Nhiều trường đại học đề ra điểm nhận hồ sơ xét tuyển thấp bằng điểm sàn khiến thí sinh bối rối, mất định hướng...
Mức điểm nhận hồ sơ bằng điểm sàn của nhiều trường đại học cách xa với điểm trúng tuyển những năm trước.
Trong ảnh: Học sinh làm hồ sơ dự xét tuyển tại Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương. Ảnh: Thành Chung
Nhiều thí sinh đang bị mất định hướng trong xác định trường đại học, cao đẳng phù hợp với số điểm của mình vì điểm nhận hồ sơ xét tuyển của nhiều trường đại học thấp bằng điểm sàn, trường cao đẳng không có điểm sàn.
Khó ước lượng điểm chuẩnSau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm sàn đại học năm nay là 15 điểm, các trường đại học lần lượt công bố điểm nhận hồ sơ xét tuyển. Đa phần đều nhận hồ sơ bằng với điểm sàn. Rất ít trường nhận hồ sơ trên điểm sàn, tập trung ở khối đại học y - dược và kinh tế nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức 17-18 điểm. Một số trường nhận hồ sơ trên 20 điểm như: Học viện Quân y (22 điểm), Đại học Việt Đức (21 điểm).
Điểm nhận hồ sơ thấp tưởng chừng tạo cho thí sinh nhiều cơ hội lựa chọn trường nhưng thực chất lại khiến các em bối rối, hoang mang vì không thể ước lượng được điểm chuẩn sát với thực tế. Thí sinh Hà Trọng Cường (xã Ninh Thành, Ninh Giang) bày tỏ: "Năm trước các trường còn công bố điểm chuẩn dự kiến, các thí sinh phần nào đánh giá được khả năng đỗ của mình. Còn năm nay hầu hết các trường nhận hồ sơ bằng điểm sàn, thí sinh lại không biết liệu có khoảng bao nhiêu người nộp hồ sơ, mức điểm của những người nộp trong tầm nào nên không ước tính được mức điểm chuẩn của trường".
Mức điểm nhận hồ sơ bằng điểm sàn cách xa với điểm trúng tuyển những năm trước đây của nhiều trường. Điểm trúng tuyển vào các ngành của Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương năm 2015 từ 19-22,5 điểm, cách xa mức điểm nhận hồ sơ của năm nay (15 điểm). Điểm chuẩn của Đại học Y Hà Nội năm trước từ 23-27 điểm, trong khi năm nay trường nhận hồ sơ từ 18 điểm. Điểm chuẩn của Đại học Kinh tế quốc dân năm 2015 ở các ngành đều trên 20, cao hơn từ 3-5 điểm so với điểm nhận hồ sơ xét tuyển năm nay là 17 điểm... Nguyên nhân do các trường đều mong muốn có càng nhiều thí sinh nộp hồ sơ càng tốt chứ không tính đến khả năng đỗ cho thí sinh. Việc sàng lọc các trường nằm ngoài "tầm với" được nhường lại cho thí sinh tự định lượng. Bà Vũ Minh Lương (phường Lê Thanh Nghị, TP Hải Dương) có con gái vừa tốt nghiệp THPT cho biết: "Với cách nhận hồ sơ như thế này, gia đình và cháu phải xem xét đến điểm chuẩn của các trường năm trước, mặt bằng chung điểm thi năm nay để tính xem điểm chuẩn nằm ở tầm nào. Nhưng thật sự là vẫn cảm thấy hoang mang và khó quyết định".
Đối với các trường cao đẳng, việc nộp hồ sơ của thí sinh còn "tù mù" hơn nữa khi Bộ quyết định bỏ điểm sàn. Trường Cao đẳng Dược Trung ương - Hải Dương nhận hồ sơ của tất cả thí sinh dự thi THPT quốc gia 2016 khối A, B. Trường Cao đẳng Hải Dương năm nay tuyển sinh 40% số chỉ tiêu theo phương thức xét điểm thi THPT quốc gia và cũng không đặt ra điểm nhận hồ sơ. Thí sinh nộp hồ sơ vào các trường này đều khá hồi hộp vì không thể biết được khả năng đỗ của mình ở mức độ nào.
Hồi hộp, lo lắngĐa phần các thí sinh đều nghĩ điểm chuẩn của các trường đại học tốp trên sẽ cách xa điểm nhận hồ sơ nhưng lại không ước tính được nằm trong khoảng nào nên nhiều thí sinh đã chọn những phương án an toàn hơn cho mình. Thí sinh Đoàn Thị Thu Uyên (phường Trần Hưng Đạo, TP Hải Dương) thi đạt hơn 26 điểm khối D (điểm ngoại ngữ nhân 2), cách điểm chuẩn của Trường Đại học Hà Nội năm 2015 là 1,5 điểm nhưng vẫn không dám nộp hồ sơ vào trường mình yêu thích. Uyên đã chọn cách an toàn hơn là sử dụng kết quả trúng tuyển trong kỳ thi riêng của Đại học quốc gia Hà Nội tổ chức từ tháng 5.
Nhập dữ liệu trúng tuyển của học sinh bằng chíp điện tử tại Trường Cao đẳng Dược Trung ương - Hải Dương
Phân vân nhất trong việc chọn trường là những thí sinh có mức điểm xấp xỉ hoặc chỉ cao hơn điểm chuẩn những năm trước 1-2 điểm. Cách nộp hồ sơ như năm nay lần đầu tiên diễn ra nên các thí sinh không biết đoán định khả năng đỗ của mình ra sao, để “chắc ăn” nhiều thí sinh nộp hồ sơ cho các trường có điểm chuẩn những năm trước thấp hơn hẳn số điểm mình đạt được. Cũng có những thí sinh nộp hồ sơ theo tâm lý “may nhờ, rủi chịu” song tất cả đều hồi hộp, lo lắng trước khi có kết quả chính thức.
Với cách xác định điểm đầu vào khá mông lung như vậy của các trường đại học, điểm chuẩn năm nay đang là một ẩn số. Nhận thấy trước điều này, ngay giữa thời gian nhận hồ sơ của các trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các trường đại học tốp trên nâng mức điểm nhận hồ sơ nhưng cho tới gần hết hạn nộp hồ sơ đợt 1, vẫn không có trường nào điều chỉnh như bộ yêu cầu. Bên cạnh đó, việc bỏ điểm sàn cho các trường cao đẳng sẽ tiếp tục thả lỏng đầu vào của hệ thống này, khiến số thí sinh thi đỗ có thể tăng lên nhưng chất lượng không được cải thiện, thậm chí còn theo chiều hướng ngược lại. Để giải quyết những bất cập mới này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có những giải pháp mang tính lâu dài chứ không phải theo cách “bịt chỗ nọ, hở chỗ kia” như đang làm.
VIỆT HÒA