Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc giữ nguyên mức học phí nhằm chia sẻ khó khăn, góp phần giảm gánh nặng về tài chính cũng như nỗi lo tăng học phí cho phụ huynh và học sinh.
(Ảnh minh họa: Minh Sơn/Vietnam+)
Thông tin từ Vụ Kế hoạch-Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, tại dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86/2015/NĐ-CP về vấn đề thu học phí các bậc học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo Chính phủ xem xét cho phép giữ nguyên mức học phí năm học 2021-2022 như năm học 2020-2021.
Mở rộng đối tượng miễn, giảm học phí
Hiện Chính phủ quy định về học phí tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP, tuy nhiên Nghị định này sẽ hết hiệu lực khi năm học 2020-2021 kết thúc. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp các bộ, ngành cũng như lấy ý kiến rộng rãi các địa phương, các cơ sở giáo dục trên cả nước để hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86.
Chia sẻ thông tin về dự thảo này, Vụ Kế hoạch-Tài chính cho hay tại dự thảo, Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo Chính phủ xem xét cho phép giữ nguyên mức học phí năm học 2021-2022 như năm học 2020-2021.
Theo Vụ Kế hoạch-Tài chính, từ năm 2020 đến nay, dịch COVID-19 và các đợt thiên tai, bão lũ ở nhiều địa phương đã ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước và tác động đến thu nhập của người dân. Việc giữ nguyên mức học phí nhằm chia sẻ khó khăn, góp phần giảm gánh nặng về tài chính cũng như nỗi lo tăng học phí cho phụ huynh và học sinh.
Dự thảo quy định mức tăng học phí tối đa mỗi năm học không quá 10% đối với giáo dục mầm non, phổ thông và không quá 15% đối với đào tạo đại học.
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định cũng bổ sung quy định cụ thể đối với học sinh thuộc đối tượng miễn, giảm học phí tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục được nhà nước cấp bù học phí tối đa bằng mức học phí đối với học sinh trường công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên trên địa bàn.
Dự thảo Nghị định thay thế đã mở rộng các đối tượng được hưởng chế độ chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, bổ sung nhiều chính sách mới để bảo đảm cơ hội tiếp cận giáo dục của tất cả mọi đối tượng yếu thế trong xã hội, tập trung hỗ trợ học sinh vùng sâu, vùng xa, học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận giáo dục.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các trường giữ nguyên mức học phí năm học 2021-2022 như năm học 2020-2021. (Ảnh: TTXVN)
Bên cạnh các chính sách mới, các chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và các quy định khác tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP vẫn được giữ nguyên cho giai đoạn từ năm học 2021-2022 về sau.
Gắn học phí với kết quả kiểm định chất lượng
Vụ Kế hoạch-Tài chính cho hay Nghị định dự thảo lần này có nhiều chính sách mới gắn mức thu học phí không chỉ theo mức độ tự chủ tài chính của các trường công lập mà còn gắn với kết quả kiểm định chất lượng giáo dục của các cơ sở giáo dục công lập. Đây là điểm mới mà Nghị định 86 chưa quy định đến, nhằm bảo đảm mức thu học phí tương xứng với chất lượng đào tạo.
Dự thảo Nghị định cũng mở rộng các đối tượng được hưởng chế độ chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập để bảo đảm cơ hội tiếp cận giáo dục của tất cả mọi đối tượng yếu thế trong xã hội.
Cụ thể, dự thảo Nghị định quy định đối với các trường công lập chưa tự chủ tài chính hoặc tự chủ tài chính nhưng chưa đạt kiểm định chất lượng thì thực hiện mức thu học phí không quá một mức trần nhà nước quy định.
Các trường tự chủ tài chính và đạt kiểm định chất lượng trong nước hoặc quốc tế được thu học phí tối đa từ 2 đến 2,5 lần học phí của các trường chưa tự chủ tài chính hoặc tự chủ tài chính nhưng chưa đạt kiểm định chất lượng.
Chỉ các trường tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đạt kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn trong nước mức cao nhất theo quy định hiện hành hoặc đạt kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn nước ngoài mới được tự xác định mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế-kỹ thuật. Các trường phải thực hiện công khai giải trình với người học và xã hội và thuyết minh trong phương án tự chủ tài chính trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Đối với các trường ngoài công lập, theo quy định hiện nay tại Nghị định 86 được tự quyết định mức thu học phí, công bố công khai mức học phí cho từng năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, cho từng năm học cùng với dự kiến cho cả khóa học đối với giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp. Trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86 giữ nguyên các quy định này đồng thời bổ sung các quy định về trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục ngoài công lập đối với xã hội về chất lượng giáo dục đào tạo phải tương xứng với mức thu học phí.
Theo Vietnam+