Chưa có lối thoát trong căng thẳng thương mại Mỹ - Trung

02/08/2019 19:15

Khả năng Mỹ - Trung đình chiến trong cuộc chiến về thuế quan là rất mong manh vì các bất đồng cơ bản giữa hai bên vẫn chưa được giải quyết.

Mỹ và Trung Quốc đều phải gánh chịu hậu quả do căng thẳng thương mại nhưng cả hai bên vẫn chưa hề có dấu hiệu nhượng bộ

Các chuyên gia kinh tế nhận định khả năng Mỹ - Trung đình chiến trong cuộc chiến về thuế quan là rất mong manh vì các bất đồng cơ bản giữa hai bên vẫn chưa được giải quyết và không có dấu hiệu cho thấy hai chính phủ sẽ sẵn sàng nhượng bộ.

Bế tắc vẫn hoàn bế tắc

Ngay sau khi vòng đàm phán thương mại thứ 12 trong hai ngày 30-31.7.2019 kết thúc mà không đạt được tiến triển, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 1.8 tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung 10% đối với số hàng hóa trị giá 300 tỷ USD của Trung Quốc từ ngày 1.9 tới. Theo ông Donald Trump, việc này không bao gồm số hàng hóa trị giá 250 tỷ USD vốn đã chịu mức thuế 25%.

Vòng đàm phán thương mại cuối tháng 7 vừa qua được kỳ vọng sẽ tìm ra giải pháp chấm dứt cuộc chiến thuế quan về thương mại và công nghệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Đây là sự kiện đầu tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí nối lại các cuộc thương lượng đã đổ vỡ hồi tháng 5.2019. Tuy nhiên, trái với mong đợi của dư luận, những vấn đề được cho là gai góc, nhạy cảm và gây bất đồng nhất giữa hai nước vẫn không được tháo gỡ tại cuộc đàm phán này. 

Trong hơn 1 năm qua, hai bên đã tiến hành 11 vòng đàm phán thương mại cấp cao. Vòng đàm phán hồi tháng 5.2019 thất bại với việc Washington cáo buộc Bắc Kinh đổi ý về những cam kết giữa hai bên, theo đó phía Trung Quốc muốn điều chỉnh một số điểm trong dự thảo thỏa thuận thương mại đã được xây dựng sau 10 vòng đàm phán. Ngay sau đó, Tổng thống Donald Trump ngày 10.5.2019 đã áp mức thuế bổ sung, tăng từ 10% lên 25%, đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD. Ông chủ Nhà Trắng còn cảnh báo áp thuế 25% đối với toàn bộ hàng hóa còn lại nhập khẩu từ Trung Quốc có giá trị khoảng 325 tỷ USD. Đáp lại, từ ngày 1/6, Trung Quốc đã tăng thuế đối với 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.

Các nhà phân tích kinh tế cho rằng, còn quá nhiều bất đồng giữa hai bên xung quanh việc Trung Quốc sẽ tuân thủ các quy định bảo hộ sở hữu trí tuệ của Mỹ như thế nào, số lượng hàng hóa Mỹ mà Trung Quốc cam kết sẽ mua và liệu có bao nhiêu loại thuế trong tổng số thuế mà Mỹ đang đánh vào lượng hàng hóa trị giá 250 tỷ USD của Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục được áp dụng kể cả khi hai bên đạt được thỏa thuận thương mại… Những vấn đề gai góc khác trong căng thẳng hai nước là áp đặt chuyển giao công nghệ, các rào cản phi thuế quan, nông nghiệp, dịch vụ, thâm hụt thương mại và thực thi pháp luật. 

Cái giá phải trả

Những dữ liệu kinh tế mới nhất cho thấy những căng thẳng thương mại với Trung Quốc, bạn hàng lớn nhất của Mỹ, đang khiến kinh tế Mỹ phải trả giá. Theo số liệu công bố ngày 26.7.2019, kinh tế Mỹ đã tăng trưởng chậm lại trong quý II/2019 với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chỉ tăng 2,1% trong khi cả xuất khẩu và đầu tư kinh doanh đều sụt giảm. Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục cho rằng cuộc chiến thương mại với Trung Quốc tạo ra nguy cơ đối với kinh tế Mỹ. Tại cuộc họp chính sách ngày 31.7 vừa qua, Fed đã cắt giảm lãi suất cơ bản lần đầu tiên kể từ năm 2008 nhằm tạo động lực phát triển cho nền kinh tế. Thị trường chứng khoán Mỹ cũng phản ứng tăng điểm ngay khi có tin đàm phán thương mại được nối lại và giảm điểm khi đàm phán rơi vào bế tắc.

Chiến tranh thương mại với Mỹ cũng kéo nền kinh tế Trung Quốc đi xuống. Xu hướng các công ty đa quốc gia rời bỏ Trung Quốc, một phần do chi phí nhân công ngày càng gia tăng ở Trung Quốc, có thể ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng của quốc gia được mệnh danh là công xưởng của thế giới này. Đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc trong 4 thập kỷ qua đóng vai trò quan trọng trong việc mang lại cho nước này những công nghệ và kỹ năng quản lý mới. Thế nhưng, chi phí nhân công cao thời gian qua đang khiến Trung Quốc mất đi lợi thế cạnh tranh trong những ngành không đòi hỏi kỹ thuật cao. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong quý II.2019 chỉ đạt 6,2%, mức thấp nhất trong 3 thập kỷ qua. Tình hình đang tiếp tục xấu đi khi sự sụt giảm về kim ngạch xuất khẩu hiện nay cũng nghiêm trọng không kém so với thời điểm năm 2015, khi nền kinh tế Trung Quốc bị tác động bởi sự sụt giảm trên thị trường chứng khoán. Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 1,3% trong tháng 6.2019 so với mức tăng 1,1% trong tháng 5.

Mặc dù Mỹ và Trung Quốc đều phải gánh chịu hậu quả do căng thẳng thương mại nhưng cả hai bên vẫn chưa hề có dấu hiệu “xuống giọng”. Trong diễn biến mới nhất ngày 2.8, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị lên tiếng chỉ trích Mỹ: "Việc áp thuế chắc chắn không phải cách thức mang tính xây dựng để giải quyết bất đồng kinh tế và thương mại, đây không phải cách thức đúng đắn". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cũng nhấn mạnh Trung Quốc sẽ có các biện pháp đáp trả nếu Mỹ nhất định áp thuế đối với hàng hóa nước này. Về phía Mỹ, Ngoại trưởng Mike Pompeo cáo buộc Trung Quốc bảo hộ nền công nghiệp trong nước và áp dụng “chiến thuật lợi dụng” hệ thống thương mại để tạo lợi thế cho các công ty Trung Quốc trên thị trường toàn cầu. Ông Pompeo nhấn mạnh đã đến lúc phải ngăn chặn điều này.

Xem ra cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ tiếp tục diễn biến căng thẳng trong thời gian tới và một lối thoát cho cuộc chiến này vẫn còn quá xa vời.


Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chưa có lối thoát trong căng thẳng thương mại Mỹ - Trung