Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2: Tìm kiếm hòa bình từ thành phố hòa bình

18/02/2019 07:30

Mỹ và Triều Tiên đến Việt Nam để tìm kiếm con đường hòa bình, bền vững cho bán đảo Triều Tiên, sự kiện được diễn ra tại một thành phố hòa bình như Hà Nội sẽ làm tăng thêm ý nghĩa cho thượng đỉnh lần này.

Trước hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và Triều Tiên lần thứ 2, dự kiến diễn ra tại Hà Nội ngày 27-28.2, phóng viên Báo Hải Dương đã có cơ hội gặp gỡ và được nghe chia sẻ từ ông Dương Chính Thức – nguyên Đại sứ Việt Nam tại Triều Tiên về sự kiện này.

Ông Dương Chính Thức nhận định rằng tại thượng đỉnh lần này, Mỹ và Triều Tiên cần đưa ra những bước đi cụ thể hướng đến hòa bình, bền vững trên bán đảo Triều Tiên. Đồng thời, đây sẽ là sự kiện ngoại giao tầm cỡ, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế. 

Để tiến xa hơn

-Từng là Đại sứ tại CHNDND Triều Tiên, theo ông, thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2 tới đây khác biệt như thế nào so với cuộc gặp trước?

Mỹ và Triều Tiên cần xây dựng lòng tin, tiến từng bước trên con đường tìm kiếm hòa bình. Ảnh: Hà Kiên

-Cuộc gặp lần thứ nhất, diễn ra vào tháng 6.2018 tại Singapore mang ý nghĩa khởi đầu, phá “tảng băng” đã tồn tại gần 7 thập kỷ trong mối quan hệ thù địch giữa Mỹ và Triều Tiên. Kể từ chiến tranh Triều Tiên năm 1950 cho đến khi kết thúc năm 1953, tiến tới việc ký kết Hiệp định đình chiến. Tuy nhiên, từ đó đến nay, Hiệp định đình chiến đó vẫn tồn tại, như vậy quan hệ thù địch giữa Mỹ và Triều Tiên cũng tồn tại theo từ năm 1950 đến bây giờ, gần 7 thập kỷ. 

Tuy nhiên, sau thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ nhất, hai bên dù đã ký một tuyên bố chung gồm 4 điểm song nội dung chưa mang tính cụ thể. Sau tháng 6.2018 cho đến nay, cả hai bên đều chưa có nhiều tiến triển trong việc thực thi tuyên bố đó. Do đó, cuộc gặp lần thứ hai này được kỳ vọng sẽ khác lần thứ nhất. Hai bên cần nêu ra những nội dung cụ thể để thực hiện yêu cầu của nhau. Mỹ và Triều Tiên sẽ không thể lặp lại việc đưa ra những nguyên tắc chung chung nữa.

-Theo ông, các bên có thể trông chờ điều gì tại thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai tới đây?

-Như tôi vừa nói, cuộc gặp lần thứ nhất chỉ đưa ra được những nội dung chung chung, cả hai bên đều chưa thực thi được gì một cách cụ thể. Cuộc gặp lần hai này, Mỹ và Triều Tiên cần đưa ra nội dung cụ thể. Điều này thể hiện ở việc Triều Tiên cần gì từ Mỹ, cũng như Mỹ cần điều gì ở Triều Tiên. 

Tôi nghĩ rằng, điều mà Triều Tiên mong đợi từ Mỹ tại cuộc gặp lần này là Mỹ cần tôn trọng thể chế, độc lập chủ quyền của Triều Tiên. Thứ hai, Mỹ cần đưa ra cam kết từng bước gỡ bỏ bao vây, cấm vận đối với Triều Tiên, tạo điều kiện để đất nước này phát triển. 

Về phía Mỹ, theo tôi, Triều Tiên cần nêu ra lộ trình cụ thể về việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. Thứ hai, Mỹ mong muốn Triều Tiên công khai kho vũ khí hạt nhân, tên lửa của mình. Tuy nhiên, việc công khai như thế nào còn phụ thuộc vào việc Mỹ làm được gì cho Triều Tiên. Tôi nghĩ rằng Triều Tiên sẽ khó có thể công khai hoàn toàn kho vũ khí trong khi không có động thái tương xứng từ Mỹ.

Cả Mỹ và Triều Tiên nếu muốn thực hiện yêu cầu của nhau, điều quan trọng nhất là cần xây dựng lòng tin trong mối quan hệ song phương. Khi đã tạo dựng sự tin tưởng, những hứa hẹn từ hai bên sẽ có cơ sở để thực hiện. 

-Ông đánh giá thế nào về thiện chí giữa Mỹ và Triều Tiên trước thời điểm thượng đỉnh lần hai diễn ra?

-Trước cuộc gặp thượng đỉnh lần này, hai bên đã có những bước đi tuy là nhỏ, song cũng đã thể hiện sự thiện chí nhất định của mình. Triều Tiên đã phá bỏ một vài địa điểm thử hạt nhân và cơ sở nghiên cứu vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, Mỹ đã hạn chế những cuộc tập trận chung với Hàn Quốc và Nhật Bản.

Ngoài ra, theo tôi, Triều Tiên còn mong muốn Mỹ có những bước đi nhất định nhằm gỡ bỏ sự bao vây, cấm vận. Song Mỹ chưa làm được gì về vấn đề này. 

Tuy nhiên, cả hai bên dù sao cũng đã đi được một quãng trên con đường thực hiện yêu cầu của nhau. Khi đặt vấn đề gặp lại nhau lần thứ hai, tôi nghĩ rằng nhiều cuộc tiếp xúc tại các cấp làm việc đã thống nhất được nội dung cụ thể nào đó mà cả hai bên có thể chấp nhận được. Việc Mỹ-Triều gặp lại nhau thể hiện rằng hai bên đã ngầm thỏa thuận được một số nội dung cụ thể.

-Ông nhận định như thế nào khả năng phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên?

-Trong tuyên bố chung 4 điểm mà Mỹ và Triều Tiên đưa ra tại cuộc gặp lần thứ nhất đã nhắc đến vấn đề phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Nhưng cả hai bên đều chưa nêu ra được những bước đi cụ thể nhằm thực hiện việc này. 

Tại thượng đỉnh lần thứ hai này, khi nói về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, yêu cầu của Mỹ là Triều Tiên cần phi hạt nhân hóa hoàn toàn, triệt để và có thể kiểm chứng được. Nhưng phi hạt nhân hóa hoàn toànđến mức nào, triệt để đến mức nào còn phụ thuộc vào việc Mỹ làm được gì để đáp ứng yêu cầu từ Triều Tiên. Và trong 3 nội dung phi hạt nhân hóa hoàn toàn, triệt để và có kiểm chứng, Mỹ đặc biệt quan tâm đến khía cạnh có thể kiểm chứng được từ việc phi hạt nhân hóa của Triều Tiên. 

Ngoài ra, như tôi đã nói ở trên, Mỹ muốn Triều Tiên công khai kho vũ khí hạt nhân và có thể giám sát được. Nhưng câu hỏi ở đây là Mỹ đã xây dựng đủ niềm tin đối với Triều Tiên hay chưa? Điều này buộc hai bên quay trở lại vấn đề xây dựng lòng tin lẫn nhau.

Tìm kiếm hòa bình tại thành phố hòa bình

-Theo ông, tại sao cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai tới đây diễn ra tại Hà Nội?

-Đầu tiên, khi Mỹ và Triều Tiên thỏa thuận về cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai, chúng ta đều biết rằng lúc đó đã có nhiều địa điểm được dự đoán sẽ trở thành nơi diễn ra sự kiện này. Ngoài Việt Nam, nhiều thông tin khi đó đã dự đoán về nhiều địa điểm khác trên thế giới. Song rốt cục, Mỹ đã chọn Việt Nam.

Năm 2017, Việt Nam đã tổ chức thành công Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Đây là sự kiện quy tụ rất nhiều nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu các nước. Ngoài vấn đề chuẩn bị nội dung cho APEC, phía Việt Nam đã đảm bảo rất tốt an ninh cho hội nghị này. Việc bảo đảm an ninh cho hội nghị APEC 2017 đã tạo ra ấn tượng rất sâu đậm đối với các nước tham dự, trong đó có Mỹ. Cho nên Mỹ nhận định rằng vấn đề an ninh tại Việt Nam có thể tin cậy được.

Thứ hai là về việc chọn Hà Nội. Sau khi hai bên thống nhất chọn Việt Nam là địa điểm sẽ diễn ra thượng đỉnh lần hai, cũng đã có rất nhiều thông tin nêu ra những địa điểm có thể tổ chức cuộc gặp. Riêng về vấn đề an ninh, tôi nghĩ rằng ở Hà Nội hay bất kỳ địa điểm nào Việt Nam đều có thể bảo đảm rất tốt. Nhưng Hà Nội còn mang ý nghĩa biểu tượng so với các thành phố khác. Hà Nội là thủ đô, là trung tâm chính trị-kinh tế-văn hóa của Việt Nam. 

Ngoài ra, Hà Nội còn được thế giới tôn vinh là thành phố vì hòa bình. Tôi cho rằng Mỹ và Triều Tiên đến Việt Nam để tìm kiếm con đường hòa bình, bền vững cho bán đảo Triều Tiên, sự kiện được diễn ra tại một thành phố hòa bình như Hà Nội sẽ làm tăng thêm ý nghĩa cho thượng đỉnh lần này. 

-Câu hỏi cuối cùng xin gửi đến ông, là người đã gắn bó với Triều Tiên gần 2 thập kỷ, cá nhân ông mong đợi điều gì từ hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần này?

-Triều Tiên đối với tôi là một đất nước có nhiều kỷ niệm và để lại ấn tượng tốt. Tôi là người đã từng học tập, sinh sống và làm việc tại Triều Tiên gần 20 năm. Đặc biệt trong giai đoạn từ năm 1992-1996, tôi là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Triều Tiên. Từng ấy năm sinh sống, học tập và làm việc, đất nước và con người Triều Tiên đã để lại trong tôi rất nhiều kỷ niệm và tình cảm tốt đẹp.

Điều tôi mong muốn có lẽ cũng là điều rất nhiều người dân Việt Nam hay bất kỳ ai yêu chuộng hòa bình trên thế giới mong muốn. Đó là Triều Tiên và Mỹ sẽ xây dựng được mối quan hệ mới, bình đẳng, hữu nghị và tôn trọng lẫn nhau, người dân Triều Tiên sẽ được hưởng một cuộc sống hòa bình, hạnh phúc. Tôi mong rằng tại cuộc gặp này, hai bên có thể thỏa thuận được nội dung cụ thể nào đó để mang lại nền hòa bình, bền vững cho bán đảo Triều Tiên. 

HÀ KIÊN (thực hiện)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2: Tìm kiếm hòa bình từ thành phố hòa bình