Châu Âu vẫn chia rẽ trong vấn đề di cư

23/08/2019 16:34

Hiện nay, cuộc khủng hoảng di cư vẫn đang tiếp tục là nỗi ám ảnh đối với châu Âu.

Sau nhiều ngày bị mắc kẹt trên tàu cứu hộ Open Arms, cuối cùng những người di cư trên tàu đã được năm nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đồng ý tiếp nhận và sau đó đã được đưa lên đảo Lampedusa của Italy. Tuy nhiên qua sự việc này, có thể thấy cuộc khủng hoảng di cư vẫn đang tiếp tục là nỗi ám ảnh đối với châu Âu.

Giải cứu tàu cứu hộ Open Arms

Open Arms là tàu cứu hộ do tổ chức nhân đạo Proactiva của Tây Ban Nha vận hành. Từ cách đây khoảng 3 tuần, tàu Open Arms đã giải cứu được gần 150 người di cư đến từ châu Phi tại khu vực ngoài khơi bờ biển Libya. Tuy nhiên, sau khi đưa được những người di cư lên tàu thì tàu này vẫn phải neo đậu ở cách cảng Lampedusa của Italy khoảng vài chục mét từ gần 2 tuần nay do không được Chính phủ Italy cấp phép cho người di cư lên bờ. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Italy Matteo Salvini đã ra lệnh cấm các tàu cứu người di cư cập cảng nước này với lý do nước này đã và đang gánh vác quá nhiều trách nhiệm trong việc giải quyết dòng người di cư từ châu Phi tới châu Âu. Theo đó, Open Arms có thể bị phạt tới 1 triệu euro và bị thu giữ nếu vi phạm.

Tổ chức nhân đạo Proactiva sau đó đã gửi đơn kháng cáo lên tòa án để yêu cầu Open Arms được phép cập cảng Italy, cho rằng con tàu nhân đạo này có quyền đưa người di cư đến nơi an toàn theo luật biển quốc tế.

Ngày 20.8, tòa án tại Rome đã ra phán quyết bác bỏ lệnh cấm của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Italy Matteo Salvini. Tòa cho biết thêm, tàu cứu người di cư này rõ ràng đối mặt với tình trạng “đặc biệt nghiêm trọng”, do đó cần được phép cập cảng Italy và những người di cư trên tàu cần nhận được sự hỗ trợ kịp thời của cơ quan chức năng. Với phán quyết này, những người di cư trên tàu Open Arms cuối cùng cũng đã được cho phép lên đảo Lampedusa của Italy sau khi một tòa án Italy bác bỏ lệnh cấm của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Italy Matteo Salvini.


Người di cư trên tàu cứu hộ Open Arms được tàu tuần tra Tây Ban Nha giải cứu sau khi nhảy xuống biển ở khu vực ngoài khơi đảo Lampedusa, Italy ngày 20.8.2019

Tiếp đó, ngày 21.8, 5 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), trong đó có Tây Ban Nha, quốc gia cửa ngõ châu Âu, đã nhất trí tiếp nhận số người di cư đã mắc kẹt trong nhiều tuần qua trên tàu cứu trợ Open Arms. Động thái này đã giúp chấm dứt tình trạng tranh cãi kéo dài với Chính phủ Italy về số phận của những người di cư này.

Theo người phát ngôn Ủy ban châu Âu (EC), bà Tover Ernst, 5 quốc gia gồm Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Luxembourg và Bồ Đào Nha sẽ gửi các nhóm tới đăng ký và phỏng vấn người di cư, tiến hành các thủ tục kiểm tra và sắp xếp di chuyển cần thiết. Việc tái phân bổ số người di cư trên tới các quốc gia EU được cho là sẽ mất nhiều thời gian hơn là "vài ngày". Song bà Ernst khẳng định: "Ủy ban châu Âu sẽ làm hết sức mình để hỗ trợ và giúp đỡ đảm bảo rằng các thủ tục này diễn ra càng nhanh càng tốt".

Châu Âu tiếp tục chia rẽ vì vấn đề di cư

Việc tàu cứu người di cư Open Arms được phép vào bờ biển Lampedusa của Italy đã tạm thời giúp những người di cư thoát nạn, song qua sự việc này những bất đồng giữa các nước châu Âu lại gia tăng, đẩy cuộc khủng hoảng di cư vào bế tắc mới.

Hiện nay các nước thành viên EU vẫn đang bị chia rẽ về "cơ chế thống nhất" trong việc tiếp nhận người di cư được Pháp và Đức đề xuất, theo đó thành lập liên minh các nước sẵn sàng tiếp nhận người di cư một cách có hệ thống bất cứ thời điểm nào họ lên bờ sau khi được những con tàu cứu hộ giải cứu trong giai đoạn từ nay cho tới tháng 10.2019. Nhưng một số nước như Italy giữ quan điểm cứng rắn đã phản đối đề xuất trên, đồng thời ra lệnh cho các cơ quan chức năng chặn các tàu cứu nạn đang tìm cách cập cảng để cho những người di cư được cứu lên bờ. Italy đã kiên quyết không cho phép tàu cứu người di cư trên biển cập cảng nước này, đồng thời muốn các nước EU khác chia sẻ gánh nặng trên với Italy và giải quyết yêu cầu xin tị nạn của những người này ngay khi đặt chân lên đất liền. 

Thực tế tàu Open Arms không phải là trường hợp duy nhất bị chặn bên ngoài hải phận Italy theo quyết định của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Salvini. Trước đó, tàu cứu hộ Alan Kurdi của tổ chức phi chính phủ Đức Sea-Eye chở 40 người di cư cũng đã bị chặn bên ngoài hải phận Italy. Theo hãng tin AP đánh giá, ông Matteo Salvini là người có quan điểm cứng rắn phản đối người nhập cư. Theo dự luật mà ông Matteo Salvini đã đề xuất lên Quốc hội Italy, các tàu tìm kiếm và cứu nạn xâm nhập trái phép vào lãnh hải nước này có thể bị thu giữ và thuyền trưởng tàu vi phạm sẽ bị phạt 1 triệu euro. Dự luật đã được Hạ viện thông qua và đang chờ Tổng thống Italy Sergio Mattarella ký ban hành. 

Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho rằng, quy định áp đặt các biện pháp xử phạt trên của Italy có nguy cơ cản trở hoạt động cứu nạn của các tàu tư nhân trên biển.

Theo các nhà phân tích, chính sự chia rẽ giữa các nước trong EU liên quan tới "cơ chế thống nhất" trong việc tiếp nhận người di cư, đã khiến việc giải quyết khủng hoảng di cư càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Trong bối cảnh đó, các nước thành viên đã kêu gọi EU có sự chia sẻ công bằng hơn trong việc phân bổ người di cư tới nước này. Việc thiết lập được một chính sách nhập cư hoặc tị nạn chung là điều cần thiết và cấp bách với EU lúc này. Dự kiến vào tháng 11.2019 tới, EU sẽ chứng kiến sự chuyển tiếp ở vị trí lãnh đạo cao nhất, đó là Chủ tịch Ủy ban châu Âu. Đội ngũ lãnh đạo mới của EU sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có việc hoạch định các chính sách về vấn đề di cư. 

Theo các nhà phân tích, đối với các nhà hoạch định chính sách của EU, di cư là một vấn đề phức tạp và nhạy cảm cả về chính trị và ngoại giao. Bởi điều này xuất phát từ một loạt các vấn đề kinh tế, xã hội và chính trị trong và ngoài EU, và ngược lại di cư sẽ ảnh hưởng trở lại các vấn đề kinh tế, xã hội và chính trị theo diện rộng, do vậy sẽ không thể có chiến thắng dễ dàng khi đề cập đến chính sách di cư. Vì vậy, khi xem xét tình hình di cư, đội ngũ lãnh đạo mới của EU cần đánh giá nhu cầu và mối quan tâm của các quốc gia thành viên, giải quyết bất bình đẳng về cấu trúc mà không làm bất ổn đến khu vực Trung Đông-châu Phi.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Châu Âu vẫn chia rẽ trong vấn đề di cư