Gần 23 năm bổ công sức sưu tầm me kiểng, một người đàn ông ở miền Tây sở hữu bộ sưu tập 23 gốc me cổ thụ "khủng", độc lạ.
Ông Nguyễn Hoàng Tuấn (44 tuổi, ngụ TP Sa Đéc, Đồng Tháp) đến với nghề sửa và sưu tầm cây kiểng từ năm 16 tuổi và được giới chơi cây kiểng miền Tây biết đến là nghệ nhân sửa kiểng cổ có tiếng.
Ông Tuấn có sở thích sưu tầm những loại cây có kích thước lớn, dáng độc lạ như cây sộp, vú sữa, khế…nhưng nhiều nhất là cây me.
Sau gần 20 năm đi khắp các miền từ Nam đến Bắc, ông Tuấn hiện sở hữu bộ sưu tập 23 cây me cổ với dáng thế “độc, lạ”, được xác lập kỷ lục bộ sưu tập me lớn nhất Việt Nam.
“Tôi thấy me cổ có giá trị cao, cổ quái, đẹp. Khi mua về chỉnh sửa tàn, chi… lá me nhỏ nên thấy rõ mồn một dáng thế, vẻ đẹp của cây. Thế là đam mê sưu tầm cho đến nay. Có lúc người ta chỉ tôi đi xem cả chục cây khắp các tỉnh thành trong nước, mỗi cây cách nhau hàng trăm km nhưng tôi không mua được cây nào. Bởi thế để có được bộ sưu tập này, tôi phải mất thời gian gần 20 năm”, ông Tuấn cho biết.
Theo ông Tuấn, hầu hết các cây me trong bộ sưu tập của ông đều có tuổi đời vài trăm năm tuổi, nổi u nần. Thân, cành nhiều đoạn hóa lũa với dáng thế độc đáo.
Mỗi cây me điều được ông Tuấn đặt tên dựa theo dáng thế, tuổi đời.
Trong đó, nổi bật là cây me “Song lão trường thọ” được xác lập kỷ lục cây có hai thân cùng một gốc đạt giá trị độc bản tại Việt Nam. Cây chiều cao 4,5m, đường kính tàn rộng 5m, hoành gốc đến 4,8m.
“Cây me “Song lão trường thọ” đã có nhiều trăm tuổi, thân u nần, xù xì, 2 thân trên cùng 1 gốc như đôi bạn già. Cây được tôi mua ở miền ngoài, vận chuyển hơn 1.200km mới đưa về tới vườn. Sau đó, tôi uốn, nắn tàn chi để cho ra tác phẩm hoàn chỉnh”, ông Tuấn chia sẻ.
Hiện vườn me cổ thụ của ông Tuấn thu hút nhiều người đam mê cây cảnh đến tham quan, chiêm ngưỡng. Ai cũng phải trầm trồ trước bộ sưu tập có một không hai này.
Theo VTC New