G7 đã gắn kết trở lại

14/06/2021 17:12

Hội nghị thượng đỉnh trực tiếp lần đầu tiên sau gần 2 năm của Lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã khép lại với những cam kết đầy hứa hẹn.


Các đại biểu chụp ảnh chung tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Cornwall (Anh)

Sau nhiều năm rạn nứt, những cam kết này đã khẳng định sự gắn kết trở lại của G7 cũng như vai trò dẫn dắt của các cường quốc hàng đầu thế giới trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu.

Nhiều năm rạn nứt

Trong lịch sử hình thành và phát triển, 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới gồm Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy và Nhật Bản luôn là một khối thống nhất với những mục tiêu chung vì sự phát triển, đoàn kết đối phó với những thách thức mang tính toàn cầu đồng thời khẳng định vai trò dẫn dắt thế giới. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, giữa các nước G7 đã có sự rạn nứt liên quan đến nhiều vấn đề.

Hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2017 tại Italy bị đánh giá là "u ám" bởi những tranh cãi liên quan tới việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Hội nghị năm 2018 tại Canada cũng bị giới phân tích coi như "thất bại" khi Tổng thống Mỹ Donald Trump từ chối ký tuyên bố chung do những bất đồng liên quan đến việc Washington áp thuế cao đối với các sản phẩm thép và nhôm của EU và Canada xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Cuộc nhóm họp trực tiếp của G7 ở Pháp vào năm 2019 đã bị “phủ bóng” bởi những câu hỏi về sự thống nhất trong vấn đề môi trường và chính trị, trong bối cảnh Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu. Hội nghị thượng đỉnh lần này đã cho thấy một sự chia rẽ lớn khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, lần đầu tiên trong lịch sử 44 năm của G7, không đưa ra tuyên bố chung với lý do “cuộc khủng hoảng dân chủ sâu sắc”. Điều này góp phần phản ánh rõ thêm sự rạn nứt sâu sắc giữa nguyên thủ các nước công nghiệp lớn nhất thế giới. Khi "quay lưng" với chủ nghĩa thương mại quốc tế đa phương, rút khỏi Hiệp định Paris và thỏa thuận hạt nhân Iran, áp dụng chính sách Trung Đông gây nhiều tranh cãi..., nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump tỏ ra đã đi "chệch" khỏi mục tiêu chung mà trước đây G7 vẫn luôn đạt được sự đồng thuận.

Còn tại hội nghị thượng đỉnh năm 2020, dù các nhà lãnh đạo G7 đã nhất trí phối hợp hành động, bao gồm cả đối phó với đại dịch và phục hồi kinh tế hậu COVID-19, trong đó có việc thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ việc làm và nền kinh tế khỏi tác động tiêu cực của dịch bệnh, triển khai các biện pháp tài chính và tiền tệ cần thiết để phục hồi lòng tin và tăng trưởng kinh tế nhằm bảo vệ việc làm, doanh nghiệp, khả năng phục hồi của hệ thống tài chính, thúc đẩy thương mại toàn cầu và đầu tư nhằm tăng cường sự thịnh vượng, song ngoài những cam kết đạt được thì dường như G7 không đưa ra được kế hoạch chi tiết nào để hiện thực hóa cam kết.

Năm 2021, nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của tân Tổng thống Joe Biden đã có những dấu hiệu tích cực hơn trong việc hướng đến chủ nghĩa đa phương và thể hiện tinh thần sẵn sàng hợp tác với các đối tác G7 về các vấn đề thương mại, biến đổi khí hậu... Trong bối cảnh đại dịch và nhiều thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng, hội nghị thượng đỉnh năm nay là cơ hội ngoại giao để G7 thể hiện sự thống nhất sau những kỳ hội nghị căng thẳng và bất hòa.

Gắn kết trở lại

Hội nghị thượng đỉnh G7 lần này kéo dài 3 ngày, từ 11-13.6,  tại vịnh Carbis ở Cornwall, phía Tây Nam, vùng England của nước Anh, với chương trình nghị sự tập trung vào nỗ lực chấm dứt đại dịch COVID-19, viện trợ vaccine, sự hồi phục kinh tế lấy môi trường làm trọng tâm, biến đổi khí hậu và thúc đẩy việc sử dụng nhiên liệu sạch.

Kết thúc hội nghị, lãnh đạo Nhóm G7 cam kết viện trợ 1 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 và tăng cường hành động về biến đổi khí hậu. Thủ tướng Anh Boris Johnson, chủ trì hội nghị cho biết số vaccine cam kết 1 tỷ liều này sẽ được phân phối qua cả kênh trực tiếp và thông qua chương trình COVAX, một cơ chế chia sẻ vaccine do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khởi xướng nhằm phân phối công bằng nguồn vaccine ngừa COVID-19 cho các nước nghèo trên thế giới.

Có thể thấy, không một quốc gia nào có thể an toàn cho đến khi cả thế giới kiểm soát được dịch bệnh, và trong bối cảnh đó, nhu cầu cấp thiết và quan trọng nhất vẫn là bù đắp sự thiếu hụt tài chính cho cơ chế tiếp nhận vaccine toàn cầu COVAX, cũng như thúc đẩy sản xuất và chia sẻ vaccine. Tất cả các quốc gia cần được tiếp cận với vaccine COVID-19 và các phương thức để tạo miễn dịch cho người dân một cách hiệu quả. Trong bối cảnh thế giới đã đạt được những bước tiến lớn trong tiêm chủng song vaccine vẫn chưa được phân phối đồng đều, cam kết viện trợ 1 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 thông qua chương trình COVAX của các nhà lãnh đạo G7 được coi là yếu tố sống còn.

Ngoài vaccine, G7 cũng cam kết cung cấp nhiều viện trợ hơn cho các nước bị ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu, giảm gần một nửa lượng khí thải carbon vào năm 2030 so với năm 2010, ngăn chặn tình trạng mất đa dạng sinh học đồng thời loại bỏ dần các khoản đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch.

Các nhà lãnh đạo của Nhóm G7 còn nhất trí về sự cần thiết phải tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế mỗi nước bằng các gói kích thích tài khóa sau sự tàn phá của đại dịch COVID-19. Ngoài ra, các quan chức G7 còn cam kết về việc chi hàng trăm tỷ USD cho dự án "Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn" (B3W) để đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng cho các nước có thu nhập thấp và trung bình, nhằm xây dựng quan hệ đối tác tiêu chuẩn cao và minh bạch. Theo nhận định của giới chuyên gia, cam kết thúc đẩy phục hồi kinh tế và hỗ trợ tài chính không chỉ đẩy nhanh sự phục hồi hậu đại dịch cho chính các quốc gia G7 mà trong bối cảnh cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng COVID-19 đang tạo ra những thách thức chưa từng có đối với nền kinh tế toàn cầu, một giải pháp toàn cầu, với sự đi đầu của các nước công nghiệp phát triển nhất thế giới vốn chiếm gần 40% GDP toàn cầu, là rất cần thiết để đánh bại đại dịch và nối lại hoạt động của các nền kinh tế.

Một bước đi quan trọng hướng tới hệ thống thuế công bằng hơn, phù hợp với thế kỷ XIX, và cuộc chạy đua đánh thuế rất thấp kéo dài suốt 40 năm qua cũng đã chấm dứt khi các nhà lãnh đạo G7 đạt thỏa thuận về thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu.

Trong thông cáo cuối cùng kết thúc Hội nghị thượng đỉnh G7 trực tiếp diễn ra lần đầu tiên sau gần 2 năm, các nhà lãnh đạo hoan nghênh nỗ lực của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong việc đưa G7 gắn kết trở lại sau “kỷ nguyên có quá nhiều bất đồng”. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng Tổng thống Mỹ Biden đã mang "một động lực mới" cho G7 trong 3 ngày qua.

Những thông điệp tích cực tại Hội nghị thượng đỉnh năm 2021 đã khẳng định sự gắn kết trở lại của G7 đồng thời là cơ hội để các cường quốc công nghiệp tìm lại vai trò đầu tàu dẫn dắt và sức mạnh ngoại giao vốn đã sa sút trong vài năm nay. Hơn thế nữa, bài học quan trọng mà chính phủ các nước G7 đã học được từ đại dịch COVID-19 là mọi quốc gia đều phải đối mặt và dễ bị tổn thương như thế nào trước các mối đe dọa toàn cầu, như bệnh truyền nhiễm, biến đổi khí hậu và thiệt hại đa dạng sinh học. Những thách thức đối với sự phát triển bền vững và thịnh vượng do đại dịch gây ra đều có mối liên hệ với nhau, vì vậy các quốc gia cần một cách tiếp cận tổng hợp và G7 đã thể hiện trách nhiệm lãnh đạo cách tiếp cận này.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    G7 đã gắn kết trở lại