Bộ Y tế hỗ trợ các tỉnh miền Trung bị thiệt hại do mưa lũ

16/10/2016 22:41

Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ chuẩn bị sẵn các cơ số thuốc, thiết bị, phương tiện phòng chống lụt, bão.



Hội Chữ thập Đỏ tỉnh Hà Tĩnh cứu trợ bà con xã Phương Điền, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. (Ảnh: Mỹ Bình/Vietnam+)


Trước tình hình mưa lũ phức tạp tại các tỉnh miền Trung, ngày 16-10, Bộ Y tế đã có công điện gửi Sở Y tế các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ và các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế khu vực Bắc Trung bộ triển khai công tác y tế khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.

Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Trung bộ và các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế khu vực phía Bắc tiếp tục theo dõi sát diễn biến của thời tiết sau bão và xây dựng kế hoạch ứng phó kịp thời khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra, đề phòng lũ lớn, sạt lở đất, lũ quét đối với các khu vực miền núi, ngập úng ở vùng trũng.

Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh trên tiếp tục triển khai các phương án bảo vệ hoặc di dời cơ sở y tế để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, cán bộ y tế cũng như trang thiết bị y tế tại các vùng trũng, thấp và vùng có nguy cơ ngập úng, sạt lở đất.

Bên cạnh chỉ đạo các cơ sở y tế triển khai công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại những nơi bão đã đi qua, đề phòng dịch bệnh có thể phát sinh sau mưa lũ như sốt xuất huyết, tiêu chảy, đau mắt đỏ, Sở Y tế các tỉnh cần phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm, thuốc, hóa chất vệ sinh môi trường...

Sở Y tế các tỉnh đẩy mạnh công tác truyền thông hướng dẫn người dân trong vùng bị ảnh hưởng cách vệ sinh trong sinh hoạt hàng ngày, ăn chín uống sôi, khử trùng nguồn nước, giữ gìn vệ sinh phòng tránh những bệnh truyền nhiễm và phát sinh mầm bệnh; chỉ đạo các cơ sở y tế tổ chức trực ban, trực cấp cứu, sẵn sàng thu dung và cấp cứu cho nạn nhân bị ảnh hưởng do mưa bão, úng lụt, sạt lở đất, lũ quét gây ra. Các đội cấp cứu cơ động luôn trong trạng thái sẵn sàng ứng cứu cho tuyến dưới khi có lệnh, tham gia trực tiếp cùng tổ công tác của các cấp chính quyền nhằm khắc phục hậu quả những nơi bị ảnh hưởng nặng hoặc bị chia cắt, cô lập.

Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ chuẩn bị sẵn các cơ số thuốc, thiết bị, phương tiện phòng chống lụt, bão và phân công các đội y tế cơ động, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả do mưa, lũ, sạt lở đất, lũ quét gây ra.

Liên quan đến công tác hỗ trợ ngành y tế các tỉnh miền Trung, trong sáng 16-10, Bộ Y tế đã có công văn gửi Công ty Cổ phần Y tế Danameco, Công ty Cổ phần Dược Trung ương 3 và Công ty Cổ phần Thiết bị y tế Medinsco yêu cầu các công ty này hỗ trợ Sở Y tế Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An và Thanh Hóa mỗi tỉnh 200 phao tròn cứu sinh, hai phao bè cứu sinh, 50 cơ số thuốc phòng chống lụt bão, 100.000 viên khử khuẩn CloraminB, 125 áo phao cứu sinh; riêng Sở Y tế tỉnh Quảng Bình được hỗ trợ thêm hai nhà bạt 16m2.



Nhân viên y tế xử lý giếng nước bằng hóa chất khử khuẩn tại vùng lũ của tỉnh Quảng Nam. (Ảnh: Hữu Trung/TTXVN)


Ngoài ra, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã đưa ra khuyến cáo trong việc tổ chức bữa ăn cho người dân vùng bão, lũ bảo đảm dinh dưỡng và an toàn thực phẩm, giúp người dân có sức khỏe, nhanh chóng ổn định cuộc sống, phòng tránh được một số bệnh tật có thể mắc phải.

Việc có đủ thực phẩm để ăn no, đủ năng lượng trong các vùng lũ lụt là điều rất khó khăn. Vì vậy, người dân có thể sử dụng nhiều loại thực phẩm trong nhóm lương thực và các sản phẩm chế biến như: mỳ tôm, bánh đa khô...

Người dân nên ăn đủ dinh dưỡng với đại diện của 4 nhóm thực phẩm như nhóm lương thực gồm gạo, mỳ, ngô, khoai, sắn, mỳ tôm, bánh đa khô, bánh mỳ, khoai, củ các loại; Nhóm chất đạm với thịt, trứng, cá, tôm, cua, trai, ốc, đậu đỗ, vừng lạc...

Bà con có thể tận dụng các thực phẩm từ nguồn ao, hồ, sông, đồng ngập nước (cá, tôm, lươn, ốc, ếch...); nhóm chất béo như dầu, mỡ.

Ngoài ra người dân có thể dùng đậu phụ, sữa đậu nành, vừng, lạc là những thức ăn giàu chất béo. Nhóm vitamin và chất khoáng như: rau xanh, quả chín là nguồn cung cấp chủ yếu vitamin và chất khoáng trong bữa ăn.

Các loại rau gia vị có nhiều vi khoáng, kháng sinh thực vật, nhiều loại tinh dầu thơm có tác dụng kích thích ăn ngon miệng, làm tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Cục An toàn thực phẩm cũng khuyến cáo, bữa sáng, bữa trưa coi là bữa chính, bữa tối không nên ăn quá no và quá muộn.

Thức ăn phải an toàn, không bị nhiễm hóa chất độc, không bị nhiễm giun hay nhiễm khuẩn, không được là nguồn gây bệnh. Ăn uống mất vệ sinh sẽ sinh bệnh, nên trong bất cứ hoàn cảnh nào, kể cả khi thiếu thốn, khó khăn cũng phải đảm bảo an toàn vệ sinh.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bộ Y tế hỗ trợ các tỉnh miền Trung bị thiệt hại do mưa lũ