Bộ Công thương: Cung-cầu xăng dầu thời gian tới cơ bản ổn định

24/02/2022 05:39

Ngoài lượng tồn kho từ tháng 2 chuyển sang, các thương nhân đầu mối đã có kế hoạch nhập khẩu xăng dầu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước trong tháng 3.


PVOil bảo đảm cung ứng xăng dầu trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: PV/Vietnam+

Đại diện Bộ Công thương cho biết với tình hình cung ứng xăng dầu như hiện nay, cùng với công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và việc điều hành giá xăng dầu theo hướng bám sát diễn biến giá thị trường thế giới, việc thiếu xăng dầu cục bộ sẽ sớm được giải quyết, cung-cầu xăng dầu cho thị trường trong nước thời gian tới cơ bản ổn định.

Cân đối các nguồn, bù đắp thiếu hụt

Theo báo cáo của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, do khó khăn về tài chính nên Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đã phải cắt giảm công suất sản xuất trong thời gian vừa qua (hiện đang chạy ở mức 55-60% công suất.)

Do đó, việc giao hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước trong tháng 2 đã bị giảm so với kế hoạch bình quân giao hàng theo tháng khoảng 43%. Dự kiến tháng 3 cung cấp khoảng 80% so với kế hoạch theo tháng.

Hiện, nhà máy báo cáo sẽ sản xuất 100% công suất từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 5 nhưng chưa có kế hoạch giao hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh vào tháng 4 và tháng 5, đặc biệt sau tháng 5 chưa rõ về khả năng duy trì sản xuất.

Trong khi đó, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết do nguồn cung xăng dầu trong nước thời gian vừa qua giảm nên từ cuối tháng 1, Nhà máy lọc dầu Bình Sơn đã nâng công suất lên 103% và từ ngày 7.2 nâng công suất lên 105%.

Tuy nhiên, mức tăng thêm 5% (tương đương 28.000 m3 xăng dầu) chưa đủ bù đắp lượng thiếu hụt do Nhà máy Nghi Sơn giảm công suất.

Vì vậy, đại diện Bộ Công thương thông tin thêm, lượng xăng dầu tồn kho tại các doanh nghiệp đầu mối đầu tháng 2 còn khoảng 1,3 triệu m3 các loại; dự kiến lượng mua vào để cung ứng cho thị trường trong tháng 2 khoảng 2,39 triệu m3 (trong đó 990.000 m3 các loại từ nguồn trong nước và 1,4 triệu m3 từ nguồn nhập khẩu,) thì nguồn cung như trên đáp ứng đủ nhu cầu thị trường trong tháng 2 và dự trữ gối đầu sang tháng 3.

Ngoài ra, các thương nhân đầu mối đã có kế hoạch nhập khẩu xăng dầu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước theo chỉ đạo (nếu Nhà máy lọc dầu Nghị Sơn không bảo đảm lượng cung ứng như kế hoạch.)

Cần sử dụng thuế, phí để tránh tăng sốc

Cùng các giải pháp trên, Bộ Công thương đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường quản lý địa bàn, phối hợp với các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố giám sát, kiểm tra đột xuất ngay các đơn vị kinh doanh có dấu hiệu, hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu.

Đặc biệt, ngày 15.2, Bộ Công thương đã thành lập 3 đoàn thanh tra chuyên ngành với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong việc chấp hành pháp luật ở lĩnh vực này.


Doanh nghiệp lớn tăng thời gian bán hàng để bình ổn thị trường. Ảnh: Đức Duy/Vietnam+

Liên quan đến việc hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân, hạn chế mức tăng giá xăng dầu, đại diện Bộ Công thương cho biết trong các kỳ điều hành giá xăng dầu từ trước Tết Nguyên đán đến nay, liên bộ đã thực hiện chi sử dụng quỹ bình ổn (BOG) cho các mặt hàng xăng và dầu với mức chi từ 200-400 đồng/lít và điều chỉnh mức trích lập Quỹ BOG phù hợp để bảo đảm giá xăng dầu trong nước bám sát diễn biến giá thế giới.

Cụ thể, theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương đã tính các phương án, hài hòa sử dụng quỹ BOG. Tính tổng thể Quỹ BOG có doanh nghiệp âm, có doanh nghiệp dương.

Trong thời gian tới, nếu diễn biến giá quá cao, quá phức tạp, ví dụ giả sử giá dầu thô vượt ngưỡng 100 USD/thùng không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam mà còn ảnh hưởng tới cả kinh tế thế giới thì chắc chắn phải đề xuất sử dụng các công cụ khác là thuế, phí.

“Quan điểm của Bộ Tài chính khi giảm thuế, phí, về góc độ nguồn thu ngân sách là rất áp lực. Nhưng các chính sách Nhà nước cũng cần chia sẻ với người dân. Ở vấn đề xăng dầu vẫn chưa dùng nguồn lực Nhà nước, mà mới chỉ dùng nguồn lực xã hội, quỹ bình ổn để can thiệp. Giá dầu thô tăng cao thì nguồn thu từ đó cho ngân sách cũng cao hơn, vì vậy có thể cân nhắc giảm các yếu tố thuế, phí khác,” đại diện Bộ Công thương nêu rõ.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu xăng dầu 15 ngày đầu tháng 2 của các thương nhân đầu mối đã đạt 803.000m3, tăng mạnh so với các tháng bình thường (khoảng 500.000m3).

Theo Vietnam+

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bộ Công thương: Cung-cầu xăng dầu thời gian tới cơ bản ổn định