Bộ trưởng Công an Tô Lâm trả lời chất vấn sáng nay 1.11: "Quy định về xử lý thông tin nặc danh trên mạng chưa đầy đủ".
Bộ trưởng Công an Tô Lâm
Làm thế nào để các thành viên Chính phủ hoạt động đều tay?
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) chất vấn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: "Tỉ lệ phiếu tín nhiệm của các thành viên Chính phủ cao thấp khác nhau. Đề nghị Thủ tướng cho biết có giải pháp gì đề hiệu quả hoạt động của các thành viên Chính phủ được đều tay?"
Đại biểu Bùi Ngọc Chương (Cà Mau) chất vấn việc một số xã được đầu tư và hoàn thành sớm chỉ tiêu nông thôn mới, trong khi một số xã ít được đầu tư hơn dẫn tới chưa hoàn thành. Xin Chính phủ cho biết quan điểm vấn đề này.
"Thi hành án phụ thuộc nhiều thứ, thẩm định tài sản, tính khả thi của bản án, và tính chủ động cán bộ thi hành án", ông Long nói. "Việc chậm thi hành án có nguyên nhân khách quan, do xét xử chậm. Có 300 quyết định thi hành án có kết luận xét xử không rõ ràng".
Bộ trưởng Tư pháp cũng cho biết trong quá trình tổ chức thi hành án phát hiện ra những bản án không khả thi, đương sự chống đối quyết liệt, ví dụ vụ Công ty Trần Phú (Vũng Tàu).
"Để khắc phục thì các bản án xét xử phải khả thi trong thi hành, và sự phối hợp các cơ quan địa phương, Bộ trưởng Lê Thành Long nói.
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) chất vấn lại: "Tôi hỏi về trách nhiệm trả lời các khiếu kiện, có khiếu kiện của đoàn 3 năm chưa trả lời, phải chăng tòa xem thường?"
Trả lời chất vấn về giải pháp chấm dứt những sai phạm, tiêu cực trong kỳ thi quốc gia như đã xảy ra thời gian qua, Bộ trưởng Giáo dục đào tạo Phùng Xuân Nhạ trình bày 3 nhóm giải pháp chính.
Thứ nhất, phải xây dựng được ngân hàng câu hỏi theo hướng phong phú về số lượng, nâng cao chất lượng. Theo đó sẽ tiêu chuẩn hoá, phân hoá đối với các nhóm học sinh.
"Đây là giải pháp trước mắt và lâu dài rất quan trọng mà quốc tế đang làm", Bộ trưởng Nhạ nói.
Thứ hai là cập nhật phần mềm quản lý thi và chấm thi, để những người muốn tiêu cực cũng không thể lợi dụng được.
Thứ ba, cũng là giải pháp căn cơ, là siết chặt quy trình tổ chức thi, đặc biệt là coi thi, chấm thi, phải chặt chẽ, công khai, minh bạch.
"Với 3 nhóm giải pháp, chúng tôi sẽ có độ chắc chắn trong kỳ thi quốc gia theo tinh thần trung thực, khách quan, tránh áp lực cho xã hội và tạo sự công bằng cho thí sinh", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cam kết.
“Giáo dục Việt Nam có triết lý chứ không phải không có”
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) rằng nền giáo dục Việt Nam có triết lý không, khi nào đưa ra được triết lý.
Phó Thủ tướng nói: "Đất nước chúng ta phát triển phải có triết lý, và nền giáo dục của chúng ta cũng phải có triết lý. Ví dụ, quốc hiệu của chúng ta là 'Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Độc lập - Tự do - Hạnh phúc', thì chúng ta đã thấy triết lý trong đó.
Giáo dục thì chúng ta đã nhiều lần nói rằng là để phát triển toàn diện con người với 'đức - trí - thể - mỹ'”.
Phó Thủ tướng nói đây cũng là 4 mục tiêu mà UNESCO nhắc đến khi đề cập đến giáo dục. Gần đây UNESCO đưa thêm mục tiêu thứ 5 là học để thay đổi mình và thay đổi thế giới.
"Tất cả những vấn đề này đã có trong nhiều nghị quyết, văn bản về giáo dục. Và tới đây, khi bàn sửa Luật Giáo dục, một trong những điều đầu tiên của dự án luật là mục tiêu giáo dục", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
"Chúng tôi đã thảo luận rất nhiều lần để cô đọng nhất những điều đưa vào mục tiêu, trong đó chứa đựng triết lý giáo dục Việt Nam. Tôi khẳng định lại là giáo dục Việt Nam có triết lý chứ không phải là không có triết lý".
Chính phủ sẽ cụ thể hoá quy định về từ chức
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình thay mặt Chính phủ trao đổi với các đại biểu Quốc hội về vấn đề từ chức theo tinh thần của Hội nghị Trung ương 8.
Theo Phó Thủ tướng, từ chức là việc tự nguyện, nếu thấy mình không đủ sức khoẻ, điều kiện hoặc có vi phạm.
"Trong Luật Cán bộ công chức thì có các hình thức xử lý cán bộ nhưng chưa có hình thức từ chức. Sau Hội nghị Trung ương 8, Chính phủ sẽ cụ thể hoá vấn đề từ chức bằng văn bản, nghị định hướng dẫn cụ thể", Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình nói.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực, việc từ chức sắp tới sẽ có các hình thức: tự nguyện, nếu có vi phạm, hoặc bỏ phiếu tín nhiệm không đạt bị bãi nhiệm…
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời chất vấn về tình trạng làm giả bệnh án tâm thần để trốn án.
Bộ trưởng Tiến cho biết thời gian qua đã phát hiện ra 2 trường hợp có Bệnh viện Tâm thần trung ương phối hợp làm bệnh án tâm thần giả, đến nay cơ quan điều tra đang làm rõ và chưa có kết luận.
"Chúng tôi đã triệu tập cả hệ thống các bệnh viện tâm thần, giám định pháp y tâm thần xem lại quy trình chẩn đoán, phát hiện làm bệnh án chuyên môn đã được ban hành", Bộ trưởng Y tế nói.
"Tuy nhiên làm giả bệnh án tâm thần, có một loại do các bệnh viện xác định để đưa vào điều trị tại bệnh viện, loại thứ hai là giám định bệnh án tâm thần với các loại tội phạm khi cơ điều tra đã lập án, tòa đã xử".
Những đối tượng đang thụ án muốn giám định phải qua Viện Giám định pháp y chứ không phải hệ thống bệnh viện. Thường giám định các đối tượng này có công an cùng vào viện, và đây mới là các đối tượng muốn làm giả bệnh án tâm thần.
"Thời gian tới Bộ Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an xử lý nghiêm việc phối hợp làm giả bệnh án tâm thần để chạy án", Bộ trưởng Tiến cam kết.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng Bộ trưởng Y tế đã trả lời rất rõ, yêu cầu Bộ Công an xử lý nghiêm các trường hợp án hình sự chạy bệnh án tâm thần để thoát tội, ngăn chặn tái diễn.
"Hiện người dân, dư luận rất bức xúc với tình trạng chạy án tâm thần giả để trốn tránh trách nhiệm hình sự", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Sẽ không đưa ra thị trường sim giá rẻ
Bộ trưởng TTTT Nguyễn Mạnh Hùng tiếp tục đăng đàn để trả lời tranh luận của đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) đưa ra chiều qua về vấn nạn sim rác kéo dài.
Đại biểu Hồng nói vấn đề sim rác đã qua thời hai Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn mà vẫn tiếp diễn, trong đó Viettel là một trong những doanh nghiệp cung cấp nhiều sim rác.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói: "Sim rác chưa có trong khái niệm pháp luật, chỉ hiểu là sim không rõ người dùng, không tìm ra người dùng. Có hai dạng sim rác, đã được kích hoạt tồn tại trên kênh phân phối và sim đã có người đang dùng rồi".
Giải pháp căn cơ chặn sim rác, theo Bộ trưởng Hùng là phải đăng ký đầy đủ thông tin, kết hợp cơ sở dữ liệu về căn cước công dân như số chứng minh thư, ảnh, vân tay, để khi đăng ký đúng người, đúng sim.
"Khi chưa có cơ sở dữ liệu căn cước, Bộ TTTT đã triển khai một số giải pháp như thu hồi sim rác. Cuối năm 2016, các nhà mạng đã thu hồi sim rác sẵn trên kênh phân phối, năm 2017 thu hồi được 24 triệu sim rác, trong đó gần 50% thuộc nhà mạng Viettel", Bộ trưởng Hùng cho biết.
"Thứ hai là đăng ký lại thông tin thuê bao bắt đầu từ tháng 7.2017. Những thuê bao không đủ thông tin, không đăng ký lại kiên quyết cắt dịch vụ".
Sắp tới để ngăn chặn sim rác, bộ trưởng TTTT cho biết, bộ sẽ kiên quyết yêu cầu đăng ký đầy đủ thông tin, có chụp ảnh. Các nhà mạng cũng sẽ không đưa ra thị trường những sim giá rẻ để người dùng dùng sim thay thẻ điện thoại.
Bên cạnh đó sẽ áp dụng công nghệ xác thực định danh để xác thực chủ sim với ảnh, Bộ đã giao VNPT xây dựng công nghệ này.
Khó xử lý vì tính nặc danh
Phiên chất vấn sáng 1.11 đã mở đầu bằng câu trả lời của Bộ trưởng Công an Tô Lâm: "Vấn đề này [xúc phạm nhân phẩm trên mạng xã hội" chúng tôi đã phối hợp với Bộ TTTT và các cơ quan chức năng xử lý một số vụ việc, đối tượng nhưng vẫn còn khó khăn, vì tính nặc danh của thông tin trên mạng, vi phạm không chỉ trong nước, mà có tính quốc gia, xuyên quốc tế trên internet".
"Quy định về xử lý thông tin nặc danh trên mạng chưa đầy đủ, như vấn đề giám định thông tin vu khống cũng phải có thẩm định của cơ quan chức năng để xác định chứng cứ phạm tội", Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Về giải pháp, theo Bộ trưởng Công an, một là tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý đấu tranh chống hành vi tuyên truyền, xúc phạm danh dự, làm nhục, vu khống người khác trên mạng.
"Từ khi Luật An ninh mạng được thông qua, chúng tôi đã xây dựng văn bản hướng dẫn để xử lý tội phạm trên không gian mạng", Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Thứ hai là tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành để triển khai tuyên truyền, xử lý các hoạt động chống đối trên mạng.
Thứ ba là thực hiện công tác quản lý nhà nước, phối hợp Bộ TTTT ngăn chặn từ trong nước với gần 3.000 trang mạng trong nước có nội dung xấu, thanh tra xử lý đúng pháp luật các đối tượng cung cấp thông tin sai sự thật.
Yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ từ nước ngoài hợp tác với các yêu cầu xử lý thông tin xuyên tạc trên mạng cũng là một nội dung.
Thứ tư là tiếp tục thu thập chứng cứ về các đối tượng, tổ chức tuyên truyền chống đối nhà nước trên mạng, và vu khống xúc phạm danh dự trên không gian mạng.
Tại phiên chất vấn chiều 31.10, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đặt vấn đề lâu nay trên mạng xã hội một số cá nhân tự cho mình cái quyền muốn nói gì thì nói, muốn xúc phạm ai thì xúc phạm. Vừa qua, sau khi Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm các bộ trưởng, trong đó có những ý kiến nói rằng lấy phiếu như vậy thì "đại biểu của dân mà đi ngược lại lòng dân".
Đại biểu Cương hỏi Bộ trưởng Công an có cần xem xét xử lý hay không.
Trả lời chất vấn lần đầu tiên trong tư cách tư lệnh ngành thông tin truyền thông, tân Bộ trưởng TTTT Nguyễn Mạnh Hùng đã nói về xử lý tin sai, tin giả trên mạng xã hội.
"Mạng xã hội đã thực sự là xã hội, không phải ảo nữa, ảnh hưởng của nó là thực, rất thực, không nên bỏ trống trận địa này", Bộ trưởng TTTT nói.
"Chúng ta, người dân và đặc biệt là chính quyền, phải chủ động sống nhiều hơn trên không gian mạng, cái tốt nhiều thì sẽ đẩy lùi cái xấu. Giống như trong xã hội thực, cái tốt đang là dòng chảy chính, là chủ đạo".
Tuy vậy, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho rằng câu trả lời của bộ trưởng Hùng về những thông tin xúc phạm trên mạng xã hội "chưa phải là câu trả lời". Đại biểu Cương vẫn muốn gửi câu hỏi này đến Bộ trưởng Công an.
"Bình luận về người khác thì được, nhưng xúc phạm các bộ trưởng, xúc phạm Chính phủ thì phải bị xử lý", đại biểu Cương nói.
Theo Tuổi trẻ