Nga - Trung Quốc: Hợp tác để đối phó Mỹ

15/06/2019 18:48

Chuyến thăm Nga 3 ngày của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đầu tháng 6 vừa qua đã thúc đẩy mối quan hệ hai bên bước sang một chương mới với lòng tin mạnh mẽ, hợp tác trên các lĩnh vực trọng yếu.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Củng cố niềm tin chính trị

Lịch sử quan hệ Nga - Trung Quốc chưa bao giờ thân thiện và nồng ấm như hiện nay. Trong buổi tiếp Chủ tịch Tập Cận Bình tại Điện Kremlin ngày 5.6, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết mối quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh đang ở vào “cấp độ chưa từng có”.

Trả lời hãng thông tấn TASS của Nga, ông Tập Cận Bình nói: “Tôi hướng tới mở ra một chương mới cho mối quan hệ giữa hai nước cùng với Tổng thống Putin và chứng kiến mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện của chúng tôi sẽ bước sang một kỷ nguyên mới. Hai nước có lòng tin chính trị mạnh mẽ và luôn tin tưởng vào sự hỗ trợ vững chắc lẫn nhau về các vấn đề liên quan đến những lợi ích cốt lõi và những mối quan ngại lớn của từng nước”.

Câu hỏi đặt ra là tại sao vào thời điểm hiện tại, Nga và Trung Quốc lại gia tăng quan hệ và củng cố niềm tin chính trị đối với nhau.

Giới phân tích cho rằng đối với Nga, quan hệ với Mỹ đang rơi xuống đáy trong lịch sử quan hệ giữa hai nước và do những mâu thuẫn địa chính trị không thể hóa giải. Nga đang bị Mỹ trừng phạt trên nhiều lĩnh vực kể từ năm 2014 tới nay.

Đối với Trung Quốc, cuộc chiến thương mại với Mỹ đã bước sang năm thứ 2 và nguy cơ Mỹ tiếp tục áp thuế lên các mặt hàng của Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ trị giá khoảng 300 tỷ USD đang lơ lửng trên đầu.

Với những lý do riêng của mỗi bên cho thấy chuyến thăm Nga của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là một dấu mốc quan trọng thúc đẩy niềm tin chính trị giữa 2 bên, thúc đẩy sự phát triển quan hệ mạnh mẽ hơn giữa Nga và Trung Quốc.

Có thể thấy sự kỳ vọng của Trung Quốc trong chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Nga khi Trung Quốc dành tới 7 tháng để chuẩn bị. 

Khi tới Nga, ông Tập Cận Bình đã nói với Tổng thống Putin rằng quan hệ Trung Quốc – Nga “hiện đứng trước thách thức của thời gian trong bối cảnh tình hình thế giới đang thay đổi. Từng bước một, chúng ta đã xoay xở và đưa mối quan hệ lên một mức mới, mức cao nhất trong lịch sử”.

Theo giới phân tích, kỳ vọng là một chuyện còn thực tế lại là chuyện khác vì quan hệ thương mại hai chiều Nga – Trung rất khiêm tốn. Chính vì vậy, trong phát biểu trước báo giới cùng Tổng thống Putin và các phát biểu khác tại Nga, ông Tập Cận Bình chỉ một lần nhắc đến 2 cụm từ “kinh tế” và “thương mại”.

Chủ tịch Trung Quốc thiên về ca ngợi bản chất chính trị và chiến lược của mối quan hệ hai bên rằng “cả hai bên đều ủng hộ mạnh mẽ bên kia và bảo vệ những lợi ích quan trọng của mỗi bên”.

Còn Tổng thống Putin, trong phát biểu của mình không nhắc đến 2 cụm từ “kinh tế” và “thương mại” mà nhấn mạnh “lập trường của Nga và Trung Quốc trong các vấn đề then chốt toàn cầu là gần gũi và tương đồng với nhau".

Hậu chuyến thăm Nga của Chủ tịch Trung Quốc được giới phân tích cho rằng quan hệ mật thiết với Moscow giúp Bắc Kinh có thêm sức ảnh hưởng trong cuộc cạnh tranh với Mỹ. Điều này chứng tỏ Nga và Trung Quốc đang hợp sức để đối phó với Mỹ.

Ba cực

Quân hệ Nga – Trung Quốc được nâng lên một bậc mới, nhưng trong mối quan hệ này không thể bỏ qua nhân tố Mỹ.

Nhìn lại mối quan hệ của 3 cường quốc này thấy rõ một điều là sau Chiến tranh thế giới thứ 2, Liên Xô (nay là Nga) và Mỹ nổi lên như 2 trụ cột toàn cầu. Đến năm 1949, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời.

Ban đầu, Trung Quốc hướng về Liên Xô nhưng do những va chạm xảy ra giữa 2 bên nên với chiến lược riêng của mình, Trung Quốc thiết lập mối quan hệ với Mỹ vào đầu những năm 1970. Chiến tranh lạnh kết thúc, Liên Xô tan rã, Mỹ cùng đồng minh phương Tây đã “thành công” trong việc kiềm chế Nga.

Sau năm 2000, Nga vươn lên mạnh mẽ và lấy lại vị thế cường quốc của mình. Khi đó, "bộ ba" trong "tam giác chiến lược" hình thành.

Trong cuộc cạnh tranh này, Nga có quy mô dân số và tiềm lực kinh tế yếu nhất. So với Trung Quốc, dân số của Nga chỉ bằng 1/10 (147 triệu người so với 1,4 tỷ người). Kinh tế của Nga cũng bằng khoảng 1/10 Trung Quốc (1.600 tỷ USD so với 12.200 tỷ USD). Còn so với Mỹ, dân số của Nga bằng 1/3 dân số Mỹ nhưng kinh tế kém hơn rất nhiều.

Thời điểm hiện tại, quan hệ thương mại Mỹ - Trung ở mức rất cao. Năm 2018, trong cuộc chiến thương mại giữa 2 bên đang diễn ra nhưng thương mại trao đổi 2 chiều vẫn ở mức 737 tỷ USD. Trong khi đó, trao đổi thương mại hai chiều Nga – Trung ở mức 108 tỷ USD.

Như vậy, nhân tố Mỹ sẽ chi phối mối quan hệ Nga – Trung Quốc không chỉ trong hiện tại và cả trong lâu dài. Với mục tiêu địa chính trị riêng của mỗi bên, "bộ ba" này sẽ kiềm chế lẫn nhau nhưng Nga và Mỹ sớm hay muộn sẽ nối lại mối quan hệ bình thường bởi hiện tại Mỹ đang trừng phạt Nga nhưng hai nước vẫn làm ăn với nhau ở một số lĩnh vực. Ngay cả Trung Quốc - Mỹ cũng như vậy bởi chiến tranh thương mại giữa hai bên sớm hay muộn sẽ đến hồi kết.

HẢI HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nga - Trung Quốc: Hợp tác để đối phó Mỹ