Bón đón đòng cho lúa chiêm xuân

08/04/2013 14:04

Yêu cầu của bón đón đòng là phải bón đúng thời điểm cây lúa bước vào phân hoá đòng (PHĐ), đủ ka-li...

Ngoài ra, rắc đều đạm bổ sung hoặc rắc vá để lúa cứng cây, trường đòng, trỗ thoát nhanh, to bông, ít bị sâu bệnh hại và chắc hạt. Đây là lần bón cuối cùng và mang tính quyết định.

 Thời điểm cây lúa bước vào PHĐ cũng là lúc bắt đầu của thời kỳ sinh trưởng sinh thực. Bằng cảm quan, cây lúa đang ở cuối giai đoạn đứng cái, với khoảng gần 10% số dảnh có dấu hiệu tròn mình, lá vuốt thẳng và chuyển màu hơi hanh vàng - tình trạng sinh trưởng đạt yêu cầu.

 Lượng phân: ka-li hàm lượng cao, từ 2,5 - 3 kg/sào; đạm urê từ 1 - 1,5 kg/sào.

Thực tế, thời tiết những ngày đầu tháng 4, trời có mưa nhỏ đến mưa rào ở nhiều nơi, làm cây lúa tốt ăn (bổ sung dinh dưỡng tự nhiên), mát mẻ và khỏe ra, nhưng thời điểm bước vào PHĐ của trà xuân sớm và lúa cấy bằng mạ sân ở các địa phương vẫn sớm hơn so với dự kiến từ 5-7 ngày do tích ôn nhanh.

Sau thời kỳ sinh hóa sinh thực là thời kỳ chín, cả hai thời kỳ này, các giống lúa đều rất mẫn cảm với các yếu tố: dinh dưỡng, nhiệt độ bình quân ngày, biên độ nhiệt ngày và đêm, gió tây và các loại sâu bệnh... Do đó, bà con nông dân cần nắm bắt kịp thời diễn biến thời tiết. Thường xuyên thăm đồng, xác định chính xác thời điểm bước vào PHĐ, đánh giá tình trạng sinh trưởng cây lúa (đạt yêu cầu, tốt lốp, xấu) ở từng loại chân ruộng và có thể điều chỉnh nước tưới cùng dinh dưỡng cho đạt yêu cầu và mục đích của bón đón đòng. Nếu lúa tốt lốp, không được bón đạm nữa, cần bón ka-li từ 5 - 6 kg/sào và chia làm 2 lần, rắc vào chiều mát không mưa, lần sau cách lần trước 2 - 3  ngày để không bị sốc. Nếu điều kiện cho phép, có thể tháo cạn nước sau khi rắc hết ka-li lần 2 một tuần, hai ngày sau lại đưa nước mới vào.

 Nếu lúa xấu thì ngoài lượng ka-li, cần nâng lượng đạm bổ sung thành 2 -  3 kg/sào, trộn lẫn rồi chia đôi rắc làm 2 lần, lần sau cách lần trước 2 - 3 ngày; chú ý, nước phải được duy trì thường xuyên từ 3 - 5 cm.

Thời điểm bón đón đòng lúa bị tốt lốp, bà con không biết cách khắc phục, trong khi lại gặp mưa nhiều và nhiệt độ ngày đêm liên tục cao, chân ruộng lại trũng, hẩu, nguồn dinh dưỡng tiềm tàng tiếp tục phôi phai  hoặc luân chuyển do quá trình khoáng hóa và rửa trôi, lúa tiếp tục hấp thu và lá đòng cứ xanh không chịu chín lá gừng, kết quả dẫn đến giảm năng suất nghiêm trọng. Cũng ở thời điểm bón đón đòng, lúa xấu mà không biết cách khắc phục thì thời kỳ sinh trưởng sinh thực bị kéo dài, kết quả là bông bé, gầy hạt và năng suất không cao.

KS. NGUYỄN HỮU VÂN
(Trạm Khuyến nông huyện Nam Sách) 


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bón đón đòng cho lúa chiêm xuân