Đã hơn hai tháng rồi bố tôi chưa về nhà. Tôi rất nhớ bố nhưng hơn cả nỗi nhớ là niềm tự hào vì bố tôi làm bác sĩ, đang ở tuyến đầu chống dịch Covid-19.
Đã hơn hai tháng rồi bố tôi chưa về nhà. Tôi rất nhớ bố nhưng hơn cả nỗi nhớ là niềm tự hào vì bố tôi làm bác sĩ, đang ở tuyến đầu chống dịch Covid-19. Bố chính là ngọn lửa tiếp thêm cho tôi sức mạnh để thực hiện ước mơ trở thành "cô bác sĩ xinh đẹp" như cái cách mà bố vẫn hay thường đùa trêu tôi.
Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, mỗi ngày lại có thêm những bệnh nhân mới. Bố tôi là bác sĩ công tác ở Khoa Truyền nhiễm của bệnh viện. Hằng ngày, bố tôi phải tiếp xúc, chăm sóc những người nghi nhiễm và nhiều người cách ly. Mặc cho bà nội than thở, sợ bố gặp nguy hiểm nhưng bố vẫn kiên quyết giục mẹ con tôi thu xếp đồ đạc cá nhân cho bố lên bệnh viện ở hẳn để có điều kiện chăm sóc bệnh nhân và không ảnh hưởng đến gia đình tôi. Bố dặn chị em tôi: "Coi như bố đi công tác dài ngày, các con ở nhà phải chăm ngoan. Bao giờ hết dịch thì bố sẽ về". Bố quay sang trấn an bà nội: “Mẹ ạ! Con là bác sĩ, mang trọng trách là giành lại sức khỏe và sự sống cho những người không may bị nhiễm bệnh. Mẹ cứ yên tâm, con biết cách giữ gìn". Bà tôi dù lo lắng nhưng vẫn gật đầu vì bà hiểu đó là nhiệm vụ.
Em tôi còn nhỏ mới 10 tuổi nên bố rất thương em. Nó cũng rất quấn bố. Từ hôm bố đi công tác, hôm nào nó cũng phụng phịu, luôn miệng hỏi khi nào bố về... Hôm nào nó cũng đòi mẹ gọi điện cho bố để nói chuyện. Bố bảo: "Ở bệnh viện ai cũng vất vả, mỗi người có công việc riêng của mình, người thì lấy mẫu xét nghiệm, người thì thăm khám cho bệnh nhân, lại còn phải thường xuyên động viên những người bị cách ly… Ai cũng phải mặc đồ bảo hộ kín mít. Lúc đầu cảm thấy ngứa ngáy khó chịu sau rồi cũng thành quen. Mỗi lần gọi điện về, bố không quên dặn: "Nhà mình nhớ nhé, bước chân ra đường là phải đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng…". Những lần sau hễ gọi Zalo về nhà, bố toàn phải gọi vào buổi tối, có hôm rất khuya, khi mà bố đã về phòng và được tháo lớp mặt nạ ra. Mặt bố nổi lên những vết hằn màu đỏ. Bố cười xòa, chỉ vào mặt mình: “Vết hằn này ăn thua gì, mấy cô bác sĩ, y tá còn phải hy sinh mái tóc dài đấy. Cái Quỳnh nếu muốn làm bác sĩ thì chuẩn bị tinh thần trước đi nhé”.
Từ nhỏ, ước mơ của tôi không phải trở thành bác sĩ. Tôi thích làm nhân viên văn phòng như mẹ cơ. Hết giờ hành chính là được về với gia đình, nấu nướng và tập yoga. Tôi không muốn phải đi trực ban đêm như bố. Thế nhưng càng lớn, càng hiểu công việc của bố, tôi lại có ước muốn trở thành bác sĩ. Đặc biệt từ lần tôi bị ốm phải đi viện, được tiếp xúc với các cô chú bác sĩ, y tá và được chăm sóc tận tình, tôi mới thấy làm bác sĩ tuy vất vả nhưng rất ý nghĩa.
Dịch Covid-19 hoành hành, cuộc sống bị đảo lộn. Tôi là học sinh lớp 12, nếu như theo đúng lịch mọi năm thì chỉ còn hơn hai tháng nữa là tôi bước vào kỳ thi quan trọng trong đời mình. Vậy mà do dịch bệnh nên lịch thi lùi lại, tôi còn gần bốn tháng để ôn thi. Bố gọi điện về nhà lần nào cũng nhắc nhở tôi ôn tập cho tốt, phải tự học trong hoàn cảnh khó khăn như thế này.
Tôi vẫn đang cố gắng từng ngày để mình đỗ được vào ngôi trường mơ ước, được làm đồng nghiệp của bố. Dẫu biết rằng quãng đường phía trước vất vả, gian nan nhưng bên cạnh tôi vẫn luôn có bố chỉ bảo, động viên, khích lệ. Mong rằng dịch bệnh sẽ sớm được ngăn chặn, bầu không khí sớm trong lành trở lại và chúng tôi lại được tung tăng đến trường, những "chiến binh áo trắng" bớt phần vất vả.
NGUYỄN THỊ QUỲNH ANH (Lớp 12B, Trường THPT Nam Sách)