Châu Âu vẫn ám ảnh với những “con sói đơn độc”

02/12/2019 16:14

Cuối tuần qua, châu Âu bị rúng động bởi hai vụ tấn công bằng dao liên tiếp tại Anh và Hà Lan.

Cảnh sát Anh phong tỏa khu vực gần hiện trường vụ tấn công bằng dao trên cầu London tối 29.11. Ảnh: THX/TTXVN

Trong đó, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã tuyên bố nhận trách nhiệm đứng sau vụ đâm dao trên cầu London, Anh.

Những vụ tấn công mới này tiếp tục cho thấy nguy cơ khủng bố vẫn luôn rình rập, làm gia tăng mối lo ngại về bất ổn an ninh không chỉ tại Anh hay Hà Lan mà còn đối với toàn châu Âu.

Châu Âu bất ổn an ninh dịp lễ mua sắm Black Friday

Ngày 29.11 vừa qua đã trở thành ngày “Thứ Sáu đen tối” đúng theo nghĩa đen của nó đối với người dân Anh khi một vụ tấn công bằng dao đã xảy ra tại khu vực cầu London, thủ đô nước Anh.

Vụ việc nghiêm trọng trên đã làm 2 người thiệt mạng và 3 người bị thương, và cảnh sát Anh sau đó đã khẳng định đây là một vụ tấn công khủng bố. Đây cũng là vụ tấn công khủng bố thứ hai trên cầu London trong vòng hơn hai năm qua.

Thủ phạm khủng bố là Usman Khan, 28 tuổi, đã mặc áo có trang bị thuốc nổ giả và dùng dao tấn công người đi đường trên cầu London ở khu vực trung tâm, một trong những nơi thường xuyên tập trung đông người nhất tại thủ đô London, nhất là vào thời điểm đang diễn ra đợt khuyến mại mua sắm Black Friday vào cuối năm. Tên này sau đó đã bị lực lượng đặc nhiệm Anh bắn chết tại chỗ.

Tên này là một nhân vật không xa lạ với giới chức an ninh Anh và có mối quan hệ với “các nhóm khủng bố Hồi giáo”. Đối tượng này vừa mới ra tù năm ngoái và từng chấp nhận đeo vòng kiểm soát điện tử. 

Ngay lập tức, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã lên án hành động "khủng khiếp" và bày tỏ cảm thông với các nạn nhân cùng gia đình họ.

Chỉ vài giờ sau đó, một vụ đâm dao khác cũng đã xảy ra ở khu mua sắm Grote Marktstraat, trung tâm thành phố La Haye, Hà Lan, giữa lúc đông người qua lại vào ngày mua sắm Black Friday. Sau khi gây án nghi phạm đã chạy trốn nhưng sau đó một ngày, cảnh sát Hà Lan đã bắt được một người đàn ông khoảng 35 tuổi có liên quan đến vụ đâm dao trên. Theo cảnh sát Hà Lan, nghi phạm bị bắt không có hộ khẩu thường trú. 

Cũng trong ngày 29.11, trong khi ở Anh xảy ra một cuộc tấn công khủng bố trên cầu London và người Hà Lan chấn động trước vụ đâm dao giữa khu mua sắm sầm uất, thì ở Pháp, một nhà ga cũng đã phải sơ tán khẩn vì thiết bị nổ. Khi đó, nhà ga Gare Du Nord ở thủ đô Paris đã phải sơ tán tạm thời sau khi một thiết bị nổ được phát hiện giấu trong một túi xách. Hình ảnh không xác định về thiết bị nổ này, giống một quả đạn cối, đã lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội sau đó.

Những vụ việc trên đã ảnh hưởng lớn tới hoạt động của người dân khi xảy ra vào đúng thời điểm nhiều người đang đi mua sắm nhân dịp Black Friday. Đặc biệt, hai vụ đâm dao liên tiếp chỉ trong một ngày ở Anh và Hà Lan vừa qua đã khiến cả châu Âu sống trong cảm giác lo sợ về nguy cơ trỗi dậy của bóng ma khủng bố dưới dạng những cuộc tấn công của "sói đơn độc", do những kẻ cực đoan hành động một mình, không cần đến sự trợ giúp của mạng lưới, và có thể sát hại bất cứ ai chúng gặp trên đường.

Bóng ma IS vẫn ám ảnh châu Âu

Trong những năm gần đây, mô-típ “sói đơn độc” hay những đối tượng đơn lẻ thực hiện các vụ tấn công đẫm máu trở thành mối đe dọa lớn đối với các nước châu Âu. Các con “sói đơn độc” này có thể là bất kỳ ai bị tiêm nhiễm tư tưởng cực đoan và vì thế, các cơ quan cảnh sát gần như không thể đoán biết trước để ngăn chặn phòng ngừa.

Số lượng các đối tượng “sói đơn độc” cũng ngày càng gia tăng bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Trước tiên là vì sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng trong xã hội. Tại các nước Tây Âu, những hố sâu ngăn cách trong xã hội giữa người giàu và người nghèo, giữa người bản xứ và người nhập cư ngày càng lớn làm cho xã hội bị chia rẽ sâu sắc hơn. Sự bất bình đẳng về thu nhập và mức sống càng lớn thì những người nghèo càng bế tắc hơn và sống mặc cảm hơn. 

Thứ hai, sự gia tăng đột biến của dòng người di cư tới các nước châu Âu trong hơn 3 năm qua cũng là nguyên nhân đẩy cao những xu hướng bất bình đẳng này. Thất nghiệp, nghèo đói và mặc cảm tự ti như những người sống bên lề xã hội đã gây ra nhiều hệ lụy và bất ổn cho châu Âu. Những người này dễ bị lôi kéo vào các phong trào hoặc tư tưởng cực đoan hay rơi vào trạng thái trầm cảm và từ đó trở thành những “sói đơn độc” luôn ấp ủ âm mưu tiến hành những vụ tấn công gây chết chóc. 

Thứ ba, sự phổ biến của Internet và mạng xã hội cũng là một nguyên nhân giúp lan truyền các tư tưởng cực đoan một cách nhanh chóng và mạnh mẽ, và làm gia tăng các đối tượng “sói đơn độc”. Những phương tiện truyền thông này đã giúp cho những con “sói đơn độc” tìm hiểu thông tin về một mục tiêu tấn công, lên kế hoạch tấn công một cách dễ dàng hơn.

Kể từ sau khi phiến quân IS bị tiêu diệt ở Iraq và Syria, đặc biệt là sau khi thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi bị đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt tại Syria hồi cuối tháng 10 vừa qua, các chuyên gia đã liên tục đưa ra cảnh báo về nguy cơ trỗi dậy của lực lượng khủng bố IS dưới dạng những cuộc tấn công "sói đơn độc". Sau những thất bại liên tiếp trên chiến trường và cái chết của thủ lĩnh, "sói đơn độc" là hình thức tấn công gần như duy nhất mà những kẻ cực đoan có thể tiến hành ở châu Âu để trả thù cho tổ chức.

Hai báo cáo gần đây của Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã đánh giá rằng trong khi số lượng các cuộc tấn công khủng bố đang giảm dần, song quan điểm và hệ tư tưởng của IS thì vẫn tiếp tục là một mối đe dọa trên toàn cầu, đặc biệt là với an ninh của châu Âu. Trong đó, báo cáo Xu hướng và Tình trạng Khủng bố EU 2019 do Europol công bố cho thấy tổng số vụ tấn công khủng bố trong năm 2018 ở EU giảm xuống mức thấp trong 4 năm trở lại đây. Thế nhưng, báo cáo của Europol lại cho thấy số vụ tấn công và bắt giữ các đối tượng cực đoan lại đang gia tăng, khẳng định nguy cơ các phần tử cực đoan tấn công khủng bố vẫn là một mối lo ngại lớn.

Còn trong báo cáo của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cơ quan đang theo dõi các hoạt động của IS và Al Qaeda, cho rằng dù "Vương quốc Hồi giáo" của IS đã sụp đổ ở Syria và Iraq thì tổ chức này vẫn tiếp tục củng cố lực lượng và tìm cách thực hiện các vụ tấn công trên toàn thế giới.

Theo các chuyên gia, trong khoảng thời gian từ 2011 đến 2016, đã có khoảng hơn 5.000 người châu Âu gia nhập IS tại Syria hoặc Iraq. Nhưng khi IS đang bị mất đi các vùng lãnh thổ mà tổ chức này đã từng kiểm soát, sẽ có từ 1.200 đến 3.000 “tay súng IS” quay trở lại lãnh thổ châu Âu. Đây là mối thách thức an ninh vô cùng lớn đối với các nhà chức trách châu Âu. Minh chứng cho điều này là số vụ bắt giữ và kết án những đối tượng có liên quan đến hoạt động khủng bố đang gia tăng ở châu Âu.

Các tay súng châu Âu gia nhập IS ở Syria khi bị hồi hương cũng sẽ phải đối mặt với các án tù. Nhưng chính những đối tượng bị giam giữ này đang là thách thức rất lớn bởi chúng là những người truyền bá tư tưởng cực đoan của IS cho các phạm nhân khác trong nhà tù. Các nhà tù châu Âu vì thế đang có nguy cơ là nơi nuôi dưỡng tư tưởng cực đoan cho những kẻ thực hiện các vụ khủng bố ở Pháp, Bỉ, Anh... Và thực tế đã cho thấy Usman Khan, kẻ vừa thực hiện vụ đâm dao trên cầu London ngày 29.11 vừa qua, từng một phần tử khủng bố bị kết án tù năm 2012. Hắn vừa mới được ra tù vào tháng 12.2018 sau khi chấp nhận đeo vòng giám sát điện tử.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh các thành trì cuối cùng của IS đang dần sụp đổ, chắc chắn IS sẽ không thể tổ chức một vụ khủng bố lớn ở châu Âu, song những đối tượng mang tư tưởng cực đoan của IS thì vẫn dễ dàng thực hiện các vụ tấn công đơn lẻ theo kiểu “sói đơn độc”. Chính vì vậy mà dù số người chết do các vụ khủng bố ở châu Âu đã giảm từ 150 người hồi năm 2015 xuống còn 13 người trong năm 2018, thì mối đe dọa từ IS và các nhóm khủng bố khác vẫn không ngừng rình rập châu Âu.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Châu Âu vẫn ám ảnh với những “con sói đơn độc”