RCEP, CPTPP và hành trình tự do hóa thương mại

06/09/2018 08:13

RCEP hay CPTPP đều có những mục tiêu riêng, cách tiếp cận riêng trên con đường tạo dựng một môi trường thương mại tự do.

Song cục diện thời gian gần đây đã chỉ ra sự quan ngại nhất định về trật tự của nền kinh tế mà các bên đang cùng hướng tới.

Đầu tháng 7 vừa qua, Hội nghị Bộ trưởng các nước thành viên Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa kỳ lần thứ 5 và các cuộc họp liên quan đã được tổ chức tại Tokyo (Nhật Bản). Hội nghị lần này, do Singapore và Nhật Bản đồng chủ trì, đã thông qua Tuyên bố Tokyo. Theo đó, các quốc gia thành viên cam kết cùng đi tới sự thống nhất chung nhằm kết thúc quá trình đàm phán RCEP.

Trong bối cảnh đó, vào cuối tháng 7, các trưởng đoàn đàm phán tới từ 11 quốc gia thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tiền thân của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP, hay còn gọi là TPP-11) đã nhóm họp tại thị trấn Hakone gần thủ đô Tokyo, nhằm kiểm tra tiến độ thực hiện các thủ tục trong nước và xác lập một chính sách chung nhằm chào đón các thành viên mới khi CPTPP có hiệu lực.

Hiện tại, hiệp định CPTPP đã được Nhật Bản, Mexico, Singapore phê chuẩn. New Zealand và Canada là hai quốc gia dự kiến sẽ thông qua hiệp định trong thời gian ngắn sắp tới, hướng đến lộ trình hiệu lực hóa CPTPP vào khoảng đầu năm 2019 tới.

RCEP, TPP-11 và lợi ích các bên trước ngưỡng cửa thương mại tự do. Ảnh: Scoopnest

Chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ dưới thời Donald Trump thời gian vừa qua đã tạo nên những làn sóng hỗn loạn quy mô toàn thế giới. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, mục tiêu hàng đầu trong chính sách thương mại của Washington, hiện chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Theo giới quan sát, điều này làm dấy lên quan ngại nhất định về một cuộc khủng hoảng trong trật tự kinh tế tự do, vốn là nhân tố thúc đẩy sự phát triển và thịnh vượng toàn cầu những thập kỷ gần đây.

Trước cục diện kinh tế phức tạp hiện nay, các bên dường như đang đặt hy vọng vào TPP-11. Theo giới quan sát, Thái Lan và Colombia đang dành sự quan tâm đặc biệt đến hiệp định này. Về phần mình, nước Mỹ thời chính quyền Donald Trump có lẽ sẽ không quay lại TPP. Ngoại trừ Mỹ, rõ ràng TPP-11 đang tạo ra sự hấp dẫn nhất định, mặc dù RCEP cũng được xem là hiệp định “có trọng lượng”.

Mặc dù bị thu hút bởi sức hấp dẫn từ TPP-11, song các quốc gia đều tỏ ra thận trọng. Không thể phủ nhận lợi ích TPP-11 mang lại cho các quốc gia thành viên, song hiệp định này không thể bao gồm mọi thứ các bên mong muốn. Rõ ràng, “sự ra đi” của Mỹ đã để lại một “lỗ hổng” lớn. Ngoài ra, Trung Quốc, quốc gia đóng vai trò chủ lực trong sự phát triển kinh tế khu vực và là trung tâm của nhiều chuỗi cung ứng ngoại thương, đã không tham gia. Bên cạnh đó, Ấn Độ, nền kinh tế đang ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc hiện nay, cũng không tham gia. Đặc biệt, sự phân hóa trong nội bộ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ khó có thể xử lý triệt để trong một sớm một chiều, ngay cả khi Thái Lan gia nhập TPP trong một tương lai gần.

Với RCEP, tầm quan trọng của hiệp định này là gắn kết các nền kinh tế phát triển và mới nổi trong khu vực. Đó là các quốc gia thành viên ASEAN và 6 đối tác đối thoại gồm Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand và “điểm nhấn” Trung Quốc, Ấn Độ. Mục tiêu đàm phán của RCEP nhằm đạt được một thỏa thuận hợp tác kinh tế hiện đại, toàn diện, có chất lượng cao và đem lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia. Câu hỏi đặt ra là nội dung và tính khả thi trong bản thỏa thuận cuối cùng, cũng như các quy tắc riêng của hiệp định này liệu có phù hợp với cấu trúc của nền kinh tế tự do hay không.

Trọng tâm của RCEP là sự tham gia sâu rộng của ASEAN và các đối tác đối thoại dựa trên sự cải thiện đáng kể các hiệp định thương mại tự do (FTA) hiện có giữa các bên. Mặt khác, cách tiếp cận “Con đường ASEAN” trong RCEP đã chứng minh đây là cơ chế xây dựng sự đồng thuận tốt nhất ở Đông Á. Nhiều ý kiến cho rằngRCEP dường như không mang nặng tính chính trị và đề cao vai trò trung tâm của ASEAN.

Thông qua bản Hướng dẫn quy tắc và mục tiêu đàm phán của RCEP, nhiều bên cho rằng cơ chế hợp tác này nên tập trung hơn vào các hiệp định thương mại tự do theo công thức ASEAN+1, phù hợp với tình trạng cụ thể của từng quốc gia.Một hiệp định linh hoạt, được cân nhắc kỹ lưỡng phù hợp tình hình chung khu vực và đặc thù riêng từng quốc gia là yếu tố tiên quyết để thiết lập các quy tắc kinh tế cho một châu Á đa dạng, năng động và đang từng ngày phát triển.

Chính sách thương mại “nước Mỹ trên hết” của chính quyền Donald Trump không phải yếu tố duy nhất đe dọa trật tự của nền kinh tế tự do. Tác động từ cách tiếp cận ngày một tích cực của Trung Quốc nhằm hình thành một trật tự kinh tế mới rộng lớn hơn mà Bắc Kinh là trung tâm, thông qua đại chiến lược Vành đai-Con đường, đến các nền kinh tế khu vực không hề nhỏ.Theo nhiều chuyên gia, ảnh hưởng từ Bắc Kinh tới các nước trong khu vực cũng như đối với chính quốc gia này mang tính hai mặt, song phần nhiều lợi ích đều “đổ dồn” về Trung Quốc. Có thể thấy rõ điều này qua sự phát triển vượt bậc của Thâm Quyến. Từ một làng chài bình thường, thành phố này đã trở thành “nhà máy của thế giới”. Với sự quy tụ của rất nhiều hãng công nghệ cao như công ty viễn thông Huawei, nhà sản xuất điện thoại thông minh ZTE, công ty internet Tencent, hãng sản xuất máy bay không người lái lớn nhất thế giới DJI, hãng sản xuất robot Makeblock. Thâm Quyến là một ví dụ luôn được nhắc tới khi nói về sự phát triển công nghiệp được thúc đẩy bởi nền kinh tế tự do không có sự can thiệp của nhà nước. 

Hành trình hướng đến tự do hóa thương mại khu vực liệu sẽ dễ dàng? Ảnh: National Interest

Tuy nhiên, các dự án trong khuôn khổ Vành đai-Con đường, trải dài khắp Đông Nam Á, Trung Á, Tây Á, Đông Phi sang tới châu Âu, liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng lại được thực hiện bởi các công ty nhà nước Trung Quốc, được Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc tài trợ. Chính sách ngoại thương của Bắc Kinh, với đặc trưng là chiến lược Vành đai-Con đường, dựa nhiều vào chủ nghĩa tư bản nhà nước hơn là mở rộng các hoạt động kinh tế trong một thị trưởng mở cửa và tự do. Nhiều chuyên gia cho rằng chính sách kinh tế đối ngoại mà Bắc Kinh đang áp dụng chứa nhiều yếu tố không tương thích với sự tự do hóa thương mại mà các bên cùng xây dựng.

Hiện tại, các vòng đàm phán RCEP, mà Bắc Kinh là một phần không thể thiếu, dường như chưa cân nhắc kỹ lưỡng các quy tắc về tính minh bạch của các công ty nhà nước, phòng chống tham nhũng, quyền lợi người lao động. Đây vốn là những nội dung được nêu trong TPP và TPP-11. Đặt ra quy định về những nội dung này được cho là một hành động có ý nghĩa quan trọnghướng đến việc kìm chế sự mở rộng của chủ nghĩa tư bản nhà nước, ngăn ngừa “sự biến dạng” xã hội trong quá trình toàn cầu hóa. Đồng thời giúp củng cố hơn nữa trật tự của nền kinh tế tự do. Nhiều nhà quan sát đồng tình rằng thiếu đi những quy định này khiến cho RCEP bộc lộ hạn chế nhất định trong quá trình tự do hóa thương mại.

Các quốc gia đàm phán RCEP cần tìm kiếm giải pháp nhằm bảo vệ tính tự do của nền kinh tế chung khu vực. Trong bối cảnh hiện tại, sự lựa chọn duy nhất là các bên cần hỗ trợ cho cả TPP-11 lẫn RCEP, cùng tham gia và củng cố tính khả thi cho những cơ chế hợp tác này. Các bên liên quan cần phối hợp nhằm tạo dựng môi trường thuận lợi để thiết lập tính nhất quán trong các quy tắc của TPP-11 và RCEP. TPP-11 đã vắng bóng Mỹ nhưng RCEP vẫn còn đó Trung Quốc, mỗi cơ chế đều mang lại những lợi ích nhất định cho các bên. Sức ép từ các cuộc xung đột thương mại toàn cầu có lẽ sẽ tạo động lực nhất định giúp châu Á sớm hình thành một khuôn khổ hợp tác cấp cao và toàn diện thực sự.

HÀ KIÊN(dịch và tổng hợp)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    RCEP, CPTPP và hành trình tự do hóa thương mại