Cơ hội để Australia-Mỹ thắt chặt quan hệ đồng minh

20/09/2019 21:56

Thủ tướng Australia Scott Morrison sẽ thăm chính thức Mỹ từ ngày 20 - 27.9 theo lời mời của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Thủ tướng Australia Scott Morrison và Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay trong dịp tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2018. Ảnh: Getty Image

Chuyến thăm là cơ hội để hai nước thắt chặt hơn nữa quan hệ đồng minh, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế và an ninh.

Đồng minh bền chặt

Mối quan hệ đồng minh bền vững và chặt chẽ giữa Mỹ và Australia đã kéo dài suốt một thế kỷ, trong đó hai bên hợp tác chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực, bao gồm chống khủng bố, an ninh, kinh tế thương mại và người di cư… Theo nhiều chuyên gia, dù ở bất cứ giai đoạn nào và vị trí lãnh đạo có thay đổi ra sao, Australia và Mỹ cũng không thay đổi trong việc áp dụng các chính sách đối ngoại song phương cũng như cách tiếp cận với các thách thức của khu vực và thế giới.

Với Australia, liên minh với Mỹ là cần thiết không chỉ trong phát triển kinh tế mà còn bảo đảm lợi ích an ninh quốc gia của Canberra. Còn với Mỹ, Washington có tầm ảnh hưởng rất quan trọng đến các nước đồng minh, nâng cấp chiến lược “tái cân bằng” của nước này thành chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, chủ yếu dựa vào các nước đồng minh trong khu vực và các đối tác bao gồm: Australia, Nhật Bản và Ấn Độ.

Liên minh Mỹ-Australia đã được khẳng định khi tại Hội nghị tham vấn cấp Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Mỹ-Australia (AUSMIN) diễn ra tại thành phố Sydney, Australia năm 2014, hai nước đã ký thỏa thuận hợp tác quân sự song phương lịch sử cho phép quân đội Mỹ hiện diện tại các căn cứ quân sự trên lãnh thổ Australia 25 năm nữa, lực lượng quân sự của hai nước huấn luyện và hợp tác chặt chẽ hơn trong bối cảnh lực lượng phi công và lính thủy đánh bộ Mỹ đang triển khai ở trong và ngoài Australia. Thỏa thuận này cũng cho phép Mỹ tăng gần gấp đôi lên 2.500 binh lính, trong đó có binh lính không quân và bộ binh, tại căn cứ không quân ở Darwin. Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí việc tăng cường hợp tác quân sự cũng như các đề xuất thiết lập hệ thống lá chắn phòng thủ tên lửa đạn đạo rộng lớn hơn để bảo vệ các đồng minh của Mỹ tại khu vực châu Á.

Thỏa thuận về hợp tác quân sự giữa Mỹ và Australia đã cung cấp một cơ chế mở cho những hoạt động quân sự rộng hơn của Mỹ tại Australia. Theo các nhà phân tích, Mỹ đã xác định Australia là một địa bàn quan trọng cho các hoạt động cấp khu vực. Với thỏa thuận hợp tác quốc phòng, Mỹ và Australia đã khẳng định sự đóng góp quan trọng của liên minh Washington-Canberra với hòa bình, an ninh và thịnh vượng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như vai trò ứng phó với những thách thức trong khu vực và toàn cầu. Đặc biệt, đây còn là một bước tiến quan trọng trong cấp độ tiếp cận và hiện diện ngày càng gia tăng của quân đội Mỹ trên lãnh thổ Australia.

Dù Australia luôn là đồng minh quan trọng của Mỹ nhưng quan hệ hai nước “đột nhiên căng thẳng” do bất đồng về thỏa thuận tiếp nhận hơn 1.200 người tị nạn, đa phần là người Hồi giáo gốc châu Phi, Trung Đông và châu Á tại các trung tâm sàng lọc người tị nạn ở đảo Nauru, Manus và Papua New Guinea mà Australia đã ký với Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama. Tiếp đó quan hệ giữa hai nước có phần "hờ hững" hơn sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thỏa thuận thương mại mà Australia kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp nước này tiếp cận thị trường Mỹ và các thị trường chủ chốt khác.

Tuy nhiên, quan hệ hai nước đã có dấu hiệu được cải thiện do có quan điểm đồng thuận trong vấn đề liên quan đến Triều Tiên, đặc biệt là sau chuyến thăm Australia của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence ngày 22.4.2017. Tháng 2.2018, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đã thực hiện chuyến thăm chính thức Mỹ và gặp gỡ Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm thắt chặt hợp tác kinh tế, quốc phòng, an ninh song phương và hợp tác trong các chiến dịch chống khủng bố tại Iraq, Syria và Afghanistan. Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo đã góp phần đẩy mạnh quan hệ hai nước vốn không mấy suôn sẻ do bất đồng liên quan tới thỏa thuận Mỹ nhận người tị nạn từ đảo Nauru, Manus và Papua New Guinea được kí kết dưới thời Tổng thống Mỹ Obama.         

Đặc biệt, kể từ khi nhậm chức tháng 8.2018, Thủ tướng Australia Scott Morrison luôn thể hiện coi trọng mối quan hệ đồng minh với Washington, nhiều lần nhấn mạnh Mỹ là đối tác quan trọng nhất và đồng minh thân cận nhất của Australia. Ông cho rằng, một nước Mỹ mạnh mẽ, luôn quan tâm đến các vấn đề của khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ rất quan trọng đối với lợi ích quốc gia của Australia trong bối cảnh hiện nay, khi khu vực này đang chứng kiến cuộc cạnh tranh khốc liệt về ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong Sách trắng về Chính sách Đối ngoại, Australia đã lặp lại khái niệm “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” của Mỹ, cho thấy sự thận trọng đối với sự ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực. Trong khi Washington cũng công bố quan điểm chính thức đối với Trung Quốc thông qua Chiến lược an ninh quốc gia (NSS) và Chiến lược phòng thủ quốc gia (NDS), đánh giá Trung Quốc là đối thủ “cạnh tranh chiến lược”.

Trong bài phát biểu đầu tiên về chính sách của Australia kể từ khi nhậm chức hồi tháng 8 vừa qua, tân Ngoại trưởng Australia Marise Payne cũng đề cao liên minh Australia-Mỹ. Người đứng đầu ngành ngoại giao Australia nhấn mạnh Australia cần bảo vệ các lợi ích của nước này trong "thời kỳ bất ổn chiến lược". Những thách thức tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cho thấy khối liên minh Australia-Mỹ có vai trò quan trọng hơn bao giờ hết. Người dân Australia chắc chắn rằng Mỹ sẽ duy trì sự hiện diện lâu dài trong khu vực.

Hơn nữa, quyết định mới đây của Australia tham gia sứ mệnh do Mỹ dẫn dắt ở eo biển Hormuz nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải ở vùng Vịnh đã chứng minh rằng Australia luôn sẵn sàng thực hiện những công việc nặng nề trong quan hệ đối tác liên minh giữa hai nước.

Trong khi đó, hợp tác kinh tế giữa Mỹ và Australia rất bền vững và là nhân tố bổ sung cho nhau. Mỹ hiện là đối tác kinh tế quan trọng nhất của Australia. Canberra đã được hưởng lợi từ mối quan hệ đầu tư hai chiều với Mỹ, có trị giá lên đến hơn 1,1 nghìn tỷ USD và Mỹ là điểm đến lớn nhất và duy nhất trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài của Australia.

Hồi tháng 3.2018, Tổng thống Mỹ Trump đã tuyên bố áp thuế 25% đối với mặt hàng thép và 10% đối với mặt hàng nhôm xuất khẩu của các nước vào Mỹ. Tuy nhiên, dưới sự vận động của cựu Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull, Mỹ đã miễn trừ việc áp thuế theo mức mới đối với hai mặt hàng này cho Australia. Theo Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham, hằng năm, xuất khẩu nhôm và thép của Australia vào Mỹ ước đạt khoảng 500 triệu AUD (tương đương 347 triệu USD) và hai mặt hàng này không nhận được sự trợ cấp hay bất cứ sự hỗ trợ nào từ Chính phủ Australia.

Cơ hội để thắt chặt quan hệ

Với một mối quan hệ bền vững và có chiều sâu như vậy, nên một ngày trước khi lên đường thăm chính thức Mỹ, ngày 19.9, Thủ tướng Australia Morrison đã tiếp tục khẳng định Australia là một đối tác mà Mỹ “có thể tin cậy” trong một kỷ nguyên phức tạp về địa chính trị và cạnh tranh chiến lược. Ông Morrison nói việc Australia hợp tác với Mỹ để bảo đảm hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng là điều rất quan trọng. Nhà lãnh đạo Australia cũng khẳng định liên minh Australia-Mỹ hiện mạnh mẽ hơn bao giờ hết và chuyến thăm là cơ hội quý giá để hai nước tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế và an ninh.

Theo thông tin từ truyền thông Australia, dự kiến các nội dung trao đổi giữa hai nhà lãnh đạo Australia và Mỹ trong chuyến thăm lần này bao gồm các vấn đề như hợp tác Australia-Mỹ trong việc đảm bảo an ninh và ổn định tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng như tại khu vực Biển Đông, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc, tình hình Iran và tình hình an ninh tại khu vực vùng Vịnh, chống khủng bố, hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực thương mại, năng lượng, hàng không vũ trụ, cơ sở hạ tầng, người di cư…

Trong chuyến thăm Mỹ lần này, Thủ tướng Australia Morrison sẽ tham dự quốc yến với Tổng thống Mỹ Donald Trump ở thủ đô Washington vào tối 21.9. Đây là quốc yến lần đầu tiên dành cho một thủ tướng Australia trong 13 năm qua kể từ thời Thủ tướng John Howard. Tiếp đó, Thủ tướng Australia Morrison sẽ có các cuộc họp với các thành viên cao cấp của chính quyền Mỹ, bao gồm Phó Tổng thống Mike Pence, Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper.

Ngoài chương trình hội đàm chính thức, Thủ tướng Australia Morrison cũng có kế hoạch thăm Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), dự lễ khai trương nhà máy tái chế giấy mới do một tập đoàn của Australia xây dựng tại bang Ohio, tham gia các sự kiện liên quan đến đầu tư và kinh doanh tại thành phố Chicago và có bài phát biểu quan trọng tại Hội đồng Các vấn đề toàn cầu Chicago.

Nhà lãnh đạo Australia Morrison sẽ kết thúc chuyến thăm Mỹ sau khi tham dự phiên họp thường kỳ lần thứ 74 của Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Dư luận Australia cho rằng việc Thủ tướng Australia Morrison được mời làm vị khách đặc biệt của Tổng thống Mỹ Trump tại Nhà Trắng thể hiện mối quan hệ cá nhân tốt đẹp giữa hai nhà lãnh đạo, đồng thời hứa hẹn mối quan hệ đồng minh giữa hai nước sẽ được thắt chặt hơn nữa trong thời gian tới.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cơ hội để Australia-Mỹ thắt chặt quan hệ đồng minh