Tuyên bố rút quân khỏi Syria, ông Trump toan tính gì?

09/01/2019 20:47

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút quân Mỹ khỏi Syria đã tạo ra một dư chấn không chỉ trong nội bộ nước Mỹ mà còn lan rộng tới các đồng minh của Washington.


Lính Mỹ tại Syria. Ảnh: Reuters

Phải chăng Mỹ đã thua tại chiến trường Syria nên ông Trump tuyên bố rút quân? Và Syria sẽ ra sao sau tuyên bố của ông chủ Nhà Trắng?

Cục diện chưa dễ thay đổi

Cuộc nội chiến ở Syria nổ ra từ tháng 8.2011 là cuộc xung đột giữa 3 bên gồm: Nhóm phiến quân Hồi giáo Arập theo hệ phái Sunni, Chính phủ Syria theo hệ phái Shiite và người Kurd tại Syria.

Trong cuộc nội chiến này, người hưởng lợi nhất chính là nhóm người Kurd - họ đã mở rộng các khu vực kiểm soát của mình. Họ cũng là người đầu tiên tham gia với Chính phủ Syria chống lại nhóm phiến quân hệ phái Sunni. Giai đoạn này, Mỹ cung cấp ồ ạt vũ khí cho phiến quân chống chính quyền Syria. Tháng 8.2014, Mỹ tuyên chiến với một tổ chức thuộc nhóm phiến quân hệ phái Sunni đó là các tay súng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Barck Obama đã tạm ngừng chính sách “thay đổi chế độ tại Syria” để lập liên quân tập trung không kích nhằm vào IS ở Iraq và Syria.

Từ sự đảo ngược chính sách của Mỹ, người Kurd ở Syria tận dụng cơ hội và liên minh với Mỹ chống IS. Các tay súng người Kurd đã tăng cường đáng kể vị thế của mình để chống lại nhóm phiên quân Arập cũng như Chính phủ Syria. Do đó, nếu Mỹ rút quân, người Kurd trở nên “cô đơn” và rất có thể họ lại quay trở lại với Chính phủ Syria để ngăn chặn một cuộc tấn công từ Thổ Nhĩ Kỳ. Song, rất có thể Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mở cuộc tấn công sớm hơn và điều này sẽ gây ra rạn nứt lớn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Như vậy, nếu Mỹ thực sự rút quân thì đây quả là đòn nặng nề giáng vào các tay súng người Kurd và rất có thể hỗn loạn sẽ quay trở lại những vùng mà người Kurd được Mỹ hỗ trợ đã chiếm đóng được.

Mặc dù ông Trump tái khẳng định việc rút quân khỏi Syria, nhưng Nga - nước đang chiếm thế chủ động trên "bàn cờ" Syria vẫn tỏ ra ghi ngờ tuyên bố của Mỹ vì liên quân do Mỹ đứng đầu vẫn tổ chức các đợt không kích vào các vị trí của IS từ ngày 16 - 22.12.2018. Tướng người Anh Christopher Ghika, Phó Tư lệnh liên quân do Mỹ đứng đầu đánh giá: IS là mối đe dọa thực sự tới ổn định lâu dài của khu vực và nhiệm vụ của liên quân vẫn là bảo đảm IS bị tiêu diệt hoàn toàn. Hành động của liên quân trái ngược với tuyên bố của người đứng đầu nước Mỹ. Chính vì vậy, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov khi trả lời phỏng vấn hãng tin RIA Novosti đã nhấn mạnh: “Đối thoại qua kênh quân sự về đề tài tránh xung đột và một số khía cạnh khác về tình hình quân sự nói chung tại Syria vẫn chưa chấm dứt. Nga ghi ngờ tính nghiêm túc trong việc Mỹ sẽ thực hiện cam kết rút quân khỏi Syria”.

Được và mất khi Mỹ rút quân

Việc rút quân khỏi Syria đưa lại cái được lớn nhất cho Mỹ đó là kéo Thổ Nhĩ Kỳ trở lại “vòng tay” của Mỹ, bởi mấy năm qua, quan hệ giữa hai đồng minh trong khối NATO luôn trong tình trạng “cơm không lành canh chẳng ngọt”. Đặc biệt, sau cuộc đảo chính bất thành năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều động thái xích lại gần Nga khiến Mỹ bất an. Mặt khác, nếu Mỹ rút quân, họ sẽ có thêm 2.000 quân chủ yếu là lính đặc nhiệm để triển khai tại các khu vực khác. Các được cuối cùng nếu rút quân khỏi Syria là Tổng thống Donald Trump thực hiện được lời hứa với cử tri Mỹ khi tranh cử.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, cái mất lớn nhất của Mỹ sau tuyên bố của ông Trump là uy tín của một đồng minh đáng tin cậy của các lực lượng dân chủ Syria (SDF) tập hợp các phe nhóm chống chính quyền Tổng thống Al-Assad, trong đó có nhóm dân quân người Kurd (YPG) Thổ Nhĩ Kỳ liệt nhóm này vào tổ chức khủng bố nhưng lại được Mỹ hậu thuẫn và hứa không bao giờ bỏ rơi người Kurd tại Syria bị giảm sút nghiêm trọng. Mỹ đã đầu tư khá nhiều tiền của, công sức và thời gian cho SDF, từ cung cấp viện trợ đến huấn luyện và lực lượng này là thành phần chủ chốt trong cuộc chiến chống IS tại miền Bắc Syria. Nếu Mỹ rút quân, SDF có thể sẽ sụp đổ, nhóm YPG sẽ liên kết với chính quyền Tổng thống Al-Assad, còn Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tấn công nhóm này đến cùng. Trong khi đó, đồng minh của Mỹ tại Trung Đông và trên thế giới sẽ cho rằng Washington không thực hiện lời hứa. Và đương nhiên Nga, Iran và các nước khác sẽ tìm cách lấp khoảng trống của Mỹ bỏ lại tại đây.

Thực hiện lời hứa khi tranh cử

Giới phân tích và ngay cả đồng minh của Mỹ cũng không hiểu điều gì đã khiến Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút toàn bộ binh sỹ Mỹ khỏi Syria. Trên mạng xã hội Twitter, ông Trump tuyên bố Mỹ đã chiến thắng IS. Tuyên bố này của ông chủ Nhà Trắng được đưa ra vài ngày sau khi các quan chức cấp cao của Mỹ nhấn mạnh rằng Washington không thể rời khỏi Syria khi còn hàng nghìn tay súng IS vẫn hiện diện tại đây.

Bất đồng với quyết định của ông Trump, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã từ chức. Câu hỏi được giới phân tích đặt ra là điều gì khiến ông Trump tuyên bố rút quân trong khi chưa có một kế hoạch gì cho vấn đề này? Thứ nhất, rất có thể ông Trump muốn thực hiện lời hứa khi tranh cử Tổng thống. Ông cảm thấy cần phải tôn trọng những cử tri đã bỏ phiếu cho mình về việc rút quân hoàn toàn khỏi Syria trong chiến dịch tranh cử. Ngoài ra, ông mong muốn hành động này có thể làm thay đổi lập trường của phe Dân chủ đang phải đối kế hoạch xây bức tường dọc biên giới với Mexico có mức kinh phí 5 tỷ USD.

Thứ hai, ông Trump muốn chuyển hướng dư luận đang chĩa vào ông. Thời điểm này, ông Trump có thể tìm cách chuyển hướng dư luận về hàng loạt vụ điều tra, buộc tội liên quan tới ông nảy sinh từ chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016 và những vụ kiện tụng với tổ chức Trump và quỹ Trump có từ trước khi ông tham gia tranh cử năm 2015.

Thứ ba, liên quan tới đối ngoại. Giới phân tích cho rằng rất có thể ông Trump tuyên bố rút quân là lấy lòng ông Putin sau khi đã dùng những lời lẽ vượt quá khuôn khổ ngoại giao đối với người đồng cấp Nga tại Hội nghị G20 vừa qua tại Argentia. Hành động này được cho rằng ông Trump muốn lấy lòng Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề dân quân người Kurd (YPG) tại Bắc Syria để Thổ Nhĩ Kỳ không công bố các bằng chứng liên quan đến nhà báo người Saudi Arabia bị sát hại tại lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện Mỹ đang có một thương vụ bán vũ khí rất lớn cho Saudi Arabia trị giá hơn 3,5 tỷ USD.

Việc tuyên bố rút quân khỏi Syria của Mỹ ít nhiều gây bất ngờ và tạo ra các “dư chấn” chính trị trong lòng nước Mỹ. Vậy, Mỹ có thực sự rút quân hay không khi Tổng Thống Trump không tham khảo các cố vấn? Chỉ có thời gian mới trả lời được ý đồ của Tổng thống Donald Trump.

HẢI HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tuyên bố rút quân khỏi Syria, ông Trump toan tính gì?