Cục diện Afghanistan sẽ thế nào sau khi Mỹ rút quân?

13/07/2021 20:40

Sau khi Mỹ rút toàn bộ binh lính khỏi Afghanistan, một cục diện mới sẽ được xác lập với những biến số mới. Tuy nhiên, về cơ bản, Afghanistan vẫn sẽ là mảnh đất chịu sự chi phối của nhiều bên.


Lực lượng an ninh Afghanistan giao tranh với phiến quân Taliban tại tỉnh Laghman ngày 24.5.2021

Tình hình Afghanistan trong những ngày qua có rất nhiều diễn biến đáng chú ý, từ việc Tổng thống Mỹ Joe Biden chính thức xác nhận Mỹ sẽ hoàn thành việc rút quân vào ngày 31.8 tới, đến việc các quốc gia như Nga, Iran,… thể hiện vai trò trong quá trình đàm phán giữa chính phủ Afghanistan với lực lượng Taliban. Những diễn biến này đặt ra câu hỏi, ai sẽ lấp khoảng trống tại Afghanistan sau khi binh sỹ Mỹ rời khỏi quốc gia Nam Á này?

Mỹ sẽ hoàn thành rút quân sớm trước thời hạn

Sau sự kiện khủng bố kinh hoàng 11.9.2001, Mỹ đã đưa quân đến Afghanistan. Có thời điểm, số lượng binh sĩ Mỹ hiện diện tại đây lên tới 47.000 người. Cuộc chiến tại Afghanistan đã khiến hơn 2.200 binh lính Mỹ tử vong và tiêu tốn hàng nghìn tỉ USD của Mỹ. Đầu năm 2020, chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump đã đạt được thỏa thuận với Taliban, theo đó Mỹ cam kết sẽ rút nốt 2.500 lính khỏi Afghanistan trước thời điểm 1.5 năm nay. Đổi lại, Taliban sẽ cắt đứt quan hệ với các nhóm khủng bố như Al Qaeda và tham gia vào những cuộc đàm phán hòa bình với Chính phủ Afghanistan.

Khi lên nắm quyền, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng thời điểm rút hết quân Mỹ trước ngày 1.5.2021 là không khả thi, nên ông đã điều chỉnh mốc thời gian, theo đó sẽ rút hoàn toàn quân Mỹ khỏi Afghanistan vào ngày 11.9 tới, chấm dứt cuộc chiến kéo dài 2 thập kỷ của Mỹ tại Afghanistan. Ngoài Mỹ, các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng của 30 nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng thống nhất rút hết quân của liên minh này khỏi Afghanistan theo lộ trình mà Mỹ đã thông báo.

Từ ngày 1.5, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bắt đầu thực hiện lộ trình chấm dứt sự hiện diện quân sự tại Afghanistan. Tính đến thời điểm hiện tại, kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan của Mỹ đã hoàn tất 90%. Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 8.7 vừa qua cũng thông báo sứ mệnh quân sự của Mỹ tại Afghanistan sẽ kết thúc sớm hơn dự kiến, vào ngày 31.8 tới. Sau thời điểm này, Mỹ sẽ chỉ để lại 650 quân để đảm bảo an ninh cho Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Kabul. Theo Tổng thống Biden, Mỹ đã hoàn thành mục tiêu khi phát động cuộc chiến tại Afghanistan là xóa sổ mạng lưới Al Qaeda, ngăn chặn được các vụ tấn công nhằm vào nước Mỹ như vụ khủng bố ngày 11.9.2001, và tương lai phía trước sẽ do người Afghanistan tự quyết định. Viện dẫn thực tế 300 nghìn quân nhân Afghanistan được Mỹ huấn luyện và trang bị trong 20 năm qua, nhà lãnh đạo Mỹ tin tưởng quân đội Afghanistan có thể đảm trách nhiệm vụ bảo vệ  đất nước.

Cùng với Mỹ, Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 8.7 cũng thông báo phần lớn binh sĩ nước này đã rút khỏi Afghanistan. Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton ngày 11.7 cũng xác nhận hoàn tất việc rút quân khỏi quốc gia Tây Nam Á, kết thúc 20 năm Australia triển khai lực lượng tại đây…

Tuy nhiên, có một thực tế là từ khi quân đội các quốc gia thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ dẫn đầu thực hiện lộ trình rút khỏi Afghanistan, tình hình tại đất nước Tây Nam Á này bắt đầu có những chuyển biến theo chiều hướng bất ổn. Việc các tay súng Taliban liên tục mở rộng địa bàn kiểm soát đang có nguy cơ làm chệch hướng tiến trình đối thoại và hòa giải chính trị, đẩy Afghanistan vào một cuộc nội chiến mới. Chỉ vài giờ sau khi Mỹ tuyên bố đã hoàn thành hơn 90% kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan (ngày 8.7), Taliban mở đợt tấn công tổng lực nhằm vào thủ phủ tỉnh Badghis ở miền Tây Bắc Afghanistan.

Khoảng trống an ninh đáng lo ngại

Giao tranh giữa quân đội Afghanistan và Taliban đã gia tăng từ sau khi các lực lượng nước ngoài do Mỹ đứng đầu bắt đầu rút quân khỏi chiến trường Tây Nam Á này từ ngày 1.5, trong đó Taliban đã mở rộng quyền kiểm soát thêm nhiều vùng lãnh thổ, chiếm đóng lại nhiều khu vực, chủ yếu ở miền Bắc - nơi sinh sống của các nhóm sắc tộc thiểu số.

Theo thống kê của tạp chí Long War Journal, trước ngày 1.5, Taliban đã kiểm soát 73 trong số 398 quận/huyện thuộc 34 tỉnh của Afghanistan, trong khi Chính phủ Afghanistan kiểm soát 115 quận/huyện, và 210 quận/huyện khác ở trong trạng thái giằng co. Tuy nhiên, đến ngày 7.7, Taliban đã kiểm soát 196 quận/huyện, và khu vực kiểm soát của Chính phủ Afghanistan chỉ còn 74 quận/huyện.

Trong khi đó, Chính phủ Afghanistan, hiện vẫn nắm giữ các tỉnh/thành chủ chốt, các thành phố lớn như Kabul, Kandahar, Kunduz, Herat.... cũng đã mở chiến dịch tổng động viên quân, trang bị vũ khí cho dân thường và các lực lượng dân quân địa phương để đối phó với các cuộc tấn công của Taliban, đồng thời lên kế hoạch phản công tại các tỉnh miền Bắc nước này sau khi để mất quyền kiểm soát khu vực vào tay Taliban. Với thực trạng hiện nay, dư luận lo ngại bất ổn tại Afghanistan sẽ còn trầm trọng hơn và tiếp diễn trong thời gian tới.

Còn theo thống kê của Phái bộ Hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Afghanistan (UNAMA), kể từ đầu năm 2021 đến nay, tình hình tại Afghanistan ngày càng xấu đi do bạo lực leo thang. UNAMA cho biết số thương vong dân thường tăng 29% trong quý I.2021, với 573 người thiệt mạng, 1.210 người bị thương so với cùng kỳ năm 2020. Afghanistan cũng đang đối mặt với tình trạng khủng hoảng nhân đạo trầm trọng, với hơn 18,4 triệu người, tương đương hơn 1/3 dân số, cần hỗ trợ nhân đạo.

Những cuộc giao tranh giữa quân đội Afghanistan và lực lượng Taliban diễn ra trong bối cảnh các cuộc đối thoại giữa hai bên cũng đang rơi vào bế tắc. Còn nhớ sau khi ký thỏa thuận lịch sử với Taliban hồi tháng 2.2020, Mỹ đã ủng hộ các cuộc đàm phán ở Thủ đô Doha của Qatar, thúc đẩy chính quyền Kabul và Taliban đạt thỏa thuận về chia sẻ quyền lực, trước thời điểm khoảng 2.500 binh sĩ Mỹ cuối cùng rời Afghanistan. Từ tháng 9/2020, các tay súng Taliban và đại diện Chính phủ Afghanistan đã tiến hành các cuộc hòa đàm, nhưng tiến độ chậm chạp, bất chấp các nỗ lực của cộng đồng quốc tế thúc đẩy tiến trình hòa bình. Các cuộc đối thoại tại Doha hiện rơi vào bế tắc do các bên chưa thống nhất được nội dung và lộ trình đàm phán. Mặc dù chính quyền Kabul và lực lượng Taliban đã có các cuộc thảo luận xung quanh việc sửa đổi Hiến pháp, chính phủ tương lai, cũng như các điều khoản ngừng bắn, song gần như chưa đạt được nhất trí nào, bởi kỳ vọng của mỗi bên về cơ bản là khác nhau.

Mới đây nhất, trong cuộc đàm phán được tổ chức tại thủ đô Tehran (Iran) ngày 8.7, các phái đoàn của Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban đã nhất trí về nguy cơ chiến tranh tiếp diễn cũng như thiệt hại mà chiến tranh sẽ gây ra đối với sự thịnh vượng của đất nước. Hai bên khẳng định rằng "chiến tranh không phải là giải pháp cho vấn đề Afghanistan và tất cả các nỗ lực đạt được một giải pháp chính trị và hòa bình cần được chứng minh". Hai bên cũng nhất trí tiếp tục đàm phán về một cơ chế cụ thể nhằm đạt được hòa bình lâu dài và xây dựng nhà nước Hồi giáo trong cuộc họp tiếp theo, dự kiến sẽ được tổ chức trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, thực tế những cuộc giao tranh trên thực địa ở Afghanistan thì lại không như những gì mà các bên cam kết, khiến cộng đồng quốc tế vô cùng lo ngại.

Theo giới chuyên gia lý giải, nhiều thành phần cực đoan trong Taliban luôn cho rằng nếu giảm các vụ tấn công bạo lực sẽ có thể khiến Taliban giảm lợi thế trên bàn đàm phán. Bên cạnh đó, Taliban sẽ không từ bỏ mục tiêu tái lập một "Tiểu vương quốc Hồi giáo" tại khu vực.

Trong khi đó, ngay trong chính quyền của Tổng thống Ashraf Ghani cũng nảy sinh mâu thuẫn nội bộ về vấn đề chia sẻ quyền lực và cho phép các thành viên Taliban tham gia chính phủ lâm thời. Nhiều ý kiến lo ngại, Taliban có thể tìm cách củng cố và mở rộng quyền kiểm soát hơn nữa thông qua việc tận dụng quy trình bầu cử. Chính Tổng thống Ashraf Ghani cũng thừa nhận, quá trình chuyển tiếp chính trị tại quốc gia Tây Nam Á này "hiện đang ở giai đoạn phức tạp nhất".

Do đó, việc Mỹ nhanh chóng rút toàn bộ binh lính khỏi Afghanistan cộng với tình hình lực lượng Taliban đã giành quyền kiểm soát thêm nhiều khu vực lãnh thổ sẽ khiến Taliban và Chính phủ Afghanistan rơi vào cuộc chiến tranh giành quyền lực có thể dẫn tới nội chiến, đồng thời đẩy tình hình an ninh khu vực xuống mức tồi tệ thêm. 

Nguy cơ châm ngòi cuộc đua tranh ảnh hưởng trong khu vực

Việc rút quân của Mỹ còn có thể châm ngòi một cuộc đua trong khu vực, với nhiều bên khác nhau, từ Trung Quốc tới Thổ Nhĩ Kỳ, từ Nga tới Ấn Độ - tất cả đều đang tìm cách tận dụng khoảng trống quyền lực ngoại giao ở Kabul. Afghanistan vốn có vị trí địa chính trị độc đáo, là cầu nối giữa Nam Á và Trung Á, giữa Đông Á và Tây Á. Bởi vậy chắc chắn sau khi Mỹ rút toàn bộ quân khỏi Afghanistan, một cục diện mới sẽ được xác lập với những biến số mới. Về cơ bản, Afghanistan được nhận định sẽ vẫn là mảnh đất để nhiều bên chi phối.

Đầu tiên là Mỹ, cường quốc số 1 thế giới chắc chắn sẽ không buông bỏ Afghanistan. Mỹ được nhận định là sẽ vẫn tiếp tục quan sát tình hình ở Afghanistan và sẽ duy trì can dự ở mức độ phù hợp. Ngoài ra còn có sự can dự của các cường quốc khác như Trung Quốc và Nga.

Với Trung Quốc, nước có chung đường biên giới với Afghanistan, lâu nay cũng xem quốc gia Nam Á này là một đối tác kinh tế, một hành lang sinh lợi cho sáng kiến Vành đai-Con đường. Tuy nhiên, an ninh bất ổn ở Afghanistan lại là vấn đề đau đầu đối với giới đầu tư của Trung Quốc. Điều này đặt Trung Quốc vào tình huống phải dàn xếp được mối quan hệ với cả chính phủ Afghanistan lẫn lực lượng Taliban.

Nga cũng là một bên cần tính đến trong sự can dự ảnh hưởng tại Afghanistan. Hiện nước này cũng đang tìm kiếm cam kết của Taliban về việc không để vùng biên giới phía Bắc của Afghanistan trở thành căn cứ cho các cuộc tấn công nhằm vào các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Theo giới phân tích, việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan đã tạo ra rủi ro an ninh đối với khu vực sườn Nam của Nga, đặc biệt là khi đã có hàng ngàn binh sĩ Afghanistan bỏ chạy sang nước láng giềng Tajikistan, nơi đặt căn cứ quân sự nước ngoài lớn nhất của Nga.

Ngoài ra không thể không tính tới vai trò của Pakistan, nước láng giềng của Afghanistan, là nơi mà các thủ lĩnh của lực lượng Taliban thường trú ẩn và huấn luyện đội ngũ.

Ấn Độ cũng đang thẽo dõi sát tình hình ở Afghanistan với thái độ thận trọng. Trong 2 thập kỷ qua, Ấn Độ đã dành nhiều khoản đầu tư và viện trợ cho Afghanistan với kỳ vọng là Afghanistan ổn định sẽ giúp giảm nguy cơ khủng bố từ phía Bắc đối với Ấn Độ, cũng như xây dựng một khu vực thân thiện, hợp tác.

Còn về phía Thổ Nhĩ Kỳ, nước này cũng đang muốn đặt mình vào vai trò an ninh chính sau khi Mỹ rút khỏi Afghanistan.Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã ra đề nghị có điều kiện liên quan đến việc điều động binh sĩ tham gia sứ mệnh do NATO giám sát nhằm bảo vệ sân bay quốc tế Kabul. 

Với những toan tính như vậy, chắc chắn các cường quốc, các quốc gia láng giềng sẽ tranh thủ để gia tăng ảnh hưởng trong giai đoạn chuyển giao này ở Afghanistan.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cục diện Afghanistan sẽ thế nào sau khi Mỹ rút quân?