Liệu AIIB đang thực sự phát triển châu Á?

14/12/2018 10:30

Kể từ khi hoạt động đến nay, AIIB chỉ mới phê duyệt các khoản vay với tổng giá trị dưới 7 tỷ USD, bao gồm cả đợt phê duyệt các khoản vay cuối cùng cho năm 2018.


AIIB đang phát triển châu Á hay trở thành “mỏ vàng mới” của Bắc Kinh? Ảnh: SCMP

Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á, AIIB, chìa khóa của đại chiến lược Vành đai-Con đường, được thành lập ngày 16.1.2016 với tổng mức góp vốn ban đầu là 100 tỷ USD, trong bối cảnh đan xen giữa sự chào đón kèm theo lo ngại. Những người ủng hộ cho rằng với AIIB, một “trật tự thế giới mới” sẽ hình thành, trong đó Trung Quốc là quốc gia trung tâm. Trong khi những lời chỉ trích chủ yếu xuất phát từ tâm lý e ngại AIIB sẽ khiến các tổ chức tài chính hiện có như Ngân hàng Thế giới (WB) hay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) bị cách ly khỏi “dòng chảy châu Á”. Thậm chí, dư luận thời điểm đó còn hoài nghi rằng Bắc Kinh sẽ biến AIIB thành công cụ làm suy yếu các tiêu chuẩn toàn cầu.

Một tổ chức tài chính được thành lập với lý do phát triển châu Á, song lại xoay quanh Bắc Kinh rõ ràng không phải là điều các cường quốc phương Tâytrông đợi. Tuy nhiên, những nỗ lực của Mỹ dưới thời Barack Obama nhằm “nhấn chìm” tham vọng Trung Quốc tỏ ra không hiệu quả. Cuối cùng, 66 quốc gia đã “sát cánh” cùng Trung Quốc với tư cách thành viên AIIB. Thậm chí bao gồm những quốc gia đồng minh thân cận với Mỹnhư Australia, Canada và Anh.

Với quy mô nguồn vốn và sự “chống lưng” từ Bắc Kinh, AIIB được cho rằng sẽ giải ngân từ 10-15 tỷ USD mỗi năm trong vòng 5-6 năm đầu hoạt động. Dư luận Mỹ tại thời điểm AIIB thành lập nhận định rằng, với khối tài sản và nguồn tài nguyên khổng lồ, Trung Quốc đang cạnh tranh trực tiếp với Mỹ trên “bàn cờ kinh tế thế giới”.

Tuy nhiên, kể từ khi hoạt động đến nay, AIIB chỉ mới phê duyệt các khoản vay với tổng giá trị dưới 7 tỷ USD, bao gồm cả đợt phê duyệt các khoản vay cuối cùng cho năm 2018, được thông qua tại cuộc họp hội đồng quản trị ngày 7.12 vừa qua. Trong đó, các khoản vay được giải ngân cho đến thời điểm hiện tại thậm chí còn ít hơn rất nhiều so với tổng số tiền được duyệt. Một khoản vay trị giá 400 triệu USD được AIIB thông qua hồi tuần trước dành cho dự án cấp nước tại Ấn Độ sẽ được giải ngân trong giai đoạn từ 2019-2023.

Thực tế, dựa trên các số liệu tài chính, số tiền giải ngân được ghi nhận trên sổ sách của AIIB dường như chỉ ở con số 1,15 tỷ USD.Trong khi đó, ngân hàng này hiện đang nắm giữ khoảng 8,5 tỷ USD tiền gửi và khoảng 3,3 tỷ USD khác được gửi trong các quỹ tín thác. Những con số cho thấy sự “khập khiễng” nhất định về tài chính của AIIB, một ngân hàng được lập ra nhằm cung cấp nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á lại có số tiền giải ngân ít hơn rất nhiều so với số tiền huy động được. Điều này làm dấy lên câu hỏi về mục đích thực sự của AIIB, rằng ngân hàng này liệu đang thực sự hỗ trợ phát triển châu Á đúng như tên gọi của nó hay không.

Năm 2018, AIIB phê duyệt các khoản vay mới với tổng giá trị khoảng 2,5 tỷ USD, những khoản vay rất có thể sẽ khó được giải ngân với nhiều lý do khác nhau. So với năm 2017, giá trị khoản vay được phê duyệt mới đã giảm khoảng 1 tỷ USD. Trong bối cảnh có nhiều hạn chế từ AIIB, những tổ chức tài chính khác dường như có sự vận hành tốt hơn. Chỉ tính riêng WB, cam kết cung cấp nguồn tài chính từ tổ chức này dành cho Ấn Độ trong năm 2018, ở mức 3,4 tỷ USD, đã nhiều hơn hẳn so với những gì AIIB cam kết hỗ trợ cho toàn châu Á. Bên cạnh đó, WB có một hệ thống theo dõi dòng tiền giải ngân được đánh giá tốt hơn nhiều lần so với những gì AIIB đang sở hữu.

Trong gần 3 năm qua, AIIB cam kết cung cấp nguồn hỗ trợ tài chính với tổng giá trị khoảng 7 tỷ USD cho 34 dự án tại 13 quốc gia. Cho đến nay, quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất là Ấn Độ, 9 dự án với tổng giá trị khoản vay vào khoảng 2 tỷ USD. Quốc gia hưởng lợi thứ 2 là Indonesia, 5 dự án với tổng giá trị vay vốn khoảng 940 triệu USD.

So sánh với AIIB, ngân hàng Phát triển châu Á ADB, được Mỹ và Nhật Bản dẫn dắt, đã phê duyệt khoảng 279 dự án trong năm 2018. Trong năm 2017, ADB đã thông qua 281 dự án có yếu tố bảo đảm từ chính phủ tại các quốc gia với tổng giá trị khoảng 21,4 tỷ USD. Thậm chí, các chương trình cho vay tài chính thứ cấp đối với các dự án không có yếu tố chính phủ, dành cho khu vực kinh tế tư nhân, cũng gần ngang bằng với tổng mức cho vay từ AIIB.

Theo nhiều nhà quan sát, quy mô trung bình cho một cam kết hỗ trợ tài chính từ AIIB vào khoảng 200 triệu USD, mức độ tham gia vào bất kỳ dự án nào của ngân hàng này trung bình ở mức 25% tổng chi phí. Một điều dễ nhận thấy, đó là AIIB dường như tích cực tham gia vào các dự án tại các quốc gia khác nhau với vai trò là nhà đầu tư, trong khi “dè dặt” hơn với vai trò của một tổ chức tín dụng.

Quay trở lại với mục đích hình thành và quy mô nguồn vốn từ AIIB. Tổ chức tài chính này được nhận định sẽ cung cấp cho châu Á nguồn tiền trị giá khoảng 30-40 tỷ USD trong 3 năm đầu hoạt động. Đây vốn được coi là động lực mới giúp châu Á phát triển cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, số tiền ngân hàng này đầu tư thực tế ở mức rất “khiêm tốn”. Hồi năm 2015, những người ủng hộ và phản đối việc thành lập AIIB dường như đều cùng chung một quan điểm, rằng châu Á sẽ hình thành một “bàn cờ kinh tế-địa chính trị” mới. Thay vì một thế giới hướng về Trung Quốc sẽ là một châu Á hướng về Trung Quốc khi có AIIB. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, có lẽ thay vì đặt câu hỏi rằng liệu Trung Quốc sẽ “thống trị” thế giới, sự hoài nghi về dòng tiền từ AIIB đang dần xuất hiện. Phải chăng AIIB đang trở thành “mỏ vàng mới” mà Bắc Kinh đang “âm thầm” khai thác?

HÀ KIÊN (dịch và tổng hợp)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Liệu AIIB đang thực sự phát triển châu Á?