Phép thử tín nhiệm với Thủ tướng J.Trudeau

14/09/2019 07:30

Thủ tướng Canada Justin Trudeau vừa chính thức khởi động chiến dịch tranh cử cho cuộc tổng tuyển cử năm 2019 dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 21-10 tới.

Cuộc bầu cử này được xem như một cuộc "trưng cầu dân ý" đối với Thủ tướng Trudeau và sẽ quyết định liệu đảng Tự do cầm quyền có giành được đa số để tiếp tục lãnh đạo đất nước nhiệm kỳ hai hay không trong bối cảnh nhà lãnh đạo Canada đang phải đối mặt với hàng loạt những thách thức.


Thủ tướng Canada Trudeau 

Chính thức khởi động chiến dịch tranh cử

Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 11-9 (giờ địa phương) đã tuyên bố giải tán Quốc hội, chính thức khởi động chiến dịch tranh cử liên bang năm 2019. Thời gian của chiến dịch tranh cử năm nay được rút xuống 40 ngày, ngắn hơn nhiều so với mức 78 ngày hồi năm 2015.

Giới quan sát cho rằng khi rút ngắn thời gian của chiến dịch tranh cử, đảng Tự do muốn hạn chế “sự nguy hiểm” đối với Thủ tướng Trudeau, đồng thời giảm bớt cơ hội “được thể hiện mình” của các lãnh đạo đảng khác. 

Trong chiến dịch tranh cử, Đảng Tự do cầm quyền của Thủ tướng đương nhiệm Justin Trudeau đã quyết định chọn khẩu hiệu "Choose Forward" (Chọn tiến lên) với hy vọng sẽ gây được tiếng vang với cử tri và thể hiện rõ nét nhất đường lối, định hướng, chính sách của đảng khi triển khai chiến dịch tranh cử cho cuộc tổng tuyển cử vào tháng 10 tới.

Thủ tướng Trudeau đã cam kết với cử tri Canada nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tới sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hơn nữa, đưa ra vấn đề tạo quỹ phúc lợi cho trẻ em, chống biến đổi khí hậu, thực hiện những biện pháp kiểm soát súng nghiêm ngặt hơn hơn, giảm thuế cho tầng lớp trung lưu…

Trong khi khẩu hiệu của đảng Bảo thủ là “Thời điểm để tiến bước”. Đảng Xanh chọn khẩu hiệu “Không cánh tả. Không cánh hữu. Cùng nhau tiến lên”. Còn khẩu hiệu của đảng Dân chủ Mới (NDP) là “Vì lợi ích của bạn”. 

Tại Canada, một đảng cần giành được 170 ghế ở Hạ viện để thành lập chính phủ đa số. Trong chiến dịch kéo dài 5 tuần rưỡi này, lãnh đạo các đảng sẽ đi khắp cả nước để vận động cử tri trước khi cuộc bỏ phiếu được tiến hành vào ngày 21-10 tới. 

Trên đường đua chính trị ngoài lãnh đạo các đảng Tự do cầm quyền, Bảo thủ, Đảng Xanh, đảng Dân chủ Mới, còn xuất hiện những gương mặt mới với tư cách là các ứng cử viên độc lập như Cựu Bộ trưởng Tư pháp Canada Jody Wilson-Raybould và cựu Chủ tịch Ủy ban Ngân khố quốc gia Jane Philpott.

Những ứng cử viên này trở thành đối thủ đầy thách thức của Thủ tướng Trudea và có thể hủy hoại khả năng chiến thắng của đảng Tự do. Đáng chú ý, hai cựu nữ bộ trưởng này đã lên tiếng kêu gọi sự ủng hộ của các chính trị gia khác cũng như các cử tri bất mãn với hệ thống đảng Tự do.

Phép thử tín nhiệm       

Thủ tướng Canada Trudeau, nhậm chức hồi tháng 11-2015, đã hứa hẹn với cử tri về những con đường “rực nắng”, nhấn mạnh về tầm quan trọng của bình đẳng giới, quyền của người đồng tính, những vấn đề liên quan đến môi trường.

Trong nhiệm kỳ 4 năm qua,  Đảng Tự do của Thủ tướng Trudeau đã đạt được một số thành tựu kinh tế khi số người thất nghiệp áp sát mức thấp kỷ lục, kinh tế tăng trưởng và tỷ lệ đói nghèo sụt giảm. Trong báo cáo về triển vọng kinh tế toàn cầu quý III.2019 vừa công bố, các chuyên gia của ngân hàng Scotiabank (ngân hàng lớn thứ ba Canada về giá trị vốn hóa thị trường) nhận định nền kinh tế Canada là “ngôi sao phương Bắc”, với tốc độ tăng trưởng có khả năng vượt kinh tế Mỹ trong thời gian từ nay tới hết năm 2019.

Với sức tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy bởi nhu cầu nội địa vững mạnh, lòng tin của người tiêu dùng cũng như của giới doanh nghiệp tại Canada cũng đã được cải thiện mạnh trong những quý vừa qua, nhờ doanh số bán tăng và số việc làm mới khả quan. Tốc độ tăng lương trung bình ở mức 3,8% so với năm 2018, vượt lạm phát - hiện áp sát mức mục tiêu 2% của Ngân hàng trung ương Canada.

Ngân hàng trung ương Canada mới đây đã dự báo kinh tế nước này ước tăng trưởng 1,3% năm 2019 và 1,9% năm 2020. Sức tiêu thụ tại Canada đang được hậu thuẫn bởi thị trường việc làm “khỏe mạnh”, lương tăng, trong khi thị trường nhà đất đang dần ổn định.

Cùng với kinh tế tăng trưởng, tỷ lệ thất nghiệp tại Canada cũng giữ ở mức ổn định. Ngày 6-9, chỉ vài ngày trước khi bắt đầu chiến dịch bầu cử, chính phủ Canada thông báo, trong tháng 8 nước này đã tạo thêm 81.000 việc làm sau nhiều tháng tăng trưởng việc làm trì trệ. Thống kê cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tại Canada vẫn giữ ổn định ở mức 5,7% khi nhiều người tham gia lực lượng lao động để tìm kiếm việc làm. 

Đặc biệt trong bối cảnh nhiều khu vực của Canada phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động và xu hướng già hóa dân số khi số người trên 65 tuổi hiện đang nhiều hơn số người dưới 14 tuổi, trong khi số người sống trên 100 tuổi tại Canada hiện đang vượt con số 8.000, nước này đã triển khai các chương trình nhập cư kinh tế.

Người nhập cư kinh tế là những cá nhân tới Canada để tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn nhằm nâng cao điều kiện sống.

Giáo sư về chính trị học tại Đại học Ryerson, ông John Shields (Giôn Sai) cho biết, những người nhập cư theo dạng này được vào Canada trên cơ sở học vấn, kỹ năng và kinh nghiệm làm việc, và được đánh giá là năng động khi tìm việc.

Chính phủ nước này cũng đã công bố kế hoạch nâng mức tiếp nhận người nhập cư lên 350.000 người vào năm 2021, so với mức 310.000 người hiện nay. Phần lớn lượng người được nhập cư vào Canada trong năm 2021 thuộc các chương trình nhập cư vì mục đích kinh tế.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng nhận được sự ngưỡng mộ của cộng đồng quốc tế với những chính sách tiến bộ liên quan đến bình đẳng giới và môi trường. Tuy nhiên, hình ảnh của ông lại bị sứt mẻ bởi một số vụ bê bối trong nước, trong đó đáng chú ý là vụ việc liên quan đến tập đoàn xây dựng SNC-Lavalin.

Thủ tướng Trudeau khẳng định, ông nhận toàn bộ trách nhiệm, sau khi Ủy viên phụ trách Văn phòng Xung đột lợi ích và Đạo đức thuộc Quốc hội, Mario Dion kết luận rằng Thủ tướng đã vi phạm Mục 9 của Đạo luật Xung đột lợi ích, khi cố tác động tới Bộ trưởng Tư pháp ở thời điểm năm 2018 là bà Jody Wilson-Raybould để bà không tiến hành truy tố SNC- Lavalin. Tuy nhiên, Thủ tướng Trudeau khẳng định ông sẽ không xin lỗi vì đã bảo vệ việc làm tại Canada. 

Thủ tướng cho rằng ông đã cố tránh hậu quả tiêu cực khi một tập đoàn sử dụng nhiều nhân lực như SNC-Lavalin bị truy tố. SNC-Lavalin hiện có 9.000 nhân viên tại Canada và hơn 50.000 nhân viên tính trên quy mô toàn thế giới.

Ngoài ra, chính phủ liên bang Canada cũng đang đối mặt với sức ép ngày càng tăng về việc phải thực thi các biện pháp kiểm soát súng đạn chặt chẽ hơn sau vụ xả súng tại một Nhà thờ Hồi giáo ở Quebec năm 2017 khiến 6 người thiệt mạng và vụ xả súng tại Toronto năm 2018 khiến 15 người thương vong.

Hầu hết các vụ xả súng tại Canada được cho là do bạo lực băng đảng và sở hữu súng bất hợp pháp. Mặc dù bạo lực súng đạn ở quốc gia này ít xảy ra hơn so với ở nước láng giềng Mỹ, nhưng thực trạng này vẫn đang là một vấn đề lớn trong chiến dịch tranh cử.

Trước thềm cuộc bỏ phiếu dự kiến diễn ra vào ngày 21-10 tới đây, các chuyên gia cho rằng vấn đề mà các cử tri của Canada sẽ tập trung nhiều hơn là các vấn đề kinh tế và khả năng chi trả tài chính. Do vậy, nền kinh tế vững mạnh sẽ hỗ trợ tích cực cho Thủ tướng Justin Trudeau trong cuộc bầu cử sắp tới.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phân tích chính trị lại cho rằng trong chiến dịch tranh cử liên bang lần này Thủ tướng Trudeau có thể sẽ không giành đủ số ghế ở Hạ viện để tự thành lập chính phủ đa số liên quan đến một loạt sai lầm khiến người ta nghi ngờ về khả năng lãnh đạo của ông. Điều này sẽ khiến vị thế của Thủ tướng Trudeau bị suy yếu. 

Trong khi đó, kết quả thăm dò của công ty nghiên cứu Nanos Research vừa công bố ngày 10-9 cũng cho thấy đảng Tự do được 34,6% số phiếu bầu, trong khi đảng Bảo thủ đối lập, dưới sự lãnh đạo của ông Andrew Scheer, được 30,7%.

Với khoảng cách này, chưa có gì đảm bảo rằng đảng Tự do cầm quyền của Thủ tướng đương nhiệm Trudeau có thể giành đa số ghế trong Hạ viện. Mặc dù vậy lịch sử cho thấy các cuộc tổng tuyển cử của Canada có thể chứa đựng nhiều bất ngờ. Đảng Tự do từng xếp thứ ba ở thời điểm bắt đầu cuộc tổng tuyển cử năm 2015, nhưng sau đó đã bứt phá ngoạn mục để bước lên đài chiến thắng. 

Chính vì vậy, cuộc bầu cử lần này sẽ là phép thử tín nhiệm quan trọng đối với Thủ tướng Jusstin Trudeau.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phép thử tín nhiệm với Thủ tướng J.Trudeau