúc nào cô cũng cười. Cô như bông hoa rừng nở đẹp suốt bốn mùa. Mỗi lần đến lớp, đếm đủ bốn chục cái đầu là lòng cô như muốn bay lên.

Nhưng thằng giặc Mỹ đâu để cho lớp học giữa rừng được yên. Vào một buổi chiều tháng chạp, từng đàn ác điểu ào ào đến dội bom, bắn phá dữ dội xuống lớp học, xuống bản. Những quả bom tấn, bom tạ thi nhau rơi lả tả. Người lớn người khỏe ra nương ra rẫy hết. Trong bản còn lại toàn người già trẻ nhỏ. Lửa cháy đùng đùng, tiếng nổ đinh tai nhức óc. Tiếng máy bay gầm rú xé nát bầu trời vốn dĩ yên bình. Lần đầu tiên bản Pù Nai bị tấn công trực tiếp từ trên không. Người nào người nấy táo tác chạy quanh. Họ không biết ẩn vào đâu cho chắc chắn. Tốp máy bay này đi thì tốp khác lại lao đến. Những khối sắt đen đúa dữ tợn như đàn hổ đói, lồng lộn. Đất trời chao đảo. Đất đá, cây rừng đổ rào rào. Khoảng không rung lắc như đưa võng. Thật khó mà tin có sinh vật nào sống nổi. Nhà nào có con đang ở lớp học thì lo lắng nhấp nhổm như ngồi trên đống lửa. Ngọn lửa đang đốt tâm can họ. Họ ngóng về phía ngôi trường cũng ngút ngàn khói lửa. Người ta hỏi nhau: “Tại sao ngoài đấy lại im thế nhỉ? Hay chết hết cả rồi?”. Không ai trả lời được rõ ràng cụ thể. Người ta lo cho con cái của họ và lo cả cho cô giáo xinh đẹp. Liệu cô trò có kịp xuống hầm không? Lớp học có bị hư hỏng gì không? Liệu sau trận bom này cô giáo còn yên tâm ở lại bản của họ không? Có phải cô giáo, thầy giáo nào cũng yên tâm dạy chữ ở nơi đèo heo hút gió này đâu. Cái buổi chiều nghiệt ngã ấy chỉ xảy ra chừng mười phút. Nhưng chỉ mười phút ấy cũng đủ cho bầu trời như bầm máu. Ngớt tiếng bom, dân bản ùa ra lớp học, bỏ mặc nhà mình còn ngổn ngang bừa bãi. "Phải cứu lấy lũ trẻ, cứu lấy cô giáo. Còn cô giáo chúng ta sẽ còn cái chữ".

Một cảnh tượng tan hoang hiện ra trước mắt mọi người. Ngôi nhà lá năm gian bay biến đâu mất. Thay vào đó là một hố bom sâu hoắm, đen ngòm như miệng con quái vật. Xung quanh hố bom, đất đá bị cày nát tứ tung, cây cối bị phạt bằng, xơ tướp. Những dòng nhựa chảy tràn ra, sẫm lại. Ba cái cửa hầm trú ẩn được che đậy còn nguyên vẹn. Duy nhất chiếc hầm thứ tư thì cửa không còn nữa. Có lẽ nó đã bị hơi bom thổi bay mất. Phía ngoài cửa hầm là cô giáo Vân Minh. Hai đầu gối cô giáo quỳ trên nền hầm, quay mặt vào trong. Hai tay cô bám chặt lấy thanh gỗ đặt ngang trên nóc hầm. Chiếc áo màu cỏ úa của cô lỗ chỗ vết đạn từ phía sau lưng, máu chảy xuống không ngừng. Tôi nhảy vào bế vội cô ra. Phải khó khăn lắm tôi mới gỡ được bàn tay Vân Minh ra khỏi thanh gỗ. Cô giáo đã tắt thở. Bên trong căn hầm, lũ trẻ ùa ra. Tất cả an toàn, nguyên vẹn. Chúng chỉ sợ thôi. Thì ra sau khi cửa hầm bị bom thổi bay mất, Vân Minh đã lấy thân mình che chở cho lũ học trò ẩn nấp phía trong. Bốn mươi đứa trẻ vây quanh, nức nở gào thét gọi tên cô giáo. Vân Minh đã ra đi khi cô mới gần hai mươi hai tuổi. Đôi mắt Vân Minh mở to như ngạc nhiên, như nuối tiếc, như đang muốn thu gọn khoảng trời trong xanh của núi rừng Tây Bắc. Tôi lặng người, nhẹ nhàng vuốt nhẹ đôi mắt trong veo của em, lòng thầm khẽ: “Em yên tâm ra đi. Công việc còn lại sẽ có các anh và bao nhiêu thầy giáo, cô giáo khác tiếp tục". Khoảng trời xanh trong mắt Vân Minh dần khép lại. Thế là hết. Hết thật rồi? Tôi bỗng hộc lên một tiếng. Nước mắt cứ thế trào ra không thể cưỡng được. Lúc làm lễ truy điệu, ông chủ nhiệm nói trong nước mắt: “Lũ giặc Mỹ thật tàn ác, đê tiện. Chúng đã cướp mất của bản Pù Nai một bông hoa rừng nhiều chữ”. Ông đưa tay áo quệt ngang mắt... Toàn thể cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng ngả mũ, cúi đầu vĩnh biệt người bạn mới quen. Sau này dân bản không gọi Vân Minh bằng cái tên thật của cô mà gọi là: Bông hoa rừng, như lời ông Chủ nhiệm gọi cô hôm truy điệu. Riêng tôi lại gọi cô giáo là "Bông hoa phấn trắng".

Truyện ngắn của NGUYỄN SỸ ĐOÀN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bông hoa phấn trắng