Giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội chiều 26.10, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tập trung vào 2 vấn đề nổi cộm của ngành: biên chế giáo viên và sự rối rắm xung quanh sách giáo khoa.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ - Ảnh: VTV
Theo Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), chuyện của ngành ông thời gian qua muốn khắc phục cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, mọi người mọi nhà.
"Độ trung thực của thi cử thì năm nào cũng xảy ra chuyện này chuyện nọ"
Ông Nhạ đề cập đến tình trạng tiêu cực trong thi cử, điển hình là vụ gian lận "động trời" xảy ra tại kỳ thi THPT vừa qua: Việc tổ chức thi THPT là cần thiết để phục vụ hai mục đích - đánh giá chất lượng học sinh và làm cơ sở để các trường ĐH, CĐ làm cơ sở xét tuyển. Thực tế thời gian qua kỳ thi đã phát huy được rất nhiều mặt tích cực.
Bộ trưởng nhấn mạnh mục tiêu, quan điểm khi tổ chức thi THPT theo hướng 2 trong 1 là nhằm giảm chi phí thi cử, hướng đến một kết quả trung thực, khách quan. Việc thi cử này cũng gắn liền với lộ trình thay đổi sách giáo khoa, đánh giá đúng học lực của học sinh sau 12 năm theo học.
Trong kỳ thi 2 trong 1, Bộ GD-ĐT nhận định công tác tối quan trọng là khâu làm đề thi, bảo mật, tổ chức chấm thi, thanh tra. Tất cả các khâu này đều phải thực hiện theo một quy trình nghiêm ngặt.
Qua các năm tổ chức thi 2 trong 1 thì cơ bản cách thi này đã đạt được mục tiêu giảm tốn kém, giảm áp lực. Mặt khác, thực tiễn cũng cho thấy là kỳ thi đã giảm bớt tiêu cực, giảm quay cóp.
"Về tính trung thực thì thi cử là phải trung thực, theo chúng tôi quan sát thì độ trung thực kỳ thi nào cũng vi phạm, cũng có vấn đề. Đặc biệt là kỳ thi vừa rồi đã xảy ra vụ việc gian lận điểm và hiện nay bộ đã cùng các đơn vị đang tập trung xử lý", ông Nhạ nói.
Theo ông, hiện vụ việc đã được bộ báo cáo Chính phủ, Bộ Công an và các cơ quan đang làm và tới đây sẽ còn làm tiếp với tinh thần "đã sai là sửa". Về góc độ cá nhân của mình với vụ việc này, ông Nhạ nói ông "phản đối và kiên quyết chống tiêu cực thi cử".
"Hiện bộ đã tổ chức rà soát quy trình thi và chấm thi. Qua đó cho thấy quy trình thì đầy đủ nhưng các khâu sau thì có những việc ngoài dự tính. Phần mềm công nghệ mã hoá code đề thi có sơ hở để có kẻ xấu lợi dụng khai thác. Hiện bộ cũng đã họp các giám đốc sở để quán triệt, kỷ luật rút kinh nghiệm các thành viên có liên quan. Bộ cũng rút kinh nghiệm về nhiều vấn đề", ông Nhạ nói.
Về hướng ra cho kỳ thi năm tới, Bộ trưởng GD-ĐT cho biết bộ sẽ ra đề thi bám sát chương trình phổ thông, trên cơ sở phân hoá học sinh để bảo đảm hai mục tiêu: đảm bảo chất lượng trình độ THPT và lấy cơ sở để các trường xét tuyển.
"Làm sao hài hoà, tốt nhất có thể cho các đối tượng", Bộ trưởng Nhạ nói.
Sách giáo khoa: tập trung xử lý khâu thiết kế, biên soạn
Về câu chuyện sách giáo khoa (SGK), Bộ trưởng GD-ĐT cho rằng giao việc biên soạn, biên tập, chỉnh lý cho Nhà xuất bản GD để phát hành cho ngành. Tuy nhiên do trình độ các vùng miền có khác nhau, các thầy cô chỉ dựa vào SGK dẫn đến cứng nhắc trong cách dạy học, truyền thụ kiến thức cho học sinh.
"Nước ta việc quản lý chương trình SGK rất phức tạp, trình độ giáo viên cũng như học sinh các vùng miền cũng không giống nhau. Bộ GD-ĐT đã chủ động xây dựng một bộ và huy động các đơn vị có nguồn lực thì tham gia. Hiện nay chúng ta tiếp cận theo hướng SGK là một tài liệu quan trọng để hướng đến đầu ra", ông Nhạ nói
Về hướng khắc phục, ông Nhạ cho biết chương trình SGK hiện thiết kế theo hướng 80% dành cho cả nước và 20% dành cho vùng miền. Mới đây khi có ý kiến bức xúc của nhân dân, Bộ GD-ĐT cũng đã hướng dẫn các đơn vị điều chỉnh.
"Tới đây khi ban hành chương trình mới thì bộ sẽ chỉ đạo khắc phục các hạn chế, làm sao các sai sót bất cập phải ở mức thấp nhất, đặc biệt là khâu thiết kế", ông Nhạ khẳng định.
"Không thể tuyển dụng giáo viên theo biên chế cứng nhắc, cơ học"
Về câu chuyện biên chế giáo viên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết bộ chịu trách nhiệm về trình độ, quy chuẩn giáo viên. Riêng câu chuyện biên chế giáo viên thì trách nhiệm của các tỉnh, quan điểm của bộ là ưu tiên tuyển dụng giáo viên theo nhu cầu học ở các địa phương làm sao tốt nhất cho việc dạy học chứ không tuyển dụng cứng nhắc theo cơ cấu biên chế, quan điểm của bộ là làm sao đủ giáo viên để dạy.
"Đối với các tỉnh vùng sâu vùng xa thì không nên đưa học sinh vào các nơi khó khăn để bảo đảm trường lớp mà cần ưu tiên bố trí giáo viên, đi liền với đó là bảo đảm đời sống chế độ cho giáo viên. Chúng tôi rất mong muốn các tỉnh, địa phương chia sẻ điều này", ông Nhạ kết thúc phần giải trình của mình.
THÁI BÁ DŨNG (Tuổi trẻ)