Bình tĩnh trong khởi nghiệp

24/11/2017 10:42

"Khởi nghiệp" có lẽ là từ khóa "hot" nhất đối với giới trẻ trong 2 năm nay.

Trong 2 ngày 14 và 15.11, sự kiện Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Techfest 2017 đã kêu gọi được tổng nguồn vốn đầu tư cho các startup lên đến hơn 50 triệu USD. Hay những thông tin như doanh nghiệp Foody - mạng xã hội về ẩm thực - đã được SEA Limited từ Singapore mua lại 82% số cổ phần với giá hơn 64 triệu USD, khoản đầu tư lớn nhất trong năm 2017 tính đến thời điểm hiện tại làm tinh thần khởi nghiệp càng có cơ sở để hy vọng và cháy sáng. Ngay trước đó, những lời khuyên về khởi nghiệp của tỷ phú người Trung Quốc Jack Ma đối với giới trẻ Việt Nam cũng làm nức lòng nhiều thanh niên.

Trong khí thế phấn khởi và hừng hực đó, chúng ta không nên bỏ qua những con số rất đáng suy ngẫm. Đó là trong 10 tháng đầu năm nay, cả nước có thêm hơn 105.000 doanh nghiệp thành lập mới nhưng cũng có tới gần 62.600 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và giải thể - con số kỷ lục từ trước tới nay. Trong số các doanh nghiệp ngừng kinh doanh và giải thể có nhiều doanh nghiệp của những người lần đầu khởi nghiệp, có cả những startup từng rất nổi tiếng, được đầu tư đến cả triệu USD như chuỗi quán cà phê The Kafe. Đó là chưa kể tới nhiều startup quy mô nhỏ không thành lập doanh nghiệp cũng bị phá sản trong thời gian không lâu. Ngay tại TP Hải Dương chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy gần đây có khá nhiều cơ sở kinh doanh dạng khởi nghiệp của thanh niên mở ra một thời gian lại phải đóng cửa vì làm ăn không hiệu quả. Khởi nghiệp dù ở quy mô lớn hay nhỏ đều không dễ thành công.

Nhưng dường như nhiều người trẻ mới chỉ nhìn thấy mặt hào nhoáng, xem đó như một cách làm giàu nhanh chóng mà không hiểu bản chất của hoạt động khởi nghiệp, không nhìn sâu vào nền tảng của sự thành công. Đó là một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến tình trạng "sớm nở tối tàn" của nhiều dự án khởi nghiệp. Những thanh niên bước vào thị trường lao động chưa lâu thường không có ưu thế về kinh nghiệm, kỹ năng cũng như nguồn vốn. Bởi vậy, phải xác định thế mạnh để có thể khởi nghiệp là tạo ra được sản phẩm độc đáo, đặc sắc hơn so với những gì thị trường đang có. Trên cơ sở đó, dần tích lũy vốn hoặc thuyết phục các nhà đầu tư cung cấp vốn để phát triển lên quy mô lớn hơn. Song thực tế, nhiều thanh niên hối hả khởi nghiệp trong khi không có nhiều kiến thức, hiểu biết về lĩnh vực mình sẽ tham gia, không đầu tư chất xám để tạo sản phẩm khác biệt và nguồn vốn thì huy động từ gia đình.

Để trả lời cho câu hỏi "Khởi nghiệp để làm gì?", nhiều thanh niên đơn thuần chỉ mong muốn được làm chủ chứ không phải làm thuê, được tự quyết định công việc của mình chứ không phụ thuộc vào người khác. Khởi nghiệp thực sự là phải tạo ra nhiều sản phẩm, giá trị mới mẻ, là một hình thức đóng góp chất xám cho sự phát triển chung của xã hội. Tự làm chủ luôn nhọc nhằn, vất vả, lắm nỗi lo toan gấp nhiều lần so với đi làm thuê. Để khởi nghiệp thành công, rất cần đến sự kiên trì, đam mê gắn với tiếp tục học hỏi, tìm tòi. Không chuẩn bị được tinh thần này, nhiều người nản chí khi thất bại bước đầu, một số người lại liên tục thất bại mà không rút ra được bài học cho mình.

Việc giữ tinh thần khởi nghiệp luôn cháy sáng là điều hết sức cần thiết cho sự phát triển kinh tế. Nhưng những người khởi nghiệp nên chuẩn bị một tâm thế bình tĩnh, tỉnh táo cũng như phải trang bị cho mình vốn hiểu biết về lĩnh vực, sản phẩm sẽ tham gia sản xuất, kinh doanh. Phải nhìn cả vào những mặt tối, góc khuất của hoạt động khởi nghiệp để có cách phòng tránh đi vào vết xe đổ của những dự án đã phá sản chứ không phải chỉ chăm chăm nhìn vào bề mặt hào nhoáng của sự thành công. Các trường đại học, cao đẳng, các tổ chức giáo dục nên trang bị cho sinh viên, thanh niên những nhận thức đầy đủ, đúng đắn về khởi nghiệp. Ngoài cổ vũ, khuyến khích, các cơ quan chức năng cũng cần cảnh báo về các nguy cơ, các bài học thất bại trong khởi nghiệp.


LAM ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bình tĩnh trong khởi nghiệp