Trả lời trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nói về tổng thể thì không nhưng trong một số trường hợp cụ thể là có tình trạng lợi ích nhóm trong quy hoạch.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý |
“Quy hoạch đô thị rất thiếu tầm nhìn”
Tại phiên chất vấn đang diễn ra sáng 16.8, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý, ủy viên thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội, cho rằng quy hoạch đô thị ở nước ta rất thiếu tầm nhìn.
“Bằng chứng là đô thị nào cũng có vấn đề về ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông, nhà siêu mỏng, siêu méo, tình trạng sân golf trong sân bay, đường cong mềm mại…”, bà Thúy nói.
“Xin hỏi bộ trưởng là để xảy ra tình trạng trên thì có chuyện nhờ nắm trước quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch để trục lợi không?”
Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) cũng phản ánh bức xúc của cử tri trước tình trạng xây dựng không phép, sai phép, lấn chiếm đất công, đặc biệt là lấn chiếm đất quốc phòng, an ninh…
Bà Thủy hỏi: “Chúng ta có hệ thống thanh tra, kiểm tra nhưng xử lý chưa nghiêm. Trách nhiệm của bộ trưởng thế nào, trong thời gian tới có xử lý nghiêm sai phạm được không?”
“Cái thì ngắn quá, cái thì dài quá”
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà thừa nhận các hạn chế trong quy hoạch, mà nổi bật là tầm nhìn quy hoạch.
“Tầm nhìn của quy hoạch chưa đảm bảo, có cái thì ngắn quá, có cái thì dài quá. Thứ hai là tính thống nhất, đồng bộ giữa các quy hoạch chưa tốt. Thứ ba, việc tính toán các điều kiện thực hiện chưa đảm bảo, đặc biệt là nguồn lực và tiến độ, do đó dẫn đến có tình trạng là quy hoạch treo”, bộ trưởng Phạm Hồng Hà nói.
Một hạn chế khác là tổ chức thực hiện quy hoạch còn chậm, không đồng bộ, cái cần làm trước lại làm sau, lẽ ra làm cái này thì lại làm cái khác, bộ trưởng thẳng thắn thừa nhận.
“Ba là việc công khai, minh bạch trong quy hoạch chưa tốt. Bốn là giám sát cộng đồng còn hạn chế. Năm là thanh tra, kiểm tra hiệu quả chưa cao, xử lý một số vụ chưa kịp thời, tạo tiền lệ không tốt cho những vụ việc sau”, ông Phạm Hồng Hà nói.
“Tôi đồng ý với đại biểu Kim Thúy là có những lúc chúng ta buông lỏng quản lý quy hoạch, để lại hậu quả như đại biểu nói là lấn chiếm, gian dối, vi phạm”.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà |
Trả lời câu hỏi “có trục lợi không?”, bộ trưởng cho rằng về cơ bản tổng thể thì không có, nhưng ở một số trường hợp cụ thể, có biểu hiện trục lợi, lợi ích nhóm trong công tác quy hoạch.
“Chúng tôi cũng sẽ quan tâm đến vấn đề mà dư luận đang bức xúc, đó là việc điều chỉnh quy hoạch có biểu hiện lợi ích nhóm. Chúng tôi sẽ đề xuất biện pháp để tránh việc điều chỉnh tuỳ tiện và trục lợi trong quá trình điều chỉnh”, bộ trưởng nói.
Ông Phạm Hồng Hà cũng thừa nhận thực tế có nhiều vi phạm trong xây dựng như xây dựng không phép, sai phép. Tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội thời gian qua nhờ xử lý quyết liệt nên tỉ lệ vi phạm có giảm so với trước.
“Vẫn có tình trạng có những vụ việc vi phạm mà chỉ khi báo chí, người dân phản ánh thì cơ quan chức năng mới vào cuộc. Có những vụ vi phạm đã xử lý nhưng mức độ xử lý không tương xứng nên dư luận lại bức xúc”, bộ trưởng Phạm Hồng Hà nói.
Bộ trưởng Xây dựng hứa tiếp tục chấn chỉnh công tác thanh tra, đổi mới phương pháp thanh tra để hoạt động này có hiệu lực, hiệu quả hơn, theo hướng chế tài xử lý phải đủ sức răn đe.
Để lấn chiếm đất đai là do quản lý lỏng lẻo Cùng tham gia trả lời chất vấn, bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà khẳng định đến nay đất đai đều được phân cấp quản lý, giao quyền quản lý và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các tổ chức, cá nhân. Ông thừa nhận thời gian qua có tình trạng lấn chiếm, sử dụng sai mục đích, gây bức xúc trong dư luận. “Ngay cả đối với đất quốc phòng, an ninh, nhà nước cũng giao quyền sử dụng cho các đơn vị, nhưng trong thực tế cũng có tình trạng quản lý không chặt chẽ nên người dân lấn chiếm, sử dụng”, ông Trần Hồng Hà nói. “Đất đô thị bị lấn chiếm cũng liên quan đến việc quản lý lỏng lẻo đất công của chính quyền phường, xã”. |
LÊ KIÊN (Tuổi trẻ)