Mỹ - Iran: 40 năm khủng hoảng và trừng phạt

23/11/2019 14:45

Căng thẳng Mỹ - Iran đã có lúc sắp bùng nổ thành cuộc xung đột vũ trang khó kiểm soát tại khu vực Trung Đông.

Sinh viên Iran tấn công đại sứ quán Mỹ ở Tehran ngày 4.11.1979

Cách đây 40 năm, ngày 4.11.1979, một nhóm sinh viên Iran đã đột nhập Đại sứ quán Mỹ tại Thủ đô Teheran của Iran bắt giữ 60 nhà ngoại giao và công dân Mỹ làm con tin, tạo ra cuộc khủng hoảng ngoại giao lớn trên thế giới. 

Khởi nguồn căng thẳng kéo dài 40 năm

Căng thẳng Mỹ - Iran đã có lúc sắp bùng nổ thành cuộc xung đột vũ trang khó kiểm soát tại khu vực Trung Đông, đặc biệt khi Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân được ký năm 2015 giữa Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga và Đức với Iran, đồng thời Mỹ tuyên bố áp các lệnh trừng phạt mới về kinh tế nhằm vào Teheran.

Với phương châm “gây sức ép tối đa” buộc Iran phải ngồi vào bàn đàm phán lại thỏa thuận theo yêu cầu của Mỹ, thời điểm này, dư luận thế giới đang đặt câu hỏi phải chăng Mỹ đang lặp lại những sai lầm đã mắc phải những năm cuối của thập niên 70 của thế kỷ trước.

Khi đó Mỹ cho rằng “Iran hiện không ở trong giai đoạn cách mạng, thậm chí là tiền cách mạng. Tuy người dân không hài lòng với sự kiểm soát chính trị chặt chẽ của Quốc vương Mohammad Reza Phalavi, nhưng không phải là mối đe dọa với chính phủ Iran”.

Mỹ đã thực sự mắc sai lầm khi đánh giá sai người dân Iran. Mỹ dùng CIA lật đổ chính phủ của Thủ tướng dân sự Mohammad Mossadeq để củng cố quyền lực cho Quốc vương Pahlavi. Tháng 1.1979, trước áp lực của phe chống đối thân với đại giáo chủ Khomeini, Quốc vương Pahlavi chạy sang Ai cập do mắc bệnh hiểm nghèo và một tháng sau đó cuộc cách mạng nổ ra.

Chính quyền Mỹ của Tổng thống Carter khi ấy vẫn muốn duy trì quan hệ với chính quyền cách mạng Iran vì Mỹ đã bán một lượng vũ khí hiện đại cho chính quyền Quốc vương Pahlavi trong đó có cả máy bay hiện đại F-14-Tomcat. Mỹ rất cần sự hỗ trợ của Iran để giám sát không phận và theo dõi các vụ thử vũ khí của Liên Xô.

Căng thẳng Mỹ và chính quyền cách mạng hồi giáo tăng cao khi Mỹ cho phép Quốc vương Pahlavi tới Mỹ chữa căn bệnh hiểm nghèo, đây chính là căn  nguyên để một nhóm sinh viên Iran đột nhập đại sứ quán Mỹ bắt giữ con tin. Hành động của nhóm sinh viên Iran được coi là cách thức để các nhà hoạt động cách mạng hồi giáo tuyên bố đoạn tuyệt với quá khứ và đặt dấu chấm hết cho sự can thiệp của Mỹ vào nội bộ cộng hòa hồi giáo. Khi các con tin Mỹ bị bắt giữ, đại giáo chủ Khomeini là người kiểm soát con tin, ông từ chối mọi đề nghị thả tự do cho con tin kể cả yêu cầu của Liên hợp quốc.

444 ngày giam giữ con tin

Dư luận Mỹ dậy sóng khi truyền thông Mỹ đưa hình ảnh các con tin người Mỹ bị bịt mắt và khống chế đã tạo áp lực buộc chính phủ phải tìm cách giải quyết. Chính quyền của Tổng thống Jimmy Carter không thể giải quyết cuộc khủng hoảng bằng con đường ngoại giao khi phía Iran đòi Mỹ phải trao trả cựu hoàng Pahlavi để phía Iran đưa ra xét xử và yêu cầu Mỹ phải xin lỗi vì những hành động của mình.

Phía Iran, sau 2 tuần bắt giữ con tin đã bắt đầu thả tự do cho những ai không phải là người Mỹ, toàn bộ phụ nữ, những người mang quốc tịch Mỹ song thuộc dân tộc thiểu số với lý do họ thuộc nhóm người bị Mỹ áp bức. Iran vẫn giữ 52 con tin còn lại tới 14 tháng sau đó.

Phía Mỹ, do bất lực về con đường ngoại giao, chính quyền của Tổng thống Carter đã phải yêu cầu Bộ Quốc phòng Mỹ lên kế hoạch giải cứu 52 con tin. Ngày 22.4.1980, chiến dịch mang tên “móng vuốt đại bàng” được giao cho một đơn vị đặc biệt tinh nhuệ (Delta) thực hiện. Tuy được tính toán kỹ lưỡng nhưng cuộc giải cứu thất bại, không có con tin nào được giải thoát nhưng lại có tới 8 quân nhân Mỹ thiệt mạng và ông Carter thất bại trước đối thủ Ronald Reagan trong cuộc bầu cử tổng thống sau đó vào tháng 11.1980.

Chính phủ mới của Mỹ do Ronald Reagan đứng đầu thông qua trung gian đã đạt được tiến bộ trong ngoại giao với Iran, đặc biệt Mỹ đã giải phóng 8 tỷ USD tài sản của Iran bị đóng băng trước đó và Iran đã trả tự do cho 52 con tin người Mỹ là nhân viên sứ quán Mỹ tại Iran sau 444 ngày gian giữ.

Cuộc khủng hoảng con tin Mỹ tại Iran đã chấm dứt từ gần 40 năm trước. Cuộc khủng hoảng này được coi là dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ Mỹ - Iran, đánh dấu một bước ngoặt “thù địch” giữa 2 nước, đưa quan hệ song phương rơi vào trạng thái căng thẳng tột cùng trong suốt 4 thập kỷ qua và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Đặc biệt khi Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 với Iran vì cho rằng đây là “thỏa thuận tồi tệ” nhất mà Mỹ đã ký với nước ngoài, đồng thời áp các đòn trừng phạt kinh tế nặng nề đối với Iran nhằm gây sức ép tối đa với Iran, buộc Iran phải ngồi lại bàn đàm phán với Mỹ và ký thỏa thuận theo yêu cầu của Mỹ. Vấn đề này Mỹ có thành công hay không? Và Iran liệu có khuất phục Mỹ hay không? Các nước tham gia ký thỏa thuận hạt nhân còn lại có ủng hộ Mỹ hay không? Lại là câu chuyện hoàn toàn khác.

Như vậy cuộc khủng hoảng con tin cách đây 40 năm kéo theo các quyết định trừng phạt của Mỹ đối với Iran cũng kéo dài tương ứng và gần đây được gia tăng bởi các lệnh trừng phạt liên quan đến thỏa thuận hạt nhân. Nút gỡ căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Iran chính là giảm những đòi hỏi ngược chiều nhau vì sự ổn định của khu vực và khôi phục mối quan hệ giữa 2 nước.

HẢI HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mỹ - Iran: 40 năm khủng hoảng và trừng phạt