Mỹ rút khỏi INF: Ván bài mới bắt đầu

24/10/2018 20:07

Nhiều chuyên gia tin rằng Washington cần một cái cớ để xóa đi kết quả từ quá khứ, thiết lập một ván bài mới, nơi Mỹ có thể quyết định luật chơi.

Donald Trump đưa Mỹ rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) có thể tạo thêm phức tạp trong quan hệ Nga-Mỹ, khiến an ninh châu Âu rối loạn, đồng thời suy yếu sức mạnh NATO. Đặc biệt, hành động này có thể làm cho cán cân sức mạnh quân sự Nga-Mỹ-Trung thay đổi.

Để hiểu rõ hơn về sự nguy hiểm khi phá vỡ INF, cần hiểu rằng lý do tại sao INF lại được đưa ra ký kết. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Liên Xô đã cùng đồng thuận trong việc cho phép hai bên xây dựng hệ thống vũ khí mới. Theo đó, hệ thống quân sự này là “điểm nối” giữa việc sử dụng vũ khí hạt nhân tầm ngắn và vũ khí hạt nhân chiến lược sát thương cao tầm xa. Hệ thống vũ khí hạt nhân “trung gian” có thể triển khai tại chiến trường châu Âu những không thể trực tiếp vươn tới lãnh thổ Mỹ và Liên Xô thời đó.


Mỹ-Trung-Nga, một ván bài mới bắt đầu. Ảnh: SCMP

Kìm chế sức mạnh Nga?

Hiệu quả và tầm quan trọng của vũ khí hạt nhân tầm trung đã nhanh chóng biến loại vũ khí này trở thành một trong những sức mạnh hạt nhân chiến lược. Sự lạm dụng vũ khí hạt nhân tầm trung có khiến chiến trường rơi vào thảm cảnh.

Để loại bỏ “thảm kịch hạt nhân tầm trung”, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev đã tìm cách thiết lập một thỏa thuận. Theo đó, Mỹ-Liên Xô có thể duy trì các loại vũ khí tầm ngắn và chiến lược nhưng không sử dụng loại “vũ khí trung gian”, vốn có thể làm dấy lên một cuộc chiến tranh hạt nhân quy mô toàn cầu. 

Việc ký kết Hiệp ước INF giữa Mỹ và Liên Xô khi đó đã dấy lên làn sóng phản đối. Phương Tây cho rằng INF có thể làm suy giảm sức mạnh của NATO cũng như ảnh hưởng tới an ninh các quốc gia thành viên. Song, thỏa thuận này đã duy trì cán cân quân sự cần thiết: Liên Xô vẫn nắm trong tay ưu thế thường có trong khi NATO vẫn còn đó nguyên tắc tấn công hạt nhân trong trường hợp bị xâm lược.

Nhà Trắng liên tục cáo buộc Điện Kremlin vi phạm hiệp ước dẫn tới sự rút lui khỏi INF. Thực tế, cả Nga và Mỹ nhiều năm qua đã không ít lần buộc tội nhau phá hủy hiệp ước này. Song, theo nhiều chuyên gia quan sát, Moskva đã tiến hành thử nghiệm và triển khai nhiều loại vũ khí với tầm bắn trong phạm vi bị cấm bởi INF.

Kremlin tiến hành nghiên cứu vũ khí tầm trung mới vì người Nga đang mạnh hơn hay đang lo sợ trước nguy cơ suy giảm sức mạnh quân sự vẫn còn là điều cần bàn. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng Nga hiện đang lâm vào tình cảnh như NATO thời Chiến tranh Lạnh. Tăng cường sức mạnh quân sự bằng vũ khí hạt nhân luôn là lựa chọn của những siêu cường trên thế giới. Nhưng không giống như NATO, Moskva hiện không ở thế phòng thủ mà ngược lại, nhiều bên cho rằng Kremlin đang hướng tới việc củng cố sức mạnh có thể đe dọa tới các quốc gia láng giềng. Nếu xảy ra xung đột, rất có thể Nga sẽ tìm cách “phủ bóng đen hạt nhân” lên châu Âu nhằm đạt mục đích chiến lược.

Với INF, hưởng lợi nhiều nhất có lẽ không phải Nga hay Mỹ, mà là những quốc gia đồng minh Mỹ trong NATO ở châu Âu. Một khi INF bị xóa sổ, sẽ không phải Mỹ mà chính những quốc gia đồng minh quân sự của Mỹ trong NATO ở châu Âu, những quốc gia xung khắc với Nga, mới là những bên phải lo ngại. 

Trong nhiều kịch bản thời điểm trước: duy trì INF, hủy bỏ INF hoặc đàm phán hiệp ước mới thay thế hay thậm chí hủy bỏ INF mà không hề có thỏa thuận khác nào, dường như “thâm tâm” Nga-Mỹ có nhiều tương đồng. Những ngày qua, Điện Kremlin không ngớt lời chỉ trích quyết định rút lui của Donald Trump chủ yếu để tranh thủ dư luận và dồn trách nhiệm về phía Mỹ. Thực chất, người Nga hiểu rất rõ rằng tình hình thế giới hiện nay quá khác biệt so với thời điểm ký kết INF hồi cuối thập niên 80 thế kỷ trước. Bàn cờ hạt nhân ngày nay không chỉ có Mỹ và Nga, mà còn đó Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel, thậm chí cả Iran và Triều Tiên. Trong khi đó, INF chỉ nhắm đến Nga và Mỹ.

INF không chỉ là cuộc chơi song phương Nga-Mỹ, và đương nhiên, Donald Trump sẽ không muốn để một thỏa thuận ràng buộc song phương ảnh hưởng tới lợi ích đa phương của Mỹ. Một mặt, Nhà Trắng rút khỏi INF có thể là bước đi nhằm tái lập thế cân bằng sức mạnh quân sự, theo đó răn đe hạt nhân từ Nga có thể được đáp trả bằng sự đe dọa tương ứng từ Mỹ. Mặt khác, cả Washington lẫn Moskva đều có chiến lược mới về hiện đại hóa vũ khí hạt nhân, do đó INF tuy không gây ảnh hưởng quá lớn song cũng không hề mang lại lợi ích.

Răn đe Trung Quốc?

Bắc Kinh không tham gia INF, do đó cường quốc này được tự do xây dựng một kho vũ khí khổng lồ, bao gồm nhiều loại vũ khí có khả năng chống tiếp cận, chống xâm nhập, các loại tên lửa đạn đạo. Điều đáng nói, các loại vũ khí này đều là vũ khí tầm trung.

Điều này khiến Mỹ bị vượt mặt đáng kể trong cuộc cạnh tranh "tầm bắn" giữa các hệ thống quân sự được thiết kế để kiểm soát một cách an toàn các vùng biển và các vùng không phận phức tạp Tây Thái Bình Dương.

Trong trường hợp Mỹ-Trung xảy ra xung đột, tàu chiến Mỹ sẽ gặp nhiều bất lợi vì phụ thuộc các hệ thống quân sự thế hệ cũ. Tên lửa tấn công Tomahawk hoặc vũ khí triển khai từ các tàu sân bay sẽ dễ bị vô hiệu hóa bởi các tên lửa tầm trung mà Bắc Kinh giấu kín bên trong lãnh thổ. Trong viễn cảnh vũ khí Mỹ không thể tấn công hệ thống chống tàu chiến nằm trong lãnh thổ Trung Quốc, lực lượng hải quân Mỹ ngoài khơi sẽ rơi vào tình thế vô cùng nguy hiểm.

Sẽ không quá ngạc nhiên khi dư luận cho rằng việc Mỹ rút khỏi INF có thể giúp đảo ngược trạng thái đối kháng này và khiến Bắc Kinh đối mặt với “ác mộng”.

Các hệ thống vũ khí phi hạt nhân mới của Mỹ, bắt đầu từ phiên bản phóng từ mặt đất của tên lửa Tomahawk, sau đó mở rộng tới các loại tên lửa đạn đạo tương tự như DF-21 và DF-26 của Trung Quốc, có thể được bố trí tại các khu vực “ngoài tầm với” của Bắc Kinh, như phía Bắc Nhật Bản, Nam Philippines hay thậm chí tại khu vực Bắc Australia.

Theo giới quan sát, Bắc Kinh từ lâu đã lo ngại về khả năng Mỹ rút lui khỏi INF. Bởi khi đó, Washington có thể phát triển nhiều loại vũ khí tầm trung mới, tăng cường các hệ thống phòng thủ sẵn có của Mỹ và đồng minh trong khu vực. Điều này khiến Trung Quốc khó có thể triển khai lực lượng hải quân vượt quá xa các vùng biển lân cận.

Việc Mỹ rút khỏi hiệp ước INF không hẳn là bước đi nhằm kìm chế, củng cố lại tương quan lực lượng hạt nhân với Nga. Thậm chí, đây cũng chưa phải ý đồ nhắm thẳng vào sự trỗi dậy quân sự từ Trung Quốc. Nhiều chuyên gia tin rằng Washington cần một cái cớ để xóa đi kết quả từ quá khứ, thiết lập một ván bài mới, nơi Mỹ có thể đóng vai trò định hướng, dẫn dắt và quyết định luật chơi. Nhưng dù với mục đích nào, hủy bỏ INF sẽ đồng nghĩa với việc mở ra khả năng cho một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới. Phá bỏ INF chưa chắc đã khiến quan hệ Nga-Mỹ xấu đi, nhưng rõ ràng bàn cờ hạt nhân thế giới sẽ có nhiều thay đổi. Ván bài mới Nga-Mỹ-Trung có lẽ đã bắt đầu.

HÀ KIÊN (dịch và tổng hợp)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mỹ rút khỏi INF: Ván bài mới bắt đầu