Căng thẳng Nga-Ukraine: Toan tính chính trị?

29/11/2018 09:11

Sau chính biến ở Ukraine hồi năm 2014 và sự kiện Nga tiếp nhận Crimea, cục diện “mối quan hệ hữu hảo” Nga - Ukraine đã đảo chiều.

Cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine rất khó xảy ra khi cả Tổng thống Ukraine Poroshenko (trái) và người đồng cấp Nga Putin đều coi sự kiện này là những nước cờ chính trị của riêng mình

Với việc hoàn tất xây dựng cầu nối lãnh thổ lục địa Nga và Crimea, Moscow trên thực tế đã phong tỏa hoàn toàn eo biển Kerch.

Chiêu bài của Poroshenko

Ngày 25.11, tàu tuần tra Nga đã bắt giữ 3 tàu hải quân Ukraine tại eo biển Kerch - khu vực kết nối duy nhất giữa biển Đen và biển Azov. Phía Ukraine sau đó đã đưa ra phản ứng được cho là gay gắt nhất. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đề xuất tuyên bố tình trạng chiến tranh và áp dụng các quy chế về tình trạng khẩn cấp trên phạm vi toàn quốc. Quốc hội nước này đã thông qua việc thiết quân luật trong vòng 30 ngày, vốn dự tính kéo dài 60 ngày theo đề xuất đầu tiên, nhằm phản ứng và đối phó nguy cơ bị tấn công.

Điện Kremlin cho rằng các tàu hải quân Ukraine đã có “hành động khiêu khích” nhằm “tạo tình huống xung đột” tại khu vực. Tuy nhiên, Kiev lại khẳng định nước này đã thông báo trước cho Moscow về lộ trình di chuyển của những tàu hải quân bị bắt giữ, vốn buộc phải xuyên qua eo biển Kerch để tiến về biển Azov.

Theo một số nhà quan sát, nguyên nhân chính của sự việc trên xuất phát từ tình hình chính trị nội bộ tại Ukraine. Kể từ “sự kiện Maidan 2014”, cuộc đảo chính do phương Tây dàn xếp nhằm lật đổ cựu Tổng thống Viktor Yanukovych hoàn toàn không hề cải thiện tình hình kinh tế cũng như cuộc sống của người dân Ukraine. Cũng kể từ thời điểm đó, Kiev hoàn toàn “rơi vào tầm kiểm soát” từ các khoản viện trợ của EU cũng như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), vốn do Mỹ lãnh đạo.

Tổng thống Poroshenko đứng trước nguy cơ bị thất cử trong cuộc bầu cử sắp tới, dự kiến sẽ diễn ra ngày 31.3.2019. Vị Tổng thống đương nhiệm Ukraine sa sút uy tín chính trị bởi sự điều hành không hiệu quả trong việc khôi phục tình hình an ninh, kinh tế - xã hội, đồng thời “làm ngơ” trước việc chống tham nhũng tại quốc gia này.

Đất nước trong tình trạng chiến tranh thì không thể tiến hành bầu cử, đó là nhận xét từ nhiều chuyên gia khi đánh giá về mục đích đằng sau “hành động khiêu khích” từ phía Kiev trên eo biển Kerch vừa qua. Ông Poroshenko dường như cần một “thành quả đối ngoại” nhằm “khai thông thế cờ bí” chính trị trong nước. Gây hấn với Điện Kremlin thời điểm hiện tại có lẽ là nước cờ “định hướng dư luận” trong nước, khiến cử tri Ukraine bớt để ý hơn đến tình trạng đối nội. Thiết quân luật sẽ giúp Poroshenko tạo cớ trì hoãn cuộc bầu cử tổng thống hoặc ít nhất cũng sẽ cản trở chiến dịch vận động tranh cử từ các ứng cử viên khác. Mặt khác, Tổng thống Petro Poroshenko còn muốn đẩy Mỹ, EU và NATO vào tình thế buộc phải thể hiện thái độ ủng hộ Kiev, chống lại Moscow.

Nước cờ của Putin

Nhiều ý kiến cho rằng mọi diễn biến trong vụ đụng độ vừa qua trên khu vực biển Đen không chỉ là toan tính từ Kiev mà Moscow cũng đã tính toán rất kỹ. Chính sự việc này đã tạo ra một “cái cớ hoàn hảo” cho Kremlin, giúp Tổng thống Vladimir Putin tự do triển khai nước cờ riêng của mình.

Người đứng đầu Điện Kremlin trong thời điểm hiện tại cũng “có nhu cầu thể hiện”, dùng thành quả đối ngoại “trang trải” tình hình chính trị đối nội và cải thiện mức độ tín nhiệm. Sau động thái từ Kiev, Moscow đáp trả bằng việc phản ứng rất mạnh tay, kiên quyết xác lập tương quan và cục diện khu vực. Động thái không chỉ nhằm cảnh báo và răn đe Ukraine mà còn phát đi một thông điệp rõ ràng tới Mỹ, EU và NATO rằng “câu chuyện Crimea” là sự việc đã xảy ra, không thể đảo ngược và Moscow dứt khoát sẽ không ngồi vào thế “đánh đổi”.

Yếu tố bất ngờ trong vụ đụng độ giữa Nga và Ukraine tại khu vực eo biển Kerch vừa qua là khi Moscow nổ súng và bắt giữ tàu của Ukraine. Đây là lần đầu tiên xảy ra nổ súng tại khu vực này. Hồi năm 2003, thời điểm mối quan hệ Nga-Ukraine còn tốt đẹp, hai nước đã ký thỏa thuận về vùng biển Azov, coi đây là biển nội địa chung. Tàu chiến của nước thứ ba muốn tiến vào khu vực này cần nhận được sự chấp thuận từ cả hai bên.

Tuy nhiên, kể từ sau sự kiện lật đổ cựu Tổng thống Viktor Yanukovych, liền sau đó là việc Nga sáp nhập Crimea đã khiến mối quan hệ giữa Moscow và Kiev rơi vào căng thẳng. Việc thực hiện thỏa thuận liên quan đến biển Azov theo đó cũng hoàn toàn khác trước. Việc Nga hoàn tất xây dựng cầu nối giữa lãnh thổ lục địa Nga với Crimea thực tế đã giúp Kremlin phong tỏa hoàn toàn eo biển Kerch. Với cây cầu này, hiện chỉ có tàu bè cao dưới 36 m có thể qua lại được. Ngoài ra, tàu bè nước ngoài muốn qua đây phải được sự chấp thuận từ Moscow. Điều này khiến sự kiểm soát của Ukraine tại khu vực dần bị lấn lướt và vô hiệu hóa. Chiến lược này có thể giúp Kremlin không cần “đánh” mà vẫn có thể kiểm soát biển Azov.

Ukraine không đủ khả năng để có thể một mình dấn thân vào cuộc chiến tranh với Nga. Trong bối cảnh Mỹ và các quốc gia châu Âu hiện đang tìm cách giải quyết nhiều vấn đề với Nga tại nhiều điểm nóng khác, rất dễ hiểu rằng cả Washington và EU đều không hưởng lợi gì trong việc gia tăng thêm căng thẳng với Nga vì Ukraine. Ngoài ra, kịch bản Mỹ và EU chấp nhận “nhảy vào” cuộc chiến trực tiếp với Nga rất khó xảy ra, bởi vụ va chạm trên biển Đen vừa qua chỉ liên quan đến Nga và Ukraine.

Phía Ukraine thổi phồng xung đột, thậm chí dẫn đến bùng nổ cuộc chiến với Nga trong khi Mỹ dọa hủy gặp Nga bên lề G20 hay EU, NATO bày tỏ sự lo ngại sâu sắc, tất cả dường như đều chỉ là những nước cờ chính trị các bên đang triển khai. Kịch bản nổ súng như tại eo biển Kerch vừa rồi sẽ rất khó lặp lại. Và rằng, nguy cơ cuộc chiến giữa Nga và Ukraine theo đó càng khó xảy ra.

HÀ KIÊN (biên dịch và tổng hợp)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Căng thẳng Nga-Ukraine: Toan tính chính trị?