Tôi lớn lên và nhận biết đã không thấy con đường đâu cả. Nói đúng ra thì nó vẫn nằm đấy nhưng những gì để người ta gọi là tầu lửa thì không còn nữa. Bọn trẻ chúng tôi mỗi khi hết giờ học lớp đồng ấu là ào ào chạy qua cổng đá tới mặt đường bị đào bới nham nhở, đá dăm đủ hình thù kiểu dáng , trắng có , đen có, vân vân có, lẫn với đất chạy dài tít tắp về Thọ Trương ở hướng tây bắc và Trạm Bóng ở hướng đông nam. Chúng tôi lấy đá về ghè bi, đẽo gọt, mài nhẵn, dùng vỏ ốc nhồi mài thành lỗ quay cho bi thật tròn, rồi thi xem bi ai tròn hơn, nhẵn hơn, nhiều đường vân hơn. Tôi không hiểu sao có đá nhiều thế trên nền đường và hỏi người già nhất làng thì được giải thích: Những năm trước tầu lửa qua đây.
Trí óc non trẻ của tôi không thể hình dung ra tàu lửa là như thế nào. Làng tôi hẻo lánh ở vùng nam sông Thưa và thời đó ai tới phố huyện đã là một sự kiện nên ông phó Binh làm ở đồn điền cao su miền Nam trở về và ông Nghĩ từng ra tới Mạo Khê - Tràng Bạch - Đông Triều với bọn trẻ chúng tôi là thần tượng tôn sùng. Ông phó Binh dữ tợn chúng tôi không dám gần nhưng ông Nghĩ rất yêu quý trẻ con dù gặp ở đâu chúng tôi cũng quây quần bắt kể chuyện Mạo Khê - Tràng Bạch - Đông Triều… Bao giờ ông cũng chỉ về chân núi mờ xa kia và mở đầu: Mạo Khê đó, Tràng Bạch và Đông Triều đó… Có ông ba mươi làm chúa của rừng… có ông cai người Tây dùng roi cặc bò làm chúa vùng khai thác than…Câu chuyện của ông Nghĩ cuốn hút chúng tôi để bao giờ cũng dừng lại câu chuyện về ô tô ray. Ô-tô ray chạy nhanh lắm, gió thổi mát rượi, tung cả mũ nón… Có lần ta đi ô-tô ray… Chao ôi, ông Nghĩ là con người kỳ tài và đáng trọng vọng nhất làng, đã biết đến cả Mạo Khê - Tràng Bạch, lại còn được đi cả ô-tô ray… Nhưng hôm nay chúng tôi xúm quanh hỏi ông về con đường tầu lửa chạy qua trước cổng đá làng Cao Duệ chúng ta . Sao lại gọi là tầu lửa hả ông ơi? - Tầu lửa là do nó chạy bằng lửa. Người ta đốt than đá hoặc củi gỗ cho nó chạy… Mấy năm trước nó chạy qua đây nhưng người ta bóc nó đi rồi… Mơ ước của chúng tôi càng bay xa. Trong đầu óc chúng tôi khi ấy chỉ có bóc vỏ chuối, bóc lạc, bóc vỏ khoai... chứ bóc đường tầu thì thật kỳ lạ xa vời… Chúng tôi lại xoắn hỏi: Thế sao gọi là ô-tô ray? Vì nó chạy trên đường ray - Đường ray là thế nào?… Những câu hỏi và câu trả lời cứ triền miên như thế cho đến khi bọn trẻ chúng tôi trưởng thành. Dần dần tôi biết nơi chúng tôi lấy đá ghè bi là con đường 20, chạy từ Thọ Trương, qua Trạm Bóng, qua Mè, qua dốc Bùng, cầu Ràm, tới thị xã Ninh Giang bên bờ sông Luộc… Kinh doanh không hiệu quả, người chủ cho dừng hoạt động, bóc đường tầu nhưng đá thì không thể nào chở đi hết được.
Kháng chiến chống Pháp bùng nổ. Giặc đóng đồn khắp nơi và làng tôi bị kẹp giữa những căn cứ chiếm đóng, nhưng đáng gờm nhất là bốt Đò Neo và quận lỵ Thọ Trương. Vài ngày một lần giặc từ bốt Đò Neo có lính quận lỵ Thọ Trương tăng cường kéo tới vây làng và bao giờ cũng dùng mặt đường 20 cao cao làm bàn đạp tấn công vào. Bộ đội địa phương và du kích làng tôi chặn đánh. Nhưng tới trận càn Lạc Đà thì giặc cùng với lính bốt Đò Neo là cả một tiểu đoàn Âu - Phi tấn công vào làng. Chúng có đại bác bắn dọn đường và xe tăng đi trước chi viện. Chiến lũy hai bên cổng đá bị bom cày đạn xới. Lực lượng ta cầm cự tới lúc không chịu nổi nữa mới rút xuống hầm bí mật. Giặc tràn vào. Chúng sục sạo và bới được một nắp hầm cùng lúc toán địch khác bắt được ông Nghĩ. Chúng đánh đập ông, bắt ông chỉ hầm du kích. Ông đã ngụy trang nhiều cửa hầm nhưng lúc này dứt khoát trả lời không biết. Chúng bắt ông xuống căn hầm vừa bị bật tung cửa gọi du kích dưới đó lên hàng. Ông xuống, gặp hai du kích và một bộ đội địa phương. Cả ba người khuyên ông đừng khai báo. Ông chửi: Tổ sư cha các anh! Ta phản động hay sao mà khai báo các anh với giặc - Rồi ông nói như ra lệnh - Tất cả chui vào trong các ngách đề phòng giặc ném lựu đạn xuống! Ông lên bẩm báo với viên sĩ quan rằng không có Việt Minh dưới đó. Chúng đào bới. Trước thế nguy nan các chiến sĩ ta xông lên một mất một còn… Giặc bị chết mấy thằng bèn trả thù ông. Chúng đốt râu ông, bắt ông chỉ thêm hầm du kích sẽ tha chết. Và ông đã để mặc chúng lôi ra đường 20 hành hạ đến chết chứ nhất quyết không làm chỉ điểm để lại lòng tiếc thương vô hạn cho các thế hệ dân làng.
Lớn lên, lần đầu tiên trong đời ngồi trong tầu hỏa mà từ thời gian này không thấy ai gọi là tầu lửa nữa, tôi mới hiểu thế nào là đường ray, và mới hiểu vì sao đường 20 quê tôi có nhiều đá dăm làm vậy. Khi máy bay còn là phương tiện xa vời thì đường tầu hỏa đã đưa tôi đi, đi mãi, thoạt đầu là từ Hải Dương lên Hà Nội, rồi từ Hà Nội vào Thanh Hóa để đi bộ vào chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Những năm 1962 - 1963 ấy đường sắt mới chỉ từ Hà Nội vào tới Đò Lèn. Chiến tranh khốc liệt sao mà thèm khát ngày nước non một dải để được đi trên con tàu từ Nam ra Bắc và trở về làng quê ở vùng nam sông Thưa. Năm 1967 tham gia vây ép căn cứ Cồn Tiên, những giây phút ngắn ngủi lặng thinh đến lạ lùng giữa sóng xô bão táp chiến sĩ Nguyễn Văn Đạo kêu lên: Giống buổi sớm đến trường ghê quá. Rồi anh nắm lấy tay tôi giật giật : Anh ơi! Tàu vào ga kìa! Tàu vào ga kìa! Tiếng loa gọi đó: Xin qúy khách chú ý, quý khách hãy cầm vé ra tay, vé của ai người ấy cầm… Và chúng tôi ngồi thừ ra trong giường pháo, mỗi người theo đuổi ý nghĩ về quê nhà, riêng tôi con đường 20 rất nhiều đá dăm hiện ra, viên trắng, viên đen, viên xanh biếc có vân chi chít… và câu chuyện của ông Nghĩ về ô-tô ray, đặc biệt vóc dáng ông hiên ngang trước mũi súng quân thù. Giờ đây tôi lặng im chìm sâu vào ký ức để hình dung ra hình bóng ông và bóng dáng con đường. Sau ngày nước non một dải và khi đường sắt nối liền, tôi may mắn hơn bao người khác đã không thể trở về và được ngồi trên con tàu thống nhất từ Nam ra Bắc. Tầu ọc ạch, lộn xộn, giờ giấc bát nháo, nhưng lòng sao mà sướng vui như đang cất cánh bay lên.
Rồi đất nước cởi mở, làm ăn đó đây. Tôi cũng đã nhiều lần đi xa bằng đường hàng không và đường tầu hỏa. Những con tầu ngày càng hiện đại, nhanh chóng, tiện lợi, chẳng phải ngồi chen chúc. Từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh cứ ngủ li bì, một chút lắc lư như là đưa võng, tiếng động của tầu như tiếng hát ru, chẳng hiểu có nhanh bằng ô -tô ray trong câu chuyện thần tiên của ông Nghĩ hay không nhưng tôi tin là nhanh lắm.
Lênh đênh kiếm bát cơm manh áo khắp bốn phương trời, mãi tôi mới có dịp về làng. Chiếc ô-tô Honda bốn chỗ ngồi lao vun vút trên đường nhựa phẳng lì. Từ Hà Nội về, tới Quán Gỏi rẽ phải, qua Sặt, qua Lòn, qua phố Thông, tới Thọ Trương… Có phải xa xưa đường sắt đã qua đây? Từ Thọ Trương đi chừng cây số nữa có đường rẽ vào cổng đá. Cổng ấy cũng chẳng còn lại dấu vết gì. Lũy tre làng có hàng chiến hào và những lỗ châu mai để bộ đội địa phương và du kích đánh càn cũng chẳng còn dấu vết gì. Chính con đường 20 đây, từ Thọ Trương qua để vượt trạm Bóng, tới dốc Bùng, cầu Ràm, tới Ninh Giang, ô-tô các loại, xe máy đời mới phóng vù vù và chắc chắn đa phần những người trẻ trung điều khiển các phương tiện giao thông hiện đại ấy không thể hình dung ra ngày xưa con đường tầu hỏa qua đây. Riêng tôi thì tôi nhớ: Những buổi tan học lấy đá dăm về ghè bi, những câu chuyện triền miên của ông Nghĩ về ô-tô ray với viên cai mỏ người Tây có roi cặc bò, về những ngày du kích đánh càn và phong thái hiên ngang tự tại của ông trước mũi súng quân thù. Tôi chưa vội rẽ vào làng mà ra nghĩa trang thắp nén hương thơm trước phần mộ ông. Bảng vàng ghi rõ: Nơi đây lão chiến sĩ du kích Nguyễn Văn Nghĩ lập công và ra đi mãi mãi.
Bóng dáng con đường hiện ra trong tâm trí tôi!
Tùy bút của
TÔ ĐỨC CHIÊU