Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, cần rà soát kỹ hơn việc sắp xếp, tái cấu trúc các cơ sở giáo dục trong thời gian 3 năm qua xem công tác này đã mang lại kết quả gì, thực trạng ra sao, cái gì cần phát huy, khắc phục?
Ngày 23.4, tại tỉnh Quảng Ninh, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức Hội nghị đánh giá công tác thực hiện sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên tại các địa phương giai đoạn 2017-2020.
3 năm sắp xếp, cả nước giảm 2.302 trường
Theo Bộ GD-ĐT, triển khai Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết 08 của Chính phủ, Bộ GD-ĐT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và thường xuyên, với mục tiêu: giảm đầu mối, khắc phục tình trạng manh mún, tinh giản biên chế gắn với việc cơ cấu lại, nâng cao chất lượng giáo dục. Việc rà soát, sắp xếp phải “phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của mỗi địa phương, địa bàn cụ thể”, do vậy các địa phương khác nhau có phương pháp, lộ trình tổ chức thực hiện khác nhau.
Sau 3 năm triển khai rà soát, sắp xếp, cả nước giảm 2.302 trường, tương đương 6,06% tổng số trường, trong đó: mầm non giảm 4,25%, tiểu học giảm 12,73%, THCS giảm 9,82%, THPT giảm 1,96%, trường phổ thông có nhiều cấp học tăng 88,64% (do sáp nhập để hình thành các trường liên cấp). Số điểm trường giảm 2.708 điểm trường, tương đương 6,65% số điểm trường hiện có. Giảm số lượng các Trung tâm Giáo dục thường xuyên cấp huyện từ 3 trung tâm/huyện xuống còn 1 trung tâm/huyện.
Tình trạng trường lớp có quy mô nhỏ và chất lượng giáo dục chưa cao đã dần được khắc phục. Hàng nghìn điểm trường đã được dồn ghép, sáp nhập vào các trường chính, nhiều trường có quy mô nhỏ được sáp nhập thành hệ thống các trường liên cấp có quy mô lớn hơn. Nhờ đó, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học được đầu tư tập trung, sử dụng hiệu quả hơn, giảm số lượng đơn vị sự nghiệp, tinh giản bộ máy, giảm số lượng cán bộ quản lý giáo dục và nhân viên phục vụ gián tiếp, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Mạng lưới trường lớp vùng dân tộc thiểu số được củng cố, phát triển từ mầm non đến phổ thông. Về cơ bản, không còn xã trắng về giáo dục mầm non, mọi thôn, bản đều có lớp mầm non.
Song song với việc rà soát, sắp xếp hệ thống các cơ sở giáo dục, việc bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đã thực hiện cơ bản hợp lý, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và theo đúng các quy định hiện hành.
Không rập khuôn, máy móc trong sắp xếp
Theo Bộ GD-ĐT, bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, quá trình triển khai tổ chức, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên cũng còn gặp không ít khó khăn, hạn chế. Tại một số địa phương, việc sắp xếp dựa trên mục tiêu giảm số lượng đơn vị sự nghiệp công lập được chú trọng hơn các yếu tố liên quan đến duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục, tạo sức ép cho ngành giáo dục khi thực hiện. Việc dồn lớp, sáp nhập hoặc xóa các điểm trường, sáp nhập điểm trường vào trường chính làm tăng tỷ lệ học sinh/lớp, tăng số lượng học sinh bán trú tại trường chính gây khó khăn trong công tác tổ chức dạy học, quản lý học sinh…
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế và tiếp tục triển khai có hiệu quả nhiệm vụ tổ chức, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trong giai đoạn tiếp theo, tại Hội nghị nhiều đề xuất, kiến nghị đã được Bộ GD-ĐT đưa ra. Trong đó, một trong những yêu cầu đối với các địa phương là phải xây dựng nguyên tắc, phương án thực hiện sắp xếp phù hợp với điều kiện thực tế và tuân thủ các quy định hiện hành có liên quan như Điều lệ trường học của các cấp (quy mô trường/lớp, sỹ số học sinh/lớp,…), tiêu chuẩn cơ sở vật chất trường mầm non, phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, tiêu chuẩn về tỷ lệ giáo viên/lớp.
Việc dồn lớp, sáp nhập hoặc xóa các điểm trường, sáp nhập điểm trường vào trường chính, sáp nhập các trường có quy mô nhỏ phải đảm bảo khoảng cách và điều kiện giao thông đi lại. Sau khi sắp xếp quy mô mạng lưới trường, lớp không làm giảm học sinh ra lớp ở các độ tuổi, đảm bảo tỷ lệ chuyên cần, không để tình trạng gia tăng học sinh bỏ học so với trước khi sắp xếp.
Xây dựng phương án bố trí lại đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên song song với quá trình sáp nhập, tách trường, thành lập trường mới theo hướng sử dụng những người có năng lực và tinh thần trách nhiệm cao. Việc xây dựng phương án, tổ chức bố trí lại đội ngũ phải đảm bảo công khai, dân chủ, minh bạch, làm tốt công tác tư tưởng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.
Ngoài ra, các địa phương cũng cần xem xét ban hành Đề án rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và thường xuyên. Đề án phải gắn với mục tiêu duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục, không áp dụng rập khuôn, máy móc với mục tiêu giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập, giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách cho các đơn vị sự nghiệp công lập.
“Làm như vậy có tốt hơn không?”
Đó là câu hỏi Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong muốn mỗi địa phương đặt ra khi quyết định thực hiện tổ chức, sắp xếp lại hệ thống cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên cũng như trong các vấn đề về giáo dục.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị
Bộ trưởng cho rằng, những vấn đề được đặt ra là rất lớn, hệ trọng, mang tính nền tảng, đó là toàn bộ hệ thống hạ tầng, tiềm lực của giáo dục, một phần quan trọng của việc đổi mới nhưng đó còn là sự quan tâm của xã hội, vai trò của chính sách với yếu tố nền tảng này.
Theo Bộ trưởng, cần rà soát kỹ hơn việc sắp xếp, tái cấu trúc các cơ sở giáo dục trong thời gian 3 năm qua xem công tác này đã mang lại kết quả gì, thực trạng ra sao, đâu là vấn đề cần khắc phục, đâu là thành quả cần phát huy. Đặc biệt, kết quả rà soát, đánh giá sẽ là cơ sở cho các kiến nghị về chính sách cho ngành.
Về phía Bộ GD-ĐT, Bộ trưởng cho biết, lãnh đạo Bộ sẽ có thêm các cuộc làm việc cụ thể hơn với một số tỉnh, thành phố để rà soát các vấn đề, tập hợp thông tin, phân tích tình hình, kiến nghị ở từng địa phương, qua đó cùng tháo gỡ.
Riêng về kiên cố hóa trường lớp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị, cần thực hiện có trọng tâm trọng điểm, có mục tiêu cụ thể, những gì làm được thì làm ngay, trong đó ưu tiên “số một” cho kiên cố hóa trường lớp ở bậc mầm non, bởi các cháu ở cấp học này rất nhỏ và rất nhiều nơi đang phải học tập trong điều kiện khó khăn.
“Những vấn đề được bàn hôm nay đều là thách thức lớn, vượt qua được những thách thức này cần sự ráo riết, quyết tâm, kiên trì, đồng sức, đồng lòng”, Bộ trưởng nói, đồng thời yêu cầu, vấn đề nào thuộc thẩm quyền ngành Giáo dục có thể giải quyết phải lên kế hoạch giải quyết ngay, những việc vượt quá thẩm quyền sẽ có kiến nghị ở tầm vĩ mô hơn", Bộ trưởng nêu rõ.
Theo VOV