Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen bày tỏ nghi ngờ về hiệu quả của thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung ký kết đầu năm ngoái.
“Theo quan điểm cá nhân tôi, việc áp thuế chống Trung Quốc đã không được cân nhắc, triển khai thật cẩn trọng. Thuế là đánh vào người tiêu dùng. Trong một số trường hợp tôi có cảm giác đòn trừng phạt thuế khiến người tiêu dùng Mỹ chịu thiệt hại. Còn hình thức thỏa thuận mà chính quyền tiền nhiệm đàm phán, ký kết không xử lý được những vấn đề cơ bản mà Mỹ đòi hỏi từ Trung Quốc”, bà Yellen nêu quan điểm khi trả lời phỏng vấn tờ Thời báo New York (New York Times) hồi tuần trước.
Đây có thể xem là tuyên bố rõ ràng đầu tiên của chính quyền Tổng thống Joe Biden về quan hệ hợp tác thương mại Mỹ-Trung, cho thấy phía Mỹ đánh giá thực chất ra sao về thỏa thuận giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tới đây, ông Biden sẽ phải đưa ra quyết định về việc có tiếp tục giữ thỏa thuận, hay sẽ hủy bỏ, hoặc là thay thế bằng một thỏa thuận mới.
18 tháng sau khi ký kết, thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn một vẫn chỉ dừng lại ở một dạng thỏa thuận đình chiến, với việc hai bên không leo thang đối đầu, nhưng vẫn giữ trừng phạt thuế. Tuy nhiên, đây cũng được xem là một lĩnh vực ổn định hiếm hoi trong quan hệ Mỹ-Trung vốn tiếp tục xấu đi thời gian qua, với các thẳng gia tăng trong vấn đề Hong Kong, nhân quyền, điều tra nguồn gốc COVID-19…
Về phần mình, chính phủ Trung Quốc về cơ bản ca ngợi, đánh giá cao thỏa thuận thương mại. Phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Gao Feng hồi tuần trước khẳng định thỏa thuận thương mại giai đoạn một tốt cho cả Mỹ, Trung Quốc và cả thế giới.
Tuy nhiên, một số học giả lại tỏ ra bi quan về tương lai của thỏa thuận. “Sự bình lặng tạm thời hiện nay không báo hiệu những ngày huy hoàng, mà là giông bão ở phía trước. Mỹ vẫn đang rà soát chính sách với Trung Quốc và có thể chính quyền ông Biden sẽ hành xử quyết liệt hơn vào cuối năm nay”, ông Zhou Xiaoming, cựu quan chức ngoại giao, thương mại Trung Quốc nói.
Trên thực tế, thỏa thuận không giúp giảm thâm hụt thương mại của Mỹ trước Trung Quốc – một mục tiêu then chốt mà ông Donald Trump từng đưa ra. Xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc đạt mức kỉ lục trong quý 1 vừa qua, nhưng nhập khẩu hàng hóa của Mỹ từ đại lục cũng tăng mạnh khi nhu cầu mua sắm của người Mỹ tăng trở lại sau khi mở cửa trở lại nền kinh tế, các gia đình nhận được khoản tiền trợ cấp từ chính phủ từ gói cứu trợ chống COVID-19.
Theo báo Tin tức