Chuyên cơ chở người đứng đầu Lầu Năm Góc đã hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, Hà Nội. Việt Nam là điểm dừng chân thứ hai của ông Mattis tại Đông Nam Á, sau Indonesia.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis thăm Cơ quan Tìm kiếm tù binh và người mất tích thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ (DPAA) tại Hà Nội. Đây là hoạt động đầu tiên của ông trong chuyến thăm Việt Nam - Ảnh: NGUYỄN GIANG
Tôi muốn ngồi xuống và nói chuyện với Việt Nam, muốn hiểu rõ hơn về các bước đi thực chất hai nước có thể thực hiện, hướng tới một mối quan hệ hợp tác và tin tưởng
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ JAMES MATTIS
Chuyến thăm Việt Nam của ông Chủ Lầu Năm Góc với nhiều hoạt động diễn ra trong hai ngày 24, 25-1 theo lời mời của Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch.
Nhiều hoạt động
Chiều 24-1, ông James Mattis đến thăm Cơ quan Tìm kiếm tù binh và người mất tích thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ (DPAA) và có buổi trò chuyện với các nhân viên DDPA.
Ngày 25-1, tại Trụ sở Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch sẽ chủ trì lễ đón Bộ trưởng James Mattis. Sau đó, đoàn đại biểu hai nước sẽ tiến hành hội đàm.
Theo lịch trình dự kiến, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch sẽ giới thiệu với Bộ trưởng James Mattis triển lãm ảnh về kết quả hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh và giữ gìn hòa bình Liên Hiệp Quốc giữa hai nước.
Cùng ngày, Bộ trưởng James Mattis sẽ gặp chào xã giao Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Bộ trưởng James Mattis đến thăm Cơ quan Tìm kiếm Tù binh và Người mất tích thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ (DPAA) tại Hà Nội chiều 24.1 - Ảnh: NGUYỄN GIANG
Không nghĩ nhiều đến quá khứ
Giới phân tích đang tỏ ra quan tâm đến chuyến công du của nhà lãnh đạo quốc phòng Mỹ. Bộ trưởng Mattis đã hé mở những gì ông mong muốn đạt được trước khi đến Việt Nam.
"Quý vị đã biết về lịch sử giữa Mỹ và Việt Nam. Nó đã từng là khúc mắc rất khó giải quyết trong quá khứ. Nhưng mối quan hệ mới là rất đáng tin cậy. Việt Nam đã nhận các tàu tuần duyên lớp Hamilton từ Mỹ và tỏ ra quan tâm thêm một số tàu nữa", ông Mattis nói với báo chí khi đang ở Indonesia ngày 22-1.
Đồng thời kỳ vọng chuyến công du sẽ giúp ông làm rõ thêm nhiều vấn đề.
"Tôi cần nghe Việt Nam nói chuyện, muốn biết quan điểm của họ về những gì đang diễn ra, về cách họ duy trì chủ quyền đối với lãnh thổ trên biển và vùng đặc quyền kinh tế", ông nói.
"Đến (Việt Nam) ngay dịp kỷ niệm 50 năm sự kiện Xuân Mậu Thân 1968, ông có muốn nói gì về điều này? Nước Mỹ có rút ra được bài học gì?", một phóng viên Mỹ hỏi khó ông Mattis.
"Tôi không nghĩ nhiều đến quá khứ", ông Mattis trả lời.
"Tôi đã từng tiếp người đồng cấp Việt Nam (Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch) tại thủ đô Washington. Thật lòng mà nói, chúng tôi đã bàn luận rất nhiều về hiện tại và quá khứ. Dù chưa có giải pháp thực chất, đó là cuộc gặp của những người hướng về tương lai trong tâm thế không bị ức chế bởi quá khứ" - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói.
Tiếp nối "Biên bản ghi nhớ hợp tác quốc phòng" năm 2011 giữa Việt Nam và Mỹ, năm 2015, hai nước ký "Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng", cuộc gặp tại Hà Nội là lần thứ 3 ông Mattis gặp Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch.
Theo Bộ trưởng Mattis, ông mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ quốc phòng với Việt Nam, nhưng cần lắng nghe để biết Việt Nam mong muốn hợp tác trong lĩnh vực nào, như đào tạo sĩ quan chuyên nghiệp hay các khóa huấn luyện chung.
Chuyến thăm của ông Mattis diễn ra một ngày sau khi Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink cùng chứng kiến lễ ký biên bản ghi nhận ý định giữa Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ và Cục Khoa học Quân sự (Bộ Quốc phòng Việt Nam) về xử lý ô nhiễm đi-ô-xin ở khu vực sân bay Biên Hòa, ngày 23-1.