Syria: Bài toán khó của cộng đồng quốc tế

18/10/2019 20:30

Bài toán Syria quả thực chưa tìm ra đáp số cuối cùng bởi các bên liên quan đều có những tính toán chiến lược riêng vì lợi ích quốc gia.

Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ được vận chuyển tới biên giới Syria. Ảnh: AFP

Thổ Nhĩ Kỳ đã mở chiến dịch “Mùa xuân hòa bình” nhằm vào người Kurd tại Bắc Syria với ý đồ tạo ra vùng đệm an toàn cho an ninh quốc gia ngay sau khi Mỹ tuyên bố rút quân bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế. Tại sao Thổ Nhĩ Kỳ lại tấn công người Kurd tại Bắc Syria? Tại sao Mỹ lại rút quân vào thời điểm nhạy cảm này? Vậy ai sẽ hưởng lợi từ hành động của Thổ Nhĩ Kỳ?

Những vấn đề lớn xảy ra khi Mỹ rút quân khỏi Syria

Nhóm người Kurd ở Bắc Syria đứng đầu lực lượng dân chủ Syria (SDF) từ lâu đã bị Thổ Nhĩ Kỳ liệt vào diện “khủng bố” vì cho rằng nhóm này là một nhánh của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) đang đấu tranh đòi độc lập tại Thổ Nhĩ Kỳ. Thế nhưng người Kurd tại Bắc Syria lại là đồng minh thân cận của Mỹ trong cuộc chiến chống lại phiến quân nhà nước hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq và Syria. Quan điểm của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn khác nhau về SDF dẫn đến thái độ ứng sử khác nhau. Phía Mỹ xác nhận SDF là đồng minh trong cuộc chống IS, phía Thổ Nhĩ Kỳ coi SDF là khủng bố phải loại bỏ. Thời cơ cho Thổ Nhĩ Kỳ đã tới khi Mỹ tuyên bố rút quân khỏi Bắc Syria, mở đường cho nước này tấn công vào Bắc Syria nhằm loại bỏ SDF. Với quan điểm “nước Mỹ trên hết” như đã hứa với cử tri Mỹ khi tranh cử Tổng thống và để chuẩn bị cho cuộc đua ở lại Nhà Trắng vào năm sau, ông Donald Trump đã tuyên bố sẽ chấm dứt “những cuộc chiến không hồi kết” nhằm bảo vệ nước Mỹ. Việc rút quân khỏi Bắc Syria của Tổng thống Donald Trump để lại nhiều vấn đề lớn về địa chính trị, chiến lược an ninh quốc gia không chỉ cho chính nước Mỹ mà cả khu vực Trung Đông, đặc biệt là các đồng minh của Mỹ. Giới phân tích Mỹ đã rút ra một số điểm gở từ quyết định rút quân Mỹ khỏi Bắc Syria:

Ảnh hưởng xấu tới quan hệ Mỹ và đồng minh khu vực Trung Đông trong tương lai: Việc Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút quân khỏi Bắc Syria (quân Mỹ có khoảng 1.000 người) bị các quan chức SDF cho rằng ông Trump đã “đâm sau lưng họ” và SDF “đang bị phản bội” sau khi hơn 11.000 binh sĩ người Kurd thiệt mạng trong cuộc chiến chống IS. Còn Tổng thống Trump đã phản bác các ý kiến phê phán từ nội bộ Mỹ rằng: Họ (người Kurd) “chiến đấu cùng chúng ta, nhưng họ được trả một số tiền lớn cùng nhiều thiết bị để làm điều đó” và người Kurd đang “chiến đấu vì đất đai của họ”. Đẩy người Kurd tại Bắc Syria ra một bên của ông Trump khiến các đồng minh của Mỹ tại khu vực Trung Đông không thể yên tâm trong bối cảnh khu vực này đang có quá nhiều diễn biến phức tạp. 

Quyết định của Mỹ “tạo thế” cho Nga và Iran trong khu vực: Dư luận Mỹ cho rằng quyết định của Tổng thống Donald Trump rút lực lượng Mỹ khỏi Bắc Syria sẽ góp phần tạo thế cho Nga và Iran ngày càng thêm mạnh tại Trung Đông. Theo giới chuyên gia an ninh Mỹ, quyết định của ông Trump là một “món qùa” đối với các kẻ thù của Mỹ là Nga và Iran và chắc chắn các nước này sẽ tận dụng cơ hội trên để mở rộng ảnh hưởng tại khu vực Trung Đông. 

Tại sao Thổ Nhĩ Kỳ quyết định tấn công vào Bắc Syria?

Kế hoạch tấn công SDF tại Bắc Syria do người Kurd đứng đầu đã được hình thành từ rất lâu. Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm loại SDF vì nhóm này bị liệt vào danh sách khủng bố. Tình hình chính trị tại Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay thuận lợi cho Tổng thống Recep Tayyip Erdogan để thực hiện chiến dịch tấn công vào Bắc Syria. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ vấp phải hàng loạt khó khăn.

Thứ nhất, người Kurd tại Bắc Syria là đồng minh thân cận của Mỹ trong cuộc chiến chống phiến quân IS, được Mỹ trang bị vũ khí, họ nhận tin tình báo từ Mỹ và quan trọng hơn họ thông thạo địa hình, đang nắm giữ một “bảo bối” quan trọng là hàng vạn tù binh IS. Nếu số tù binh IS này “thoát tù” sẽ là vấn đề cực kỳ nguy hiểm không chỉ cho Syria, Thổ Nhĩ Kỳ mà với cả cộng đồng thế giới, trong đó có Mỹ.

Thứ hai, cộng đồng quốc tế phản đối hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có cả Nga (đồng minh mới của Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực), Liên minh châu Âu (EU) cũng cực lực phản đối hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ và sẵn sàng trừng phạt kinh tế. Với Mỹ, Tổng thống Doanld Trump đã tuyên bố sẽ trừng phạt kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, ông nói: “chúng tôi không muốn họ (Thổ Nhĩ Kỳ) giết hại nhiều người” và “chúng tôi có thể đóng cửa nền kinh tế của họ”.

Thứ ba, với chính quyền của Tổng thống Al-Assad sẽ không thể ngồi yên nhìn quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tràn qua biên giới quốc gia. Chính quyền của ông Al-Assad đã đạt được thỏa thuận với người Kurd tại Bắc Syria và đưa quân vào một số vị trí trọng yếu tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria. Điều này rất có thể sẽ dẫn đến đụng độ trực tiếp giữa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và quân đội của chính quyền ông Al- Assad, điều mà Thổ Nhĩ Kỳ và Syria không hề mong muốn. Câu hỏi đặt ra là tại sao Thổ Nhĩ Kỳ lại quyết đưa quân vào Bắc Syria? Theo giới phân tích khu vực Trung Đông thì đây là cuộc tấn công người Kurd đầy rủi ro của Thổ Nhĩ Kỳ và Tổng thống Erdogan đang đánh cược sự nghiệp chính trị của mình. Còn giới phân tích Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng tại nước này một lần nữa vấn đề quân sự được dùng để phục vụ lợi ích chính trị, mở cuộc tấn công vào Bắc Syria đảng cầm quyền (AKP) của Tổng thống Erdogan muốn phá vỡ liên minh đối lập vừa được hình thành sau cuộc bầu cử địa phương đánh bóng hình ảnh của AKP. Có thể nói rằng các đảng chính trị tại Thổ Nhĩ Kỳ vì lợi ích quốc gia đều ủng hộ mục tiêu kép của Tổng thống Erdogan.

Mục tiêu thứ nhất: Ngăn cản người Kurd ở Bắc Syria củng cố sức mạnh và quyền tự trị để hợp nhất với người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ, dần tiến tới hình thành một nhà nước người Kurd.

Mục tiêu thứ hai: Hình thành và thiết lập một “vùng an toàn” dọc theo biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria. Nếu điều này thành hiện thực sẽ cho phép tái định cư hơn 3,5 triệu người Syria đang tị nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Bên nào sẽ hưởng lợi khi Mỹ rút quân - Thổ Nhĩ Kỳ tấn công

Sau khi Mỹ rút khoảng 1.000 quân, Thổ Nhĩ Kỳ tấn công người Kurd tại Bắc Syria, dư luận đặt câu hỏi bên nào sẽ hưởng lợi từ hành động của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ? Giới phân tích cho rằng:

Bên hưởng lợi đầu tiên là phiến quân IS: SDF do người Kurd lãnh đạo đang giam giữ hơn 10.000 tù binh IS trong đó có nhiều người phương Tây. Nay họ phải tập trung chống đỡ các cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ rất có thể họ thả tù binh IS hoặc các tù binh sẽ phá ngục trốn thoát phân tán thành các nhóm len lỏi vào các quốc gia Trung Đông và các châu lục rồi tự hành động như những con sói đơn độc. Đây quả là mối lo rất lớn cho an ninh toàn cầu.

Bên hưởng lợi thứ hai là chính quyền Tổng thống Al-Assad và đồng minh: Kể từ ngày xảy ra nội chiến với sự giúp đỡ của Nga, Iran, thế, lực của ông Assad đã được khôi phục và đang chiếm ưu thế. Việc Mỹ rút quân, Thổ Nhĩ Kỳ tung hành động quân sự chống người Kurd, buộc người Kurd phải hợp tác với ông Assad tạo điều kiện cho ông “lấy lại” toàn bộ lãnh thổ. Nga, Iran sẽ có thêm cơ hội củng cố vị thế tại Syria.

Hòa bình ổn định cho Syria không chỉ là mong mỏi của người dân Syria mà cả khu vực Trung Đông và thế giới. Bài toán Syria quả thực chưa tìm ra đáp số cuối cùng bởi các bên liên quan đều có những tính toán chiến lược riêng vì lợi ích quốc gia. Hy vọng rằng những tính toán của các bên liên quan tới Syria sẽ tôn trọng độc lập chủ quyền của Syria để nước này sớm có hòa bình như trước nội chiến.

HẢI HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Syria: Bài toán khó của cộng đồng quốc tế