Nhận thấy bất cập từ thực tiễn của bộ máy chính quyền quản lý xã hội và đời sống người dân, Đà Nẵng kiến nghị Trung ương cho phép được bỏ HĐND cấp xã phường, quận huyện.
Quang cảnh hội thảo về đánh giá thực trạng tổ chức chính quyền các cấp ở Đà Nẵng sáng 11.10 - Ảnh: TẤN LỰC
"Thực tế HĐND quận, phường chưa thực sự phát huy vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Còn ở khu vực nông thôn đang trong quá trình đô thị hóa, sự tồn tại của HĐND xã ở mức độ nào đó làm phân tán, cắt khúc bộ máy chính quyền địa phương thành nhiều tầng cấp khác nhau", Ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng nêu thực tế này tại hội thảo "Đánh giá thực trạng tổ chức, hoạt động chính quyền các cấp và đề xuất đổi mới theo mô hình chính quyền đô thị tại Đà Nẵng" sáng 11.10.
Giảm biên chế, chi phí
Theo ông Đồng, tháng 4.2009, Đà Nẵng đã được Quốc hội cho phép triển khai thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND tại 7 quận, huyện với 45 phường và đến năm 2016 dừng lại. Việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND đã cho thấy có tính thống nhất và thông suốt của bộ máy nhà nước các cấp.
"UBND các quận, huyện, phường không có HĐND hoạt động ổn định, quyền làm chủ của nhân dân vẫn được phát huy. Hiệu quả thể hiện rõ nhất là việc giảm biên chế và bộ máy trung gian, giảm chi phí hành chính" - ông Đồng nói.
Theo đánh giá của ông Đồng, khi không tổ chức HĐND quận, huyện, phường, tính chủ động trong chính quyền được nâng lên một bước, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính được chú trọng, quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực có hiệu lực, hiệu quả.
Các cấp lãnh đạo, quản lý tại địa phương, thành phố vẫn thường xuyên trực tiếp đối thoại với nhân dân, lắng nghe những tâm tư, kiến nghị cũng như kịp thời xử lý các vấn đề bức xúc trong nhân dân.
Ông Đồng cho rằng cơ cấu tổ chức bộ máy HĐND và UBND các cấp hiện nay còn bộc lộ một số bất hợp lý, đang tồn tại nhiều cấp, nhiều tầng nấc trung gian, chưa thực sự tinh gọn, hiệu quả theo tinh thần cải cách hành chính nhà nước.
Ngoài ra, thẩm quyền của HĐND ở cấp huyện và nhất là cấp xã, về thực chất chưa quyết định được những vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội trên địa bàn. Các vấn đề về quy hoạch, đầu tư, kết cấu hạ tầng đô thị, tài chính - ngân sách, tổ chức - nhân sự... chủ yếu do chính quyền thành phố quyết định.
Kỳ họp HĐND quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng tháng 6.2019 - Ảnh: TẤN LỰC
Đổi mới mô hình chính quyền đô thị
Tiến sĩ Nguyễn Huyền Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước (Bộ Nội vụ) cũng cho rằng hiện nay tổ chức bộ máy chính quyền đô thị vẫn còn nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối dẫn đến phân tán quyền lực và nguồn lực.
"UBND các quận, phường, trong khi có vai trò là cơ quan chấp hành của HĐND cùng cấp và cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, nhưng do tính hình thức của HĐND nên việc UBND chấp hành và tổ chức thực hiện các nghị quyết của HĐND cũng mang tính hình thức. Sự bất hợp lý, nhiều tầng nấc, phân tán, cắt khúc về mô hình tổ chức chính quyền đô thị là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến những rối rắm, trì trệ trong hoạt động quản lý điều hành của chính quyền đô thị" - bà Hạnh nhận định.
Từ thực tiễn bất cập trên, bà Hạnh đề nghị cần đổi mới mô hình tổ chức bộ máy chính quyền đô thị ở Đà Nẵng cũng như các thành phố lớn. Về nguyên tắc, mỗi đô thị dù lớn hay nhỏ chỉ nên có một cơ quan HĐND ở cấp toàn đô thị.
"Theo mô hình này, ở mỗi đô thị chỉ có một cơ quan HĐND, có vai trò quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội của đô thị. Còn tại các đơn vị hành chính nội bộ đô thị (quận, phường) chỉ có các cơ quan hành chính nhà nước, để thực thi các nhiệm vụ cụ thể của quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công trên từng địa bàn. Vì vậy, với thành phố trực thuộc Trung ương, các quận, phường không tổ chức HĐND" - bà Hạnh nói.
Không có HĐND hai cấp, bộ máy vẫn... chạy tốt Việc không tổ chức HĐND quận, huyện, phường ở Đà Nẵng trong giai đoạn thí điểm đã mang lại nhiều kết quả tốt. Nay triển khai lại cần có sự điều chỉnh cho phù hợp, vì chỉ còn HĐND thành phố nên cần tăng thêm số lượng đại biểu chuyên trách, đổi mới phương thức hoạt động HĐND. Thực hiện chủ trương này đụng chạm rất nhiều nên cần sự hi sinh. Để hoàn thành đề án, cần làm rõ được những yếu tố định lượng như giảm được biên chế bao nhiêu người, trụ sở, xe cộ, chi phí hành chính... tiết kiệm được bao nhiêu để mọi người thấy rõ. Ông ĐẶNG CÔNG NGỮ(Chủ tịch Chi hội Khoa học hành chính Đà Nẵng) Không chỉ giảm được 1.800 người Không tổ chức HĐND quận, huyện, phường, xã không phải chỉ giảm được 1.800 đại biểu mà cơ bản phải khắc phục được những hạn chế, yếu kém của bộ máy quản lý hành chính. Phải tăng sự tương tác, kết nối từ bộ máy hành chính thành phố đến các cấp địa phương để công việc được suôn sẻ hơn. Việc thực hiện chủ trương này là thông suốt, hiệu lực, hiệu quả đi cùng với đó là phải tinh giản được biên chế chứ không thì công việc từ thành phố đưa xuống quận, huyện lại tiếp tục đùn đẩy xuống phường, xã rồi nơi đây kêu không có người làm, lại phải tiếp tục bổ sung nhân lực để chạy việc thì chủ trương sẽ không đi đúng mục đích. Ông PHAN THANH LONG (Trưởng Ban Pháp chế HĐND Đà Nẵng) Nâng năng lực, trách nhiệm Điều tôi quan tâm là việc giám sát quyền lực ở cơ quan hành chính như thế nào, nếu không có cơ chế giám sát thì dễ xảy ra tình trạng tha hóa quyền lực. Để "trám" chỗ trống HĐND cấp dưới, HĐND thành phố cần tăng thêm đại biểu chuyên trách lên tỉ lệ 50% chứ hiện cấp HĐND quận đại biểu UBND, các sở, ngành kiêm nhiệm nhiều quá thì rất khó. Mặt khác, khi thực hiện chủ trương này, vai trò của chính quyền sẽ được nâng lên, công chức cấp xã, phường cần phải được xem trọng như các cấp khác để nâng cao năng lực, trách nhiệm của họ. Ông NGUYỄN VĂN QUY (Phó Chủ tịch HĐND quận Thanh Khê, Đà Nẵng) |
Hà Nội sẽ bỏ HĐND tại 177 phường Ông Phan Trung Tuấn, Vụ phó Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) cho biết đến nay, dự thảo nghị quyết thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc các quận, thị xã của Hà Nội đã được Bộ Tư pháp thẩm định xong, Chính phủ đã thông qua dự thảo nghị quyết, còn việc thông qua nghị quyết thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Theo đó, Hà Nội sẽ thí điểm không tổ chức HĐND tại 177 phường ở 12 quận và thị xã Sơn Tây. Đảng đoàn Quốc hội trong năm 2019 ban hành nghị quyết về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường tại TP Hà Nội từ năm 2021-2026, khi các đơn vị này kết thúc nhiệm kỳ 2016-2021 vào ngày 1.6.2021. Nếu thực hiện, Hà Nội sẽ giảm được 4.400 - 5.300 cán bộ HĐND cấp phường. Lý do Hà Nội muốn bỏ HĐND tại 177 phường vì những năm qua hoạt động của HĐND phường hình thức, không hiệu quả. Sắp tới, UBND phường nơi không tổ chức HĐND là cơ quan hành chính nhà nước trực thuộc UBND quận, thị xã. UBND các phường sẽ quyết định các chủ trương, biện pháp phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn theo quy định của pháp luật và phân cấp của UBND cấp trên. Đồng thời, bảo đảm sự chỉ đạo, quản lý thống nhất trong bộ máy hành chính nhà nước từ Trung ương đến cơ sở. TP Hồ Chí Minh từng thí điểm tốt nhưng phải tổ chức lại TP Hồ Chí Minh là một trong 10 địa phương thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường (chỉ giữ lại HĐND cấp xã, thị trấn) theo nghị quyết 26 của Quốc hội khóa XII có hiệu lực vào ngày 1.4.2009. Đánh giá về cuộc thí điểm đó, Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh cho rằng đây là chủ trương phù hợp với thực tế của TP Hồ Chí Minh, được các ngành, các cấp thống nhất. Việc thí điểm giúp tinh gọn bộ máy, khắc phục sự trùng lắp về chức năng và nhiệm vụ của các cơ quan. Vai trò của chủ tịch UBND, người đứng đầu bộ máy UBND quận, huyện, phường được phát huy. Tuy nhiên, theo Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương được Quốc hội khóa XIII thông qua và có hiệu lực từ ngày 1.1.2016, tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính phải gồm có HĐND và UBND. Do đó, TP Hồ Chí Minh phải tổ chức lại HĐND huyện, quận, phường từ thời điểm Luật Tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực. Theo tính toán của Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh, tại thời điểm tổ chức lại HĐND cấp quận, huyện, phường, số biên chế toàn thành phố phải tăng thêm hơn 8.300 người và phát sinh kinh phí khoảng 47 tỷ đồng/năm. Cần Thơ chưa tính đến Ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ cho biết Cần Thơ thực hiện theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, vẫn duy trì HĐND xã, phường. Hiện cũng chưa có quy định nào yêu cầu bỏ HĐND xã, phường. "Thực tế thời gian qua, HĐND các địa phương đã phát huy được vai trò cơ quan quyền lực của địa phương" - ông Hiểu khẳng định và cho biết TP Cần Thơ chưa tính đến chuyện bỏ HĐND xã, phường. Khi có dự thảo bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương, thành phố sẽ trao đổi, thể hiện ý kiến của mình. |
Theo Tuổi trẻ