Những "hạt mầm bất an" trên chính trường Thái Lan

13/05/2019 17:11

Dù khả năng cao đảng Quyền lực nhà nước nhân dân sẽ giành được quyền lập chính phủ mới, chính trường Thái Lan trên thực tế đã bước sang một giai đoạn mới đầy bất trắc và nhiều bão giông.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha trong vòng vây của báo giới ngày 24.3. Ảnh: Bloomberg

Chính trường Thái Lan đang chứng kiến các "cuộc mặc cả" để hình thành liên minh chính trị cũng như những bước đi mang tính cạnh tranh, thậm chí là đối kháng quyết liệt của các phe phái nhằm giành quyền lập chính phủ mới hay ở cấp độ thấp hơn là các vị trí chủ chốt trong chính phủ mới sau khi Ủy ban Bầu cử Thái Lan (EC) công bố tên 149/150 hạ nghị sĩ theo danh sách đảng, theo đó có tới 26 chính đảng được phân bổ ghế hạ viện trong cuộc bầu cử ngày 24.3 vừa qua. Tính cả đảng Vì nước Thái (Pheu Thai) vốn đã hết “hạn ngạch” trong đợt phân bổ ghế lần này, hạ viện mới của Thái Lan có hơn 27 chính đảng. Đây là lần đầu tiên Hạ viện Thái Lan có nhiều đảng tham chính đến như vậy. Thủ tướng Prayut Chan-ocha cũng đã trình Nhà vua Maha Vajiralongkorn - Rama X danh sách các thượng nghị sỹ được lựa chọn. 

Như vậy, cộng cả danh sách 349 nghị sĩ trúng cử tại khu vực bầu cử, đảng Pheu Thai có tổng cộng 136 ghế, đảng Quyền lực nhà nước nhân dân (Palang Pracharath) của đương kim Thủ tướng Prayuth Chan-ocha có 115 ghế, đảng Tương lai mới (FFP) có 80 ghế, đảng Dân chủ 52 ghế, đảng Bhumjaithai 51 ghế. Các đảng còn lại trong 27 chính đảng sẽ có đại diện từ 1 đến 10 ghế. Dù khả năng cao đảng Quyền lực nhà nước nhân dân sẽ giành được quyền lập chính phủ mới, chính trường Thái Lan trên thực tế đã bước sang một giai đoạn mới đầy bất trắc và nhiều bão giông. 

Hiện tại, 10 trong số 11 đảng nhỏ được phân bổ 1 ghế hạ nghị sĩ theo danh sách đảng đã cam kết đứng về phía đảng Palang Pracharath và ủng hộ Thủ tướng Prayut Chan-o-cha liên nhiệm, trong khi đảng còn lại tuyên bố sẽ tham gia bất kỳ liên minh nào có thể đứng ra thành lập chính phủ. Một nguồn tin từ Palang Pracharath cho biết đảng này đang "tăng tốc tối đa" để thành lập một liên minh và những nhóm chủ chốt trong đảng đã bắt đầu thảo luận việc phân bổ các ghế nội các cho các thành viên liên minh. Một lãnh đạo Palang Pracharath thậm chí còn tuyên bố đảng này đã tập hợp được “hơn một nửa trong tổng số 500 hạ nghị sĩ” để đứng ra thành lập một chính phủ đa đảng và “không thấy trở ngại gì để phân bổ ghế cho các đảng nhỏ”. 

Ở bên kia chiến tuyến, sau khi kết quả bầu cử chính thức được công bố, đảng Pheu Thai và đồng minh chính là FFP đã trình đơn lên EC khiếu kiện kết quả bầu cử. Các đảng này cho rằng việc Tòa án Hiến pháp Thái Lan đưa ra phán quyết về công thức phân bổ hạ nghị sĩ theo hệ thống danh sách đảng quy định tại Điều 128, Luật bầu cử hạ nghị sĩ là không công bằng và thiên vị cho các đảng nhỏ. 

Khả năng thành lập chính phủ liên minh của liên minh chính trị do Pheu Thai dẫn đầu dường như đã hẹp dần. Theo giới quan sát, hiện nay liên minh này có khả năng đạt được nhiều nhất là 245, theo cách tính gây nhiều tranh cãi của EC, thay vì 255/500 ghế hạ viện như khi tuyên bố thành lập liên minh 7 đảng hôm 27.3, không đủ 376/750 ghế trong lưỡng viện để bầu thủ tướng và thành lập chính phủ. Việc khiếu kiện kết quả hay đề cập khả năng tập hợp lực lượng xuống đường rầm rộ là phản ứng được dự báo trước của liên minh vốn có xu hướng chống chính phủ đương nhiệm do các quân nhân lãnh đạo này.

Trong khi đó, cái gọi là “Nhóm do dự” bao gồm các đảng Dân chủ, Bhumjaithai, Chartthaipattana và Chartpattana hiện có tới 116 ghế hạ viện. Ông Anutin Charnvirakul, thủ lĩnh đảng Bhumjaithai, tuyên bố rằng đảng này “đang lắng nghe tiếng nói của người dân”, có thể là một cách diễn đạt ẩn ý về việc đang cân nhắc các lợi ích chính trị và kinh tế, ở cấp độ dài hạn và trước mắt. Bhumjaithai vốn được xem là chính đảng có lập trường “mềm dẻo” nhất trong số các đảng lớn tại Thái Lan, nên việc ban lãnh đạo đảng này quyết định đứng về bên nào trong cuộc đua giành quyền lập chính phủ, cũng được xem là khó lường. 

Một nguồn tin trong đảng Dân chủ cũng bác bỏ việc thương lượng với phe ủng hộ chính quyền quân sự, nói rằng các cuộc thảo luận có thể được tiến hành sau ngày 15.5 khi đảng này bầu chọn thủ lĩnh mới. Thất bại nặng nề trong cuộc tổng tuyển cử ngày 24.3 đã khiến ông Abhisit Vejjajiva phải từ chức Chủ tịch đảng và chính đảng 73 tuổi này hiện đứng giữa "ngã ba đường" khi phải lựa chọn chủ tịch mới, khôi phục uy tín và quyết định hợp tác với các đảng khác để thành lập chính phủ liên hiệp. Trong bối cảnh đó, cố vấn chính của đảng, cựu Thủ tướng Chuan Leekpai đã bày tỏ lo ngại về điều mà ông gọi là “những nhân tố bên ngoài” có thể gây ảnh hưởng đến các quyết sách của đảng. Có thể nói, đảng Dân chủ đang đứng trước thử thách rất lớn về bản sắc và khả năng đảng này liên minh với Phalang Pracharath thậm chí còn khá thấp vì lý do sợ mất hình ảnh, trong khi họ cũng khẳng định sẽ không liên minh với Pheu Thai "dưới bất kỳ hình thức nào”. 

“Nhóm do dự” vốn từ trước tới nay được nhìn nhận là đang nghiêng về phía phe ủng hộ chính quyền của các quân nhân. Tuy nhiên, các cân nhắc của họ sẽ là khó đoán định do đặc thù của từng đảng cũng như tương quan lực lượng của các đảng này với cả hai phe thân và chống chính quyền đương nhiệm nếu họ muốn chọn liên minh với bên nào hay tự đứng ra lập liên minh. Cũng đã xuất hiện thông tin rằng đảng Dân chủ và đảng Bhumjaithai không hài lòng với 12 ghế trong nội các, hay việc Phalang Pracharat với chỉ 115 ghế nắm tất cả những bộ chính và những bộ liên quan đến kinh tế.

Có thể nói, bất ổn của chính trường Thái Lan vẫn chưa lắng dịu sau khi kết quả bầu cử được công bố, nếu không nói là càng trầm trọng thêm. Sự bất an của người dân cũng được thể hiện trong kết quả thăm dò dư luận do Đại học Suan Dusit Rajabhat thực hiện. Khi được hỏi tình hình chính trị sẽ bình ổn tới mức nào sau khi có kết quả bầu cử chính thức, 45,20% số người trả lời rằng tình hình sẽ tương tự thời gian trước vì mâu thuẫn và đấu đá quyền lực vẫn lan tràn. Trong cuộc thăm dò khác tiến hành từ ngày 7-11.5, có đến 75,4% số người được hỏi nói rằng họ không đồng ý với cách thức mà EC áp dụng để phân bổ số ghế hạ nghị sỹ vừa công bố hôm 8.5 và cũng có đến 83,15% phản đối việc 15 bộ trưởng trong chính phủ đương nhiệm từ chức để trở thành thượng nghị sỹ, điều mà phe đối lập chỉ trích là nhằm bảo đảm sự nắm quyền lâu dài của phe quân nhân.

Một số giải pháp cũng được đề cập, như chính phủ đoàn kết dân tộc hoặc thủ tướng trung lập, tuy nhiên, giới quan sát nhận định bản chất nền chính trị Thái Lan đã thay đổi sang một trạng thái phát triển mới sau khi Nhà vua Rama IX qua đời, cùng đó ảnh hưởng chính trị của hoàng gia dẫn tới các giải pháp mang tính thỏa hiệp cho cuộc đấu tranh trên chính trường Thái Lan cũng đã khác trước. Các giải pháp này nếu được thực hiện sẽ khó có thể kéo dài và thậm chí còn có thể "ủ" cho các mâu thuẫn cơ bản trở nên sâu sắc hơn.  

Cũng có khả năng xảy ra kịch bản phe chống chính quyền đương nhiệm phát động các cuộc tuần hành rầm rộ phản đối chính phủ, đòi thay đổi các chế định hiện tại. Nhìn từ góc độ các khuôn dạng của cuộc bầu cử lần này do lực lượng bảo thủ truyền thống định ra, phe Pheu Thai đã bị thua ngay từ vạch xuất phát. Hơn nữa, Hiến pháp 2017 quy định rằng cuộc bầu cử thủ tướng vào 5 năm tới sẽ áp dụng hình thức bỏ phiếu chung ở cả hai viện quốc hội, trong khi thượng viện sẽ 5 năm được bầu lại và hạ viện là 4 năm. Điều đó có nghĩa là ít nhất trong 4 năm tới, thủ tướng tiếp theo vẫn sẽ được bầu theo hình thức này, thậm chí trong 8 năm tới thủ tướng đều sẽ do quân nhân của phe bảo thủ đảm nhận. Đây là điều mà phe Pheu Thai khó chấp nhận và họ từng muốn thay đổi với giả định sẽ giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử vừa qua, song việc đó đã không xảy ra.  

Khi các "hạt mầm bất an" đã bị tung ra từ "chiếc hộp Pandora" bầu cử phức tạp ở Thái Lan, những nguy cơ bạo lực, hỗn loạn cũng có thể thành hình. Các lực lượng trên chính trường nước này đang cân nhắc những bước đi tiếp theo với nhiều toan tính dài hạn và ngắn hạn. Sự ổn định tại Thái Lan sẽ phụ thuộc đáng kể vào cơ hội các bên tìm ra được giải pháp thỏa hiệp, bởi nếu không, đất nước Đông Nam Á này sẽ tiếp tục lún sâu thêm vào trạng thái không ổn định chính trị vốn dai dẳng hơn một thập niên qua, thậm chí là bùng phát thành một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.

SƠN NAM (TTXVN)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những "hạt mầm bất an" trên chính trường Thái Lan