Bổ sung lực lượng cho tổ chức đoàn ở thôn, khu dân cư

10/08/2013 08:26

“Bài toán” thiếu người trong hoạt động đoàn ở thôn, khu dân cư sẽ được giải quyết khi thực hiện quy định mới của Điều lệ Đoàn...



Đoàn viên thanh niên tham gia bắt ốc bươu vàng ở xã Hùng Sơn (Thanh Miện)


Hiện nay, phần lớn các đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) đều đi làm ăn xa hoặc trong các công ty gần nhà, không có thời gian tham gia sinh hoạt Đoàn. Nhiều Chi đoàn thôn, khu dân cư chỉ có “bộ khung” Ban Chấp hành. Chính vì vậy nên việc duy trì nền nếp sinh hoạt theo Điều lệ Đoàn rất khó khăn, hầu như các chi đoàn không thể tổ chức sinh hoạt một lần/tháng. Ngoài nguyên nhân ít đoàn viên, thì năng lực của cán bộ đoàn ở cơ sở còn nhiều hạn chế, nội dung sinh hoạt còn nghèo nàn, hoạt động thất thường chỉ tập trung vào những đợt cao điểm, thậm chí nhiều nơi còn làm theo phong trào, không đi vào chiều sâu cũng là nguyên nhân chính. Mặt khác, cơ sở vật chất hoạt động thiếu thốn, không có địa điểm sinh hoạt và thiếu kinh phí hoạt động... cũng là một trở ngại.

Nhằm nâng cao chất lượng tổ chức đoàn ở cơ sở, Điều lệ Đoàn (khóa X) quy định: “Đoàn viên có trách nhiệm tham gia sinh hoạt Đoàn ở nơi cư trú”. Việc thực hiện nội dung mới của Điều lệ Đoàn sẽ góp phần bổ sung nguồn lực cho tổ chức đoàn ở khu dân cư, đáp ứng nguyện vọng của đoàn viên. Bởi nếu trước đây chỉ có đối tượng đoàn viên là học sinh, sinh viên mới thực hiện việc sinh hoạt đoàn hai chiều, thì nay các đối tượng đoàn viên như cán bộ, công chức làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, công nhân, lao động trẻ, lực lượng vũ trang nhân dân… đều phải tham gia sinh hoạt tại nơi cư trú. Anh Trần Đình Hải, Bí thư Đoàn thị trấn Nam Sách cho biết, nếu thực hiện đúng theo hướng dẫn, Đoàn thị trấn sẽ có thêm từ 50-60 đoàn viên về sinh hoạt tại các khu dân cư. Điều này sẽ giúp giải “bài toán” thiếu người trong hoạt động đoàn ở thôn, khu dân cư, có thể huy động nguồn lực tham gia các hoạt động tình nguyện tại địa phương. Mặt khác, việc quy định mỗi đoàn viên phải tham gia sinh hoạt, hoạt động của đoàn ít nhất 5 buổi/năm (các hoạt động này chủ yếu sẽ diễn ra vào ngày nghỉ lễ, Tết, ngoài giờ làm việc...) sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều bạn đoàn viên là công nhân, lao động trẻ tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh có cơ hội được tham gia sinh hoạt trong tổ chức đoàn, được phấn đấu, rèn luyện.

Theo hướng dẫn, mỗi đoàn viên khi tham gia sinh hoạt tại nơi cư trú đều được nhận xét, đánh giá về quá trình tham gia sinh hoạt Đoàn tại nơi cư trú để phục vụ các hoạt động học tập, rèn luyện, phấn đấu của đoàn viên như giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp, nhận xét, đánh giá xếp loại đoàn viên hằng năm… Chị Nguyễn Thị Quỳnh, công nhân Công ty May Tinh Lợi, trọ tại xã Ái Quốc (TP Hải Dương) cho biết: “Tại nơi tôi làm việc không có tổ chức đoàn. Với quy định này, tôi có thể sinh hoạt tại nơi cư trú, nếu tích cực tham gia công tác Đoàn, quá trình rèn luyện, phấn đấu tốt, tôi sẽ có cơ hội được kết nạp Đảng”.

Tính đến tháng 3-2013, toàn tỉnh có gần 94 nghìn đoàn viên, trong đó, có tới gần 69 nghìn đoàn viên là học sinh sinh viên, công chức, viên chức, công nhân. Như vậy sẽ có một số lượng lớn đoàn viên về sinh hoạt tại nơi cư trú, bổ sung số lượng đoàn viên cho chi đoàn tại địa phương. Tuy nhiên, tập trung họ vào tổ chức đoàn đã khó nên để giữ đoàn viên gắn bó với tổ chức đoàn lại càng khó. Điều này đòi hỏi chi đoàn các thôn, khu dân cư cần phải đổi mới từ nội dung đến hình thức sinh hoạt phù hợp với các đối tượng đoàn viên. Trước hết, các chi đoàn thôn, khu dân cư, nhất là ở nông thôn, cần xây dựng đội ngũ lãnh đạo vững vàng về lý luận chính trị, kỹ năng nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công tác tập hợp, đoàn kết ĐVTN. Trong sinh hoạt, chi đoàn cần có kế hoạch, nội dung công tác cụ thể hằng tháng, xây dựng và thực hiện quy chế làm việc khoa học, dân chủ, có phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong chi đoàn, đặc biệt đề cao trách nhiệm của Bí thư Chi đoàn, nhằm phát huy cao nhất năng lực, sự đóng góp của ĐVTN thực hiện nhiệm vụ chính trị và tham gia xây dựng chi đoàn vững mạnh. Các chi đoàn chủ động đăng ký làm việc với chi ủy, ban công tác mặt trận, xung kích đảm nhận các công trình, phần việc thanh niên liên quan tới công tác vệ sinh môi trường, chỉnh trang đô thị, quản lý và chăm sóc thiếu niên, nhi đồng trong dịp hè... Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn ở cơ sở cũng cần xây dựng các mô hình, câu lạc bộ tập hợp ĐVTN như câu lạc bộ “Giúp nhau lập nghiệp”, câu lạc bộ theo sở thích... Thông qua những hoạt động cụ thể sẽ phát huy được tính chủ động, sáng tạo của mỗi ĐVTN, giúp họ thêm gắn bó với tổ chức đoàn, đồng thời nâng cao chất lượng sinh hoạt Đoàn ở cơ sở.

THANH HOA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bổ sung lực lượng cho tổ chức đoàn ở thôn, khu dân cư