Mỹ tiếp tục siết chặt lệnh cấm với Tập đoàn Huawei

22/08/2019 10:13

Mỹ vừa quyết định sẽ trì hoãn lệnh cấm Tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei mua các thiết bị từ doanh nghiệp Mỹ thêm 90 ngày nữa, tức đến ngày 19.11.2019 tới.

Nhưng đồng thời cũng bổ sung thêm 46 công ty con của Huawei vào danh sách các thực thể bị cấm. Các diễn biến này cho thấy những căng thẳng thương mại giữa hai nước vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, đồng thời khiến nền kinh tế của cả hai nước đều chịu nhiều thiệt hại.


Chính quyền của Tổng thống Donald Trump tiếp tục siết chặt lệnh cấm với Tập đoàn Huawei

Cấm thêm 46 công ty con của Huawei

Huawei hiện là nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn thứ hai toàn cầu và được xem là công ty đi đầu trong việc cung cấp thiết bị 5G. Tuy nhiên, trước các lệnh trừng phạt của Mỹ, công ty này hiện đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận các phần mềm và phần cứng quan trọng như chip điện thoại thông minh. 

Vào tháng 5.2019 vừa qua, trong bối cảnh các cuộc đàm phán thương mại cấp cao giữa Mỹ và Trung Quốc bị đổ vỡ và hai nước tiếp tục tung đòn thuế quan mới lên hàng hóa của nhau, tập đoàn Huawei của Trung Quốc cũng đã không nằm ngoài tầm ngắm của Mỹ. Bộ Thương mại Mỹ đã liệt Huawei vào "danh sách đen" nhằm chặn đường không cho công ty Trung Quốc mua linh kiện và công nghệ từ các nhà sản xuất Mỹ.

Sau đó vào ngày 15.5.2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump ra sắc lệnh cấm các hãng sản xuất Mỹ bán linh kiện và công nghệ cho tập đoàn công nghệ viễn thông khổng lồ Huawei của Trung Quốc, đồng thời cấm các công ty công nghệ trong nước mua hoặc sử dụng thiết bị cùng dịch vụ của Huawei. Tuy nhiên sau đó, vào ngày 20.5, Mỹ đã quyết định tạm hoãn thực thi lệnh cấm xuất khẩu công nghệ của Mỹ cho Huawei đến ngày 19.8.2019. 

Khi thời điểm trì hoãn việc thực thi lệnh cấm mua bán giữa các công ty Mỹ và Huawei đã hết hạn, ngày 19.8, Bộ Thương mại Mỹ đã tiếp tục trì hoãn lần thứ hai lệnh cấm các công ty Mỹ bán các linh kiện và dịch vụ cho Huawei cũng như mua thiết bị từ hãng công nghệ của Trung Quốc này.

Với việc trì hoãn lệnh cấm với Huawei lần này, hạn chót để thực hiện lệnh cấm này sẽ là vào ngày 19.11.2019 tới. Việc gia hạn được cho là nhằm giúp người tiêu dùng và nhà mạng ở Mỹ có đủ thời gian cần thiết để dịch chuyển khỏi thiết bị của Huawei. 

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cũng nêu rõ, đây là khoảng thời gian cần thiết để các doanh nghiệp viễn thông Mỹ giảm bớt sự phụ thuộc vào Huawei và giúp hoạt động kinh doanh không bị gián đoạn.

Tuy nhiên, đáng chú ý là đi kèm với quyết định gia hạn lệnh cấm với Huawei thì Bộ Thương mại Mỹ cũng đồng thời bổ sung thêm 46 công ty con của Huawei vào danh sách các thực thể bị cấm, nâng tổng số các thực thể bị hạn chế của hãng công nghệ này trong danh sách trên lên con số 100.

Nhiều người cho rằng, việc gia hạn lệnh cấm với Huawei lần này thực ra không mang nhiều ý nghĩa tích cực mà trái lại nó mở ra thời kỳ khó khăn hơn cho Huawei. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều chi nhánh, công ty con của Huawei sẽ bị ngừng hoạt động và các đối tác Mỹ sẽ phải giàm dần sự phụ thuộc vào Huawei. Việc bị đưa vào danh sách đen sẽ khiến Huawei không thể làm ăn với các công ty Mỹ, trừ khi họ được cấp giấy phép đặc biệt.

Lý giải về quyết định hoãn lệnh cấm đối với Tập đoàn Huawei của Trung Quốc lần này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 20-8 cho biết sự hiện diện của các hệ thống viễn thông Trung Quốc trong các mạng lưới của Mỹ, hoặc trong mạng lưới trên khắp thế giới đang tạo ra nguy cơ lớn.

Song việc Chính phủ Mỹ quyết định gia hạn giấy phép tạm thời cho Huawei thêm 90 ngày nữa là do hành động này không tạo ra mối đe dọa an ninh quốc gia cho Mỹ. Đồng thời, Ngoại trưởng Mỹ cũng khẳng định, Washington không gửi đi các thông điệp trái chiều khi đã quyết định trừng phạt Tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc hồi tháng 5, sau đó lại gia hạn miễn trừ cho công ty này được mua thiết bị từ các công ty Mỹ.

Trong khi đó, phản ứng trước những động thái trên của Mỹ, ngày 20-8, trong buổi họp báo thường kỳ, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng (Geng Shuang) đã kêu gọi Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm trên.

Ông Cảnh Sảng nêu rõ, Washington đã cam kết sẽ cho phép các công ty Mỹ tiếp tục cung cấp hàng hóa cho Huawei, khi lãnh đạo hai nước gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản, vào tháng 6 vừa qua. Ông nhấn mạnh, thời điểm và cách thức Mỹ thực hiện cam kết sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng và sự tín nhiệm của Mỹ.

Do đó, Trung Quốc hy vọng Mỹ sẽ "ngừng gây sức ép và đưa các lệnh trừng phạt vô lý" đối với Huawei, cũng như các công ty Trung Quốc khác. Ông Cảnh Sảng cho rằng Mỹ nên hỗ trợ tăng trưởng toàn cầu thông qua hợp tác kinh tế và thương mại Mỹ-Trung, thay vì làm tổn hại mối quan hệ này. Theo ông, sự hợp tác này sẽ giúp hai bên cùng có lợi.

Còn Tập đoàn công nghệ Huawei thì nhấn mạnh quyết định trên được Mỹ đưa ra trong thời điểm đặc biệt này là có động cơ chính trị và không liên quan đến an ninh quốc gia.

Huawei cho rằng Washington không quan tâm tới lợi ích của các doanh nghiệp Mỹ và việc cản trở hoạt động kinh doanh của Huawei không giúp Mỹ đạt được vị thế dẫn đầu về công nghệ. Theo Huawei, việc Mỹ gia hạn Giấy phép Tạm thời Tổng thể thêm 3 tháng không thay đổi thực tế là Huawei đã bị đối xử bất công.

Không bên nào được lợi

Mặc dù Washington đã tiếp tục hoãn thực thi lệnh cấm xuất khẩu công nghệ của Mỹ cho Huawei thêm 90 ngày nữa song việc Mỹ tiếp tục đưa thêm 46 công ty con của Huawei vào danh sách các thực thể bị cấm lần này chắc chắn sẽ tiếp tục gây ra những thiệt hại không nhỏ, không chỉ đối với Trung Quốc mà còn đối với cả các công ty công nghệ của Mỹ, nhất là trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế nhất nhì thế giới vẫn đang rất “nóng” và chưa có lối thoát.

Đối với tập đoàn Huawei và các công ty công nghệ của Mỹ, việc Mỹ yêu cầu hạn chế làm ăn giữa các công ty công nghệ ở Mỹ với Huawei khiến tổng thiệt hại cho cả hai bên lên tới hàng tỷ USD, bởi trước khi lệnh trừng phạt có hiệu lực, tập đoàn Huawei đã mua lượng linh kiện trị giá 70 tỉ USD từ 13.000 nhà cung cấp.

Trong đó, có tới khoảng 11 tỉ USD được chi trả cho các sản phẩm nhập khẩu từ hàng chục doanh nghiệp điện tử tại Mỹ, bao gồm chíp máy tính từ Qualcomm (QCOM) và Broadcom (AVGO), cũng như Microsoft (MSFT) và Google (GOOGL) Android.

Những số liệu trên cho thấy một thực tế là các công ty công nghệ Mỹ đang ngày càng phụ thuộc vào Huawei, và ngược lại, tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc cũng phải dựa vào nguồn cung cấp của các "đại gia" ở thung lũng Sillicon để bảo đảm sản lượng. Do đó, mối quan hệ cộng sinh giữa hai bên chắc chắn không tránh được những tác động tiêu cực. 

Hơn nữa, mất 1 đối tác làm ăn như Huawei, đồng nghĩa với việc các công ty công nghệ của Mỹ phải cắt giảm sản xuất và khiến 74.000 người mất việc. Ngoài ra, nó cũng ảnh hưởng đến công việc của những người đang làm trong các lĩnh vực khác.

Còn đối với với nền kinh tế của hai nước, cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới trong hơn 1 năm qua đã mang đến những tác động khó  lường.

Đối với Mỹ, những dữ liệu kinh tế mới đây cho thấy, những căng thẳng thương mại với Trung Quốc, bạn hàng lớn nhất của Mỹ, đang khiến kinh tế Mỹ phải trả giá. Theo số liệu công bố cuối tháng 7.2019, kinh tế Mỹ đã tăng trưởng chậm lại trong quý II.2019 với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chỉ tăng 2,1% trong khi cả xuất khẩu và đầu tư kinh doanh đều sụt giảm.

Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục cho rằng cuộc chiến thương mại với Trung Quốc tạo ra nguy cơ đối với kinh tế Mỹ. Tại cuộc họp chính sách ngày 31.7 vừa qua, FED đã phải cắt giảm lãi suất cơ bản lần đầu tiên kể từ năm 2008 nhằm tạo động lực phát triển cho nền kinh tế. 

Còn đối với Trung Quốc, chiến tranh thương mại với Mỹ cũng kéo nền kinh tế nước này đi xuống. Xu hướng các công ty đa quốc gia rời bỏ Trung Quốc, một phần do chi phí nhân công ngày càng gia tăng ở Trung Quốc, có thể ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng của quốc gia được mệnh danh là công xưởng của thế giới này.

Đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc trong 4 thập kỷ qua đóng vai trò quan trọng trong việc mang lại cho nước này những công nghệ và kỹ năng quản lý mới. Thế nhưng, chi phí nhân công cao thời gian qua đang khiến Trung Quốc mất đi lợi thế cạnh tranh trong những ngành không đòi hỏi kỹ thuật cao.

Theo thống kê, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong quý II.2019 chỉ đạt 6,2%, mức thấp nhất trong 3 thập kỷ qua. Tình hình đang tiếp tục xấu đi khi sự sụt giảm về kim ngạch xuất khẩu hiện nay cũng nghiêm trọng không kém so với thời điểm năm 2015, khi nền kinh tế Trung Quốc bị tác động bởi sự sụt giảm trên thị trường chứng khoán. Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 1,3% trong tháng 6-2019 so với mức tăng 1,1% trong tháng 5-2019.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mỹ tiếp tục siết chặt lệnh cấm với Tập đoàn Huawei