Quan hệ Ấn Độ-Pakistan có nguy cơ rơi vào vòng xoáy xung đột

19/08/2019 20:23

Sau nấc thang căng thẳng liên quan đến việc Ấn Độ bãi bỏ điều khoản trao quyền tự trị cho Kashmir, trong những ngày qua, quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan tiếp tục diễn biến phức tạp.

Binh sĩ Ấn Độ tuần tra dọc Đường ranh giới kiểm soát ở Kashmir. Ảnh AP

Tình trạng này có nguy cơ đẩy hai nước vào một vòng xoáy xung đột cũng như thổi bùng cuộc khủng hoảng tại Nam Á.

Liên tiếp gia tăng căng thẳng

Thời gian qua, quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan liên tục căng thẳng liên quan đến các cuộc xung đột tại vùng lãnh thổ tranh chấp Kashmir.

Đầu tiên là vào ngày 5.8, Ấn Độ tuyên bố Chính phủ liên bang sẽ bãi bỏ Điều 370 trong Hiến pháp về việc trao quyền tự trị đặc biệt cho Kashmir và Jammu sau khi Tổng thống Ấn Độ ký sắc lệnh bãi bỏ điều khoản trên. Tiếp đó, Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind ký ban hành Đạo luật chia tách bang Jammu và Kashmir. Theo đó, hai vùng lãnh thổ liên bang là Ladakh - không có cơ quan lập pháp - cùng Jammu và Kashmir - có cơ quan lập pháp - sẽ chính thức được thành lập từ ngày 31.10 tới. Pakistan đã phản đối mạnh mẽ quyết định này, tuyên bố hạ cấp quan hệ ngoại giao, đình chỉ hoạt động thương mại song phương với Ấn Độ và đưa vấn đề này ra Liên hợp quốc (LHQ). Islamabad đồng thời đình chỉ dịch vụ xe buýt hữu nghị tuyến Lahore-Delhi, cũng như tất cả các tuyến đường sắt kết nối với nước láng giềng này và cấm chiếu phim hay biểu diễn các loại hình nghệ thuật của Ấn Độ. Mặc dù vậy, Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi khẳng định Islamabad không tìm kiếm giải pháp quân sự cho vấn đề Kashmir. Trong khi đó, Ấn Độ tuyên bố "lấy làm tiếc" về quyết định trên của Pakistan, đồng thời kêu gọi Islamabad xem xét lại để các kênh ngoại giao thông thường này giữa hai nước được duy trì. Ấn Độ cũng nhấn mạnh việc chấm dứt quy chế đặc biệt tại Kashmir là vấn đề nội bộ, để chính phủ có thể kiểm soát tốt hơn tình hình tại đây.

Tiếp đó, căng thẳng tiếp tục gia tăng khi ngày 15.8, binh lính Ấn Độ và Pakistan đã đấu súng qua Đường ranh giới kiểm soát (LoC) ở khu vực tranh chấp Kashmir. Các quan chức tại khu vực Kashmir thuộc kiểm soát của Pakistan cho biết 3 binh sĩ Pakistan đã thiệt mạng trong vụ nã pháo của phía Ấn Độ qua LoC. Pakistan cũng cho biết đã bắn đáp trả khiến 5 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Trong khi đó, Tân Hoa Xã dẫn các nguồn tin quân đội Ấn Độ xác nhận binh sĩ Ấn Độ đã nổ súng làm 3 binh sĩ Pakistan thiệt mạng, đồng thời cáo buộc phía Pakistan vi phạm lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, Ấn Độ phủ nhận có binh sĩ nước này thiệt mạng trong vụ nổ súng từ phía Pakistan. Ngày 17.8, các lực lượng Ấn Độ và Pakistan lại tiếp tục đấu súng qua LoC. Hãng tin AFP (Pháp) dẫn lời một quan chức cấp cao trong Chính phủ Ấn Độ đã xác nhận đấu súng xảy ra "dữ dội" ở khu vực dọc đường biên giới tranh chấp này. Một binh sĩ Ấn Độ được thông báo là đã thiệt mạng.

Căng thẳng Ấn Độ-Pakistan cũng tiếp tục gia tăng với những tuyên bố liên quan đến vấn đề hạt nhân. Phát biểu ngày 16.8 trong chuyến thị sát bãi thử hạt nhân Pokhran ở miền Tây Ấn Độ, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh nêu rõ đến nay New Delhi vẫn cam kết chắc chắn với học thuyết "không sử dụng (vũ khí hạt nhân) trước tiên". Theo ông, Ấn Độ đã nghiêm túc tuân thủ học thuyết này, nhưng những gì xảy ra trong tương lai tùy thuộc vào hoàn cảnh. Ngay lập tức, Thủ tướng Pakistan Imran Khan đã cảnh báo cộng đồng quốc tế về mối đe dọa hạt nhân từ Ấn Độ. Trong một loạt các tuyên bố trên trang Twitter ông Khan cho rằng thế giới phải "xem xét một cách nghiêm túc" độ an toàn và an ninh của kho vũ khí hạt nhân mà Ấn Độ sở hữu. Theo ông Khan, đây là vấn đề không phải chỉ ảnh hưởng tới khu vực mà toàn thế giới. Thủ tướng Khan cũng cáo buộc Chính phủ Ấn Độ, do Thủ tướng Modi lãnh đạo, đang đe dọa người Kashmir vốn đang bị đặt dưới lệnh giới nghiêm trong hơn 2 tuần qua. Trong khi đó, Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi nhận xét phát biểu của ông Singh là "vô trách nhiệm" và "đáng tiếc".

Ngày 16.8, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã tổ chức một cuộc họp kín để thảo luận về căng thẳng gia tăng giữa Ấn Độ và Pakistan liên quan đến vấn đề Kashmir. Tuy nhiên, cuộc họp đã kết thúc mà không đạt được sự đồng thuận rõ ràng nào.

Vòng xoáy xung đột

Trước tình trạng căng thẳng và xung đột hiện nay, giới phân tích đã chỉ ra rằng Kashmir chính là nguyên nhân của những mâu thuẫn dai dẳng giữa hai nước.

Là vùng có đa số dân là người theo đạo Hồi sinh sống, khu vực Kashmir thuộc dãy Himalaya phân chia thành hai phần do Ấn Độ và Pakistan kiểm soát. Song cả Ấn Độ và Pakistan đều tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ vùng lãnh thổ này. Vào tháng 8.1947, Anh quyết định trao trả độc lập cho vùng Nam Á theo Kế hoạch Mounbatten, chia khu vực này thành hai quốc gia độc lập là Ấn Độ với phần lớn dân số là những người theo đạo Hindu và Pakistan với đa số người dân là tín đồ Hồi giáo. Năm 1949, Liên hợp quốc thiết lập LoC - đường biên giới không chính thức dài 720 km, phân chia khu vực Kashmir thành 2 phần, trao cho Ấn Độ và Pakistan cùng kiểm soát. 

Tuy nhiên, có một vấn đề hiện vẫn chưa được giải quyết triệt để, đó là những người Hồi giáo sinh sống ở khu vực Kashmir thuộc phần kiểm soát của Ấn Độ lại không muốn nằm dưới quyền lãnh đạo của người Hindu. Một số người cho rằng họ bị phân biệt đối xử khi di cư tới những khu vực khác của Ấn Độ. Trong khi đó, với lý do ủng hộ những người anh em Hồi giáo ở phía bên ký LoC, nhiều nhóm vũ trang đã được thành lập tại phần lãnh thổ của Pakistan để thực hiện những cuộc tấn công nhằm vào người Hindu, nối dài những thù hận giữa hai tôn giáo. Đây là vấn đề cốt lõi khiến các cuộc đàm phán giải quyết tranh chấp giữa hai bên cho tới nay vẫn bế tắc.

 Và bất chấp một thỏa thuận đạt được năm 2003 về tuân thủ lệnh ngừng bắn, các vụ đụng độ giữa binh sĩ Ấn Độ và Pakistan dọc LoC cũng thường xuyên diễn ra. Cả Ấn Độ và Pakistan đều cáo buộc lẫn nhau tấn công qua LoC và vi phạm các thỏa thuận ngừng bắn. Xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan khiến hai nước đứng trước nguy cơ "chiến tranh cận kề". Nguy hiểm hơn, hai nước láng giềng trang bị vũ khí hạt nhân này được cho là sẽ kéo nhau vào cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân để chứng tỏ sức mạnh quân sự. 

Tháng 2.2019, những mâu thuẫn âm ỉ giữa Ấn Độ và Pakistan lại bị thổi bùng với vụ đánh bom xe liều chết do nhóm phiến quân có căn cứ tại Pakistan thực hiện tại vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, khiến ít nhất 40 cảnh sát bán quân sự của nước này thiệt mạng. 

Cáo buộc Pakistan đứng sau vụ đánh bom, New Delhi đã tiến hành hàng loạt hành động đáp trả như xóa bỏ quy chế Tối huệ quốc dành cho Pakistan, đẩy nhanh tiến độ xây dựng đập ở thượng nguồn sông Ấn, đưa chiến đấu cơ không kích các cơ sở của các tay súng Hồi giáo cực đoan trên đất Pakistan. Đỉnh điểm là ngày 16.2, một ngày sau khi hủy bỏ quy chế Tối huệ quốc dành cho Pakistan, Ấn Độ đã áp thuế nhập khẩu 200% đối với tất cả các hàng hóa bắt nguồn hoặc xuất khẩu từ Pakistan. Ở chiều ngược lại Pakistan lập tức bắn hạ 2 máy bay quân sự của Ấn Độ đang làm nhiệm vụ không kích các nhóm vũ trang ở Kashmir, điều động thêm các đơn vị tên lửa và radar cùng nhiều máy bay không người lái tới sát LoC. Xung đột qua lại cứ tiếp diễn từ đó tới nay.

Có thể thấy, mối bất đồng xung quanh vấn đề Kashmir đã tồn tại nhiều thập kỷ qua. Và những căng thẳng liên tiếp trong thời gian gần đây giữa Ấn Độ và Pakistan liên quan đến vấn đề Kashmir cho thấy đây như một ngọn lửa luôn âm ỉ cháy trong quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng và chỉ trực chờ bùng phát. Nếu tình trạng căng thẳng này không được kiểm soát kịp thời sẽ khiến xung đột Ấn Độ-Pakistan trở nên nghiêm trọng đồng thời thổi bùng mối đe dọa đối với hòa bình trong khu vực.

THANH LÂM (TTXVN)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quan hệ Ấn Độ-Pakistan có nguy cơ rơi vào vòng xoáy xung đột