Venezuela: Khi mây mù che phủ đỉnh Bolivar

30/08/2018 07:45

Siêu lạm phát, khủng hoảng người di cư, thiếu hụt lương thực, tỷ lệ tội phạm gia tăng và tình cảnh nghèo đói thê thảm đã đẩy Venezuela rơi vào cảnh lụy tàn.

Từng là một trong những cường quốc dầu mỏ thế giới, một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn và là cái nôi sản sinh ra những người mẫu nổi tiếng, nhưng Caracas hiện đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có trong lịch sử. 

Kinh tế suy sụp

“Siêu lạm phát” đang là vấn đề lớn nhất mà quốc gia Nam Mỹ này phải đối mặt. Chỉ số lạm phát được giới chuyên gia dự đoán sẽ đạt ngưỡng 1 triệu phần trăm trong năm nay.

Cuộc khủng hoảng chưa có hồi kết tại Venezuela. Ảnh: Vox

Chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro cho rằng Caracas là nạn nhân của “một cuộc chiến thương mại”, thậm chí giới chức nước này cho rằng vấn đề mấu chốt của cuộc khủng hoảngbắt nguồn từ những mưu đồ chống đối chính phủ cũng như từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Giá dầu lao dốc kể từ năm 2014 là một trong những nguyên nhân chính có thể lý giải cho sự suy yếu tiền tệ mà Venezuela đang gánh chịu. Quốc gia Mỹ Latinh này sở hữu trữ lượng dầu mỏ vào bậc nhất thế giới, và cũng chính nguồn “vàng đen” là yếu tố chủ lực phát triển kinh tế, chiếm đến 96% tổng thu nhập của Caracas. Trong một khoảng thời gian rất dài trước đây, Mỹ đã phải nhập hàng triệu thùng dầu mỗi ngày từ Venezuela. Nói một cách đơn giản, quốc gia Nam Mỹ này chỉ việc “đào dầu lên bán” cho Mỹ cũng như các quốc gia khác là thu về nguồn ngoại tệ khổng lồ. Tuy nhiên, giá dầu “rơi đáy” đã kéo tụt mức dự trữ ngoại tệ Venezuela. Điều này dẫn tới sự khó khăn đáng kể trong việc nhập khẩu nhu yếu phẩm như lương thực và thuốc men phục vụ cho nhu cầu nội địa.

Theo số liệu từ hãng nghiên cứu Ecoanalitica, lượng hàng hóa nhập khẩu củaVenezuela đã giảm một nửa từ năm 2017. Mức tiền lương tối thiểu hiện nay tại quốc gia này hiện tại tương đương 1 USD/ tháng, kéo theo đó là tình trạng sống dưới mức khổ sở mà người dân đang chịu đựng. Sự thiếu hụt hàng hóa nhập khẩu đã khiến thị trường chợ đen tại Venezuela phát triển nhanh chóng, dường như trở thành kênh mua bán chính. Trung bình cứ khoảng 26 ngày giá cả hàng hóa lại đội lên gấp đôi. Cảnh tượng người dân Venezuela tại các khu ổ chuột phải lục lọi tìm đồ ăn thừa dường như đang dần trở lên phổ biến.

Một nghiên cứu hồi đầu năm nay cho thấy khoảng 90% dân số Venezuela đang sống trong cảnh bần cùng, kiệt quệ, và hơn 60% những người được hỏi nói rằng họ gần như “chết đói” mỗi khi thức dậy bởi không đủ tiền để mua thức ăn. 

Ngoài vấn đề lương thực, chính quyền Nicolas Maduro cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu thốn thuốc men. Khủng hoảng kinh tế đang tấn công trực diện vào hệ thống chăm sóc sức khỏe công và phúc lợi xã hội, khiến cho thuốc men và thiết bị y tế không thể đến tay người dân.

Giữa bối cảnh khủng hoảng gia tăng, chính phủ Venezuela đã quyết định phát hành một loại nội tệ mới nhằm chống đỡ lại một nền kinh tế đang dần sụp đổ bởi lạm phát. Giới chức Caracas hồi cuối năm ngoái đưa ra giải pháp phát hành một loại tiền có mệnh giá lớn hơn nội tệ hiện hữu. Sau đó vài tháng, Venezuela cho biết sẽ bỏ 3 số 0 trên tờ tiền. Tuy nhiên, khi chừng đó dường như chưa đủ, cuối tháng 7 vừa qua, chính quyền Maduro tuyên bố sẽ bỏ đi 5 số 0.

“Xóa bớt số 0” hiện tại đang được coi là trụ cột trong nhóm giải pháp nhằm cải tổ kinh tế mà Tổng thống Nicolas Maduro đang từng bước triển khai. Đồng tiền mới có tên “Bolivar Soberano” (Bolivar chủ quyền) đã được Caracas phát hành ngày 20.8 vừa qua. Động thái đã khiến Venezuela rơi vào tình trạng gần như “tê liệt” khi hàng nghìn doanh nghiệp đóng cửa để có thời gian thích nghi với đồng nội tệ mới. Bên cạnh đó, giới chức Venezuela cũng đã công bố hàng loạt chính sách cải cách kinh tế khác như tăng lương tối thiểu lần thứ 5 trong năm, nới lỏng kiểm soát tiền tệ, tăng thuế thu nhập doanh nghiệp và giá xăng, vốn được trợ cấp gần như toàn phần từ trước tới nay. Đặc biệt là động thái neo đồng nội tệ vào đồng petro, một đồng tiền ảo do quốc gia này phát hành.

Một số chuyên gia trong lĩnh vực tiền kỹ thuật số cho rằng chỉ số tín dụng của đồng tiền ảo petro Venezuela hiện nay tương đối thấp, bởi sự sụt giảm niềm tin vào Tổng thống Nicolas Maduro và chính quyền Caracas, cũng như sự quản lý yếu kém của chính phủ trong việc kiểm soát vấn đề tiền tệ hiện nay.

Rời bỏ quê hương

Trong bối cảnh khủng hoảng đang ngày một trầm trọng, rất nhiều người dân Venezuela đã buộc phảirời bỏ nhà cửa, tha phương cầu thực. Theo số liệu từ Liên hợp quốc, đến thời điểm hiện tại ghi nhận khoảng 2,3 triệu người dân Venezuela rời bỏ quê hương đi tìm nơi ở mới, trong đó hơn 1,6 triệu người đã rời bỏ nhà cửa kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu hồi năm 2015. Tổ chức này cũng cảnh báo dòng người tị nạn từ Venezuela đang tăng lên nhanh chóng thời gian ngắn gần đây. Phần lớn vượt biên giới sang quốc gia láng giềng Colombia để từ đó tiến sang Ecuador, Peru và Chile. Một số khác di tản về phía nam để sang Brazil.

Dòng người tị nạn từ Venezuela dường như đang châm ngòi cho những xung đột tiềm tàng tại các quốc gia khu vực, trong đó có Ecuador và Peru. Theo nhận định từ một số chuyên gia quan sát, Colombia chỉ trích hai quốc gia láng giềng phía nam nước này (là Ecuador và Peru) về những biện pháp siết chặt biên giới. Chính quyền Bogota cho rằng những hành động này không thể ngăn dòng người tị nạn. Ecuador, quốc gia với gần nửa triệu người Venezuela tràn sang từ đầu năm đến nay, sau đó đã dỡ bỏ yêu cầu xuất trình hộ chiếu của người dân Venezuela khi nhập cảnh, động thái nhằm giúp dòng người tị nạn có thể sang Peru. Về phần mình, mặc dù có sự quan ngại nhất định về khoảng 400 nghìn người Venezuela tị nạn song chính quyền Lima hiện đang ủng hộ động thái trên. Tại khu vực biên giới Brazil, hàng trăm người tị nạn đã tụ tập và nhiều cuộc xung đột đã xảy ra. Tổng thống Brazil Michel Temer đã phải tăng cường lực lượng quân đội tới khu vực này.

Theo truyền thông Colombia, quốc gia này đã cung cấp nơi ở tạm thời cho khoảng 900 nghìn người dân Venezuela song vẫn không thể đối phó với cuộc khủng hoảng người di cư đang ngày một trầm trọng. Tại Peru, chỉ trong ngày đầu tháng này đã có trên 5.100 người tràn qua biên giới. Trong bối cảnh đó, chính quyền Bogota đã đề nghị các quốc gia láng giềng phía nam chấp thuận một chiến lược chung nhằm đối phó với dòng người tị nạn đang ngày một gia tăng. Về phần mình, Ecuador đã kêu gọi một cuộc họp của nhóm 13 quốc gia Mỹ Latinh vào tháng 9 tới nhằm thảo luận về khủng hoảng Venezuela. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres sẽ thiết lập một nhóm các chuyên gia Liên hợp quốc đặc biệt nhằm bảo đảm cho sự phối hợp chung các nước trong khu vực trước “bức tranh u ám” Venezuela hiện tại.

Cuộc khủng hoảng kinh tế tại Venezuela đang dần biến thành khủng hoảng nhân đạo, khi người dân quốc gia này phải từ bỏ nhà cửa, quê hương hòa vào dòng người tị nạn. Người ở lại không thức ăn, nước uống, dịch bệnh bắt đầu bùng phát và thuốc men không thể đến tận tay người dân. Cho dù chính quyền Caracas có phát hành tiền mới, hay thậm chí đưa ra những gói giải pháp kìm chế lạm phát, cải tổ kinh tế, thì điều người dân quốc gia Nam Mỹ này mong muốn nhất hiện nay có lẽ chỉ đơn giản là một cái bánh mỳ. 

HÀ KIÊN(dịch và tổng hợp)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Venezuela: Khi mây mù che phủ đỉnh Bolivar